(kontumtv.vn) – Thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ những giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong cộng đồng được các cấp ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Đến nay, tỉnh Kon Tum đã phục dựng nhiều lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh đất và con người Kon Tum đến bạn bè trong và ngoài nước thông qua các Tuần văn hóa, Ngày hội văn hóa các dân tộc. Để hiểu rõ công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phóng viên Đài PT-TH tỉnh Kon Tum đã có cuộc trao đổi với ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết thời gian qua, công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được tỉnh quan tâm đầu tư như thế nào?

Ông Phan Văn Hoàng: Việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thì đối với ngành, từ năm 2015 đến nay đã tổ chức hơn 17 lớp truyền dạy, trong đó, 15 lớp truyền dạy về cồng chiêng, còn lại các lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm. Thực hiện Chỉ thị 21 của UBND tỉnh về khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị nhà rông truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thì đến nay cũng có trên 500 nhà rông /622 thôn, làng được phục dựng làm nơi sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh. Bên cạnh đó, ngành cũng thường niên tổ chức các hoạt động như là Tuần Văn hóa du lịch, Ngày hội văn hóa các dân tộc rồi tổ chức các đợt liên hoan cồng chiêng thì cũng tạo được cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu được giá trị truyền thống của dân tộc mình.

Ông Phan Văn Hoàng trả lời phỏng vấn của PV
Ông Phan Văn Hoàng trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, cùng với công tác bảo tồn như vậy, tỉnh Kon Tum cũng tích cực quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất và người Kon Tum như thế nào và cũng tạo điều kiện để các nghệ nhân tham gia giao lưu, giới thiệu văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến tỉnh bạn?

Ông Phan Văn Hoàng: Ngành cũng thường niên tổ chức cho các đoàn nghệ nhân đại diện cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa du lịch ở Đồng Mô, Hà Nội, cũng như là tham gia các lễ hội thổ cẩm ở Đăk Nông rồi tham gia ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc,… Đây cũng là dịp để cho các nghệ nhân có dịp giao lưu, trao đổi cũng như biểu diễn các giá trị văn hóa của đồng bào mình nhằm quảng bá, giới thiệu cho du khách trong và ngoài nước biết thêm hình ảnh đất và người Kon Tum.

PV: Đối với công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian, yếu tố cực kỳ quan trọng là các nghệ nhân. Để các nghệ nhân tiếp tục cống hiến cho công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc này, tỉnh cũng đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách ra sao cho các nghệ nhân?

Ông Phan Văn Hoàng: Ngành đã tham mưu cho tỉnh trong việc xét chọn các nghệ nhân để trình Chính phủ, Chủ tịch nước công nhận các nghệ nhân ưu tú. Chính những nghệ nhân ưu tú này sau này về được vinh danh như thế là nguồn động lực họ phát huy hơn nữa, trao truyền lại các giá trị văn hóa cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ cho những nghệ nhân, Chính phủ cũng đã có Nghị định 109 năm 2015, trong đó, có hỗ trợ cho các nghệ nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Về phía ngành, chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hơn nữa, làm sao có những chính sách khuyến khích các nghệ nhân, những người nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống để họ có động lực trao truyền lại cho thế hệ trẻ.

PV: Thưa ông, để thế hệ trẻ yêu hơn, say mê hơn những truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, ông nhận định phải có những giải pháp căn cơ, trọng tâm như thế nào?

Ông Phan Văn Hoàng: Các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó, chú trọng đến thế hệ trẻ, để làm sao thế hệ trẻ am hiểu hơn các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Thứ hai, chúng ta cần phải có những chính sách, đề án xây dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. Một số ngành nghề truyền thống, vấn đề làm sao tạo được đầu ra của các sản phẩm như dệt thổ cẩm, tạo cho thế hệ trẻ họ có động lực hơn trong vấn đề vừa làm kinh tế, vừa bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mình.

PV: Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

 Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *