(kontumtv.vn) – 45 năm chiến tranh qua đi nhưng những dấu tích, di chứng và hậu quả chiến tranh để lại vẫn còn đó. Có người vĩnh viễn ngã xuống, có người hy sinh một phần thân thể để bảo vệ Tổ quốc và có những người suốt cuộc đời mang trong mình di chứng chiến tranh là chất độc hóa học quân đội Mỹ rải xuống. Với tất cả sự quan tâm, lòng tri ân sâu sắc, các cấp ngành, địa phương và cả cộng đồng đang cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh để lại.

 NO LUC KHAC PHUC HAU QUA CHIEN TRANH VA NOI DAU DA CAM

 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vùng đất Sa Thầy từng là chiến trường ác liệt gắn với những trận đánh đi vào lịch sử. 45 năm sau giải phóng, vết tích của những trận chiến ngày nào giờ vẫn còn. Đó là những dãy đồi trọc trên địa bàn các xã Rờ Kơi, Sa Nhơn, Hơ Moong, Sa Nghĩa bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học/đioxin quân đội Mỹ rải xuống.  Ông Nguyễn Thanh Bình, nạn nhân chất độc hóa học, ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy chia sẻ: “Hồi đó, người ta thông báo cho dân để đối phó với cái việc rải chất độc hóa học thì người ta thông báo cho người dân mỗi một người là phải có khẩu trang, lấy than củi giã ra bỏ vào trong vải màn bít lên. Sau này, nhà khoa học người ta nghiên cứu ra thì mình mới biết rằng điôxin nó có những tác động như thế này.”

Trên địa bàn huyện Sa Thầy hiện có 35 nạn nhân chất độc da cam/đioxin đang hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước. Trong đó, 20 người từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, còn lại 15 trường hợp là con đẻ của người tham gia kháng chiến. Nỗ lực xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp ngành, địa phương tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân nhiễm chất độc hóa học. Ông Trương Công Chính, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cũng như cấp ủy, chính quyền địa phường và các ban ngành đã tổ chức kịp thời thăm hỏi các đối tượng chính sách, trong đó, đặc biệt quan tâm đến đối tượng bị ảnh hưởng bởi chất độc. Hàng năm, huyện cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, đồng thời động viên họ cố gắng vươn lên trong cuộc sống và động viên con cái, con cháu họ học tập, lao động, sản xuất cũng như kêu gọi các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ để giúp đỡ một số gia đình hiện còn đang khó khăn.”

Những hoạt động thiết thực như hỗ trợ nhà ở, trao tặng thẻ Bảo hiểm y tế hay giúp đỡ học phí cho con đẻ của người nhiễm chất độc hóa học đã phần nào động viên tinh thần để các nạn nhân da cam tiếp tục vươn lên trong cuộc sống. Là nạn nhân chất độc hóa học, ở thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Chính sách hỗ trợ đối với người có công, thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học rất là nhiều, ưu đãi về giáo dục, về đất ở, cải thiện đời sống rồi nhà ở, các chính sách BHYT rồi trợ cấp hàng tháng, rất nhiều chính sách thì rất hiệu quả. Ví dụ chú có 3 đứa con thì hiện nay các cháu đi học thì được Nhà nước ưu tiên, ưu đãi, trong thi ĐH rồi nói chung học tập được miễn giảm hết. Thì hỗ trợ rất lớn cho các cháu trưởng thành.”

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam thể hiện nghĩa cử cao đẹp và cũng là trách nhiệm của cả cộng đồng. Dù vậy thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều hạn chế trong triển khai các chính sách hỗ trợ những đối tượng này. Hiện nay toàn tỉnh còn gần 5 ngàn người nghi bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Lý do vì những đối tượng này dù từng tham gia kháng chiến chống Mỹ nhưng bị mất hoặc thất lạc giấy tờ nên không đủ điều kiện giám định y khoa để được công nhận là nạn nhân chất độc da cam/điôxin hoặc nhiều trường hợp là thế hệ thứ 3 bị nhiễm chất độc hóa học hiện vẫn đang đợi hưởng chế độ. Ông Trương Công Chính, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Sa Thầy đề nghị: “Hiện nay, thế hệ thứ 3 tức là cháu của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng mà họ không được hưởng chế độ. Hiện nay, mới được con đẻ thôi. Như vậy cũng đề nghị tiếp tục Đảng, Nhà nước có hỗ trợ chính sách cho cháu của người tham gia kháng chiến là thế hệ thứ 3 để phần nào khắc phục khó khăn cũng như góp phần chung tay để xoa bớt những nỗi đau.”

Khắc phục hậu quả chiến tranh và xoa dịu nỗi đau da cam không thể một sớm, một chiều giải quyết xong. Vì vậy rất cần sự đồng lòng, chung tay của toàn xã hội và nhất là trách nhiệm của cộng đồng trong việc tri ân thế hệ cha ông đã dũng cảm, kiên cường bảo vệ Tổ quốc, non sông.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *