(kontumtv.vn) – Trong thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực và đồng bộ trong công tác phòng chống sốt rét. Nhờ đó, bệnh  sốt rét đang từng bước được  khống chế, đáng ghi nhận là trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh không có  trường hợp  tử vong do mắc sốt rét.

Trước đây, xã Ia Xiêr, huyện Sa Thầy là một trong những địa phương  có tỷ lệ mắc sốt rét hàng năm khá cao. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến nay, số người mắc sốt rét đã giảm đáng kể. Riêng năm 2013, toàn xã chỉ có 4 trường hợp mắc sốt rét, và từ đầu năm 2014 đến nay, địa phương chưa có trường hợp mắc sốt rét nào. Đáng ghi nhận là phần lớn người dân nơi đây đã biết cách phòng tránh căn bệnh này. Y sỹ Lê  Thị Nga, Trạm Trưởng Trạm Y tế xã Ia Xiêr cho biết: “Về công tác dự phòng điều trị sốt rét thì trước hết mình phải quản lý các đối tượng sốt rét ở các làng, nhất là các đối tượng có ký sinh trùng sốt rét của năm 2013 thì quản lý chặc chẽ. Thứ hai nữa là tích cực làm tốt công tác tuyên truyền về phòng chống sốt rét để bà con nhận thức được về bệnh sốt rét cũng như cách phòng chống bệnh. Thứ ba là điều tra lam những đối tượng nằm rừng, ngủ rẫy, phát hiện các ca bệnh để đưa vào quản lý và điều trị”.

sotret

Cấp phát màn tẩm hóa chất phòng chống sốt rét cho người dân vùng sâu, vùng xa

Một trong những giải pháp thiết thực đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét, đó là việc tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống sốt rét. Trong đó, chú trọng đến việc cấp phát đầy đủ, kịp thời màn tẩm hóa chất tồn lưu và thực hiện tẩm màn cho người dân ở những vùng có ký sinh trùng sốt rét lưu hành cao, đồng thời  cấp thuốc tự điều trị  cho người dân đi rừng, ngủ rẫy.Mỗi năm bà con được nhận mùng một lần, bà con đã biết cách sử dụng mùng, khi đi rừng, đi rẫy bà con cũng mang theo mùng và cũng biết cách sử dụng mùng, từ đó mà giảm được bệnh sốt rét”. Bà Y Phui (thôn Đăk Nu, Xã Ngọc Tụ, Huyện Đăk Tô) nói.

“Một năm bà con được cấp mùng một lần theo chương trình của Quỹ toàn cầu và thực hiện tẩm mùng hai đợt bằng hóa chất tại thôn, làng. Hàng tháng Trạm Y tế xuống thôn giám sát, phát hiện điều trị những ca bệnh sốt rét, đồng thời truyền thông giáo dục cho người dân biết cách phòng chống dịch bệnh sốt rét, thuốc sốt rét được cấp miễn phí cho người dân và ở Trạm thì luôn luôn đầy đủ thuốc, không thiếu”. Y sỹ Đặng Thị Mỹ Dung, Trạm Trưởng Trạm Y tế Xã Ngọc Tụ, Huyện Đăk Tô cho biết.

Nhờ triển khai có hiệu quả Chương trình quốc gia phòng chống sốt rét nên công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt là nhiều năm liền tỉnh Kon Tum không bùng phát dịch sốt rét và  không có trường hợp tử vong do sốt rét. Tuy  nhiên hiện nay, Kon Tum vẫn là một trong năm tỉnh có số người mắc sốt rét cao nhất cả nước. Do vậy, năm 2014,  công tác phòng chống sốt rét vẫn được ngành Y tế xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bác sỹ Bạch Trung Liệu, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm Trung tâm đã đã xây dựng kế hoạch phân bổ thuốc, hóa chất cho 9 huyện, thành phố trong tỉnh, đồng thời đơn vị đã cấp cho nhân dân sống trong vùng sốt rét lưu hành 36.000 chiếc màn, cung cấp 32.000 tes cho các cơ sở vùng sâu, vùng xa để có phương tiện chẩn đoán sốt rét ngay từ tuyến đầu”.

Có thể nhận thấy, tình hình dịch bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh được kiểm soát ổn định đã góp phần tích cực vào việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe người dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào  dân tộc thiểu số.

                                                            Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *