(kontumtv.vn) – Đảm bảo an toàn hồ đập là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong phòng chống lũ bão, giảm nhẹ thiên tai và để phục vụ tốt cho sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc bảo đảm an toàn hồ đập tại Kon Tum vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm.

Được xây dựng vào năm 2004 với năng lực tưới 300 ha cây trồng, công trình Hồ chứa Đăk Hơ Niêng có vị trí quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Ngọc Hồi. Tuy nhiên, với sức chứa hàng triệu m3 nước thì hồ chứa Đăk Hơ Niêng sẽ là quả bom nước khổng lồ đe dọa vùng hạ du nếu công trình đập không đảm bảo an toàn. Hiện nay, trên bờ vai của đập tràn đã xuất hiện dấu hiệu rò rỉ nước và đây là dấu hiệu cực kì nguy hiểm bời vùng hạ lưu đập Đăk Hơ Niêng có nhiều khu dân cư sinh sống. Ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch UBND xã  Bờ Y, huyện Ngọc Hồi nói: “Vết nứt này chính quyền địa phương phát hiện năm 2017,  thẩm thấu từ thân đập chảy ra vai thân tràn. Chính quyền địa phương đánh giá là rất nguy hiểm và rất lo lắng, khi sự cố thì rất nguy hiểm cho người dân. Nếu sự cố thì toàn bộ khu vực cánh đồng và lưu vực chảy về thị trấn Ngọc Hồi là rất lớn. Do vậy kính mong các cấp, ngành chức năng sớm quan tâm tu sửa, bảo dưỡng đập để bà con yên tâm sản xuất, ổn định đời sống, tránh lo lắng”.

Nhiều hồ, đập không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ
Nhiều hồ, đập không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ

Bước vào mùa mưa lũ năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có không ít công trình thủy lợi, hồ đập bị hư hỏng, xuống cấp. Cụ thể, đối với đập đất, có 7 công trình xuất hiện tình trạng xói lở ở mái hạ lưu và có vết nứt. Bên cạnh đó, một số đập bị xô dịch phần đá lát mái thượng lưu như Đập Đăk Sia I, Đăk Ngót, Teo Hao, Đăk Tin. Đối với các công trình kiên cố, một số hồ chứa bị hư hỏng ở phần thân cống, giàn van và hệ thống đóng mở của cống lấy nước. Riêng hồ chứa Đăk Tin ở huyện  Đăk Glei cống lấy nước bị tắc nghẽn không vận hành được. Đối với tràn xả lũ, tại một số hồ chứa như Đăk Loh ở huyện Đăk Hà, Kon Tu Zốp ở huyện Đăk Tô, Đăk Chà Mòn ở thành phố Kon Tum tường bên và bản đáy thân tràn bị xói lỡ nhiều vị trí. Hồ chứa Đăk Sia ở huyện Sa Thầy, hồ Nước Púi ở huyện Đăk Tô mái bảo vệ sân sau tràn bị sạt lở. Ngoài ra, một số hồ chứa bị xói lở thân tràn và mái hạ lưu.

Việc nhiều công trình thủy lợi, hồ chứa bị hư hỏng đã gây nên nỗi lo lớn cho chính quyền và nhân dân trong mùa mưa lũ. Đơn cử như xã Đăk La, huyện Đăk Hà,  người dân ở đây lo lắng khi hệ thống van xả nước của đập Kà Sâm bị hư hỏng. Mặt khác, quá trình thi công đập Bà Tri làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La đề nghị: “Tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi quan tâm khắc phục kịp thời van của công trình đập Kà Sâm. Thứ hai đối với công trình đập Bà Tri hiện nay Ban Quản lý công trình thuỷ lợi tỉnh đang là chủ đầu tư thi công nâng cấp công trình. Tuy nhiên qua mưa lũ cũng có ảnh hưởng sạt lở đất rồi đến ruộng người dân. Đề nghị trong thời gian tới có phương án chống sạt lở. Thứ hai là vừa thi công đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất”.

Trong số 80 hồ chứa do Ban Quản lý, Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum quản lý có đến 24 hồ chứa ở khu vực hạ lưu có khu dân cư và có kết cấu hạ tầng phục vụ dân sinh. Theo đó, những công trình này bắt buộc phải lập phương án phòng chống lũ, lụt ở vùng hạ du. Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2018, chỉ có 3 hồ chứa lớn  được lập phương án phòng chống lũ, lụt vùng hạ du. Hiện còn 21 công trình chưa có phương án. Việc chậm trễ này không chỉ vi phạm Nghị định số 22 ngày 7/5/2007 của Chính phủ về an toàn hồ đập, mà còn tạo tâm lý bất an cho các địa phương và người dân vùng hạ lưu của các hồ chứa. Bởi lẽ, nếu xảy ra sự cố thì thiệt hại khôn lường, do thiếu phương án phòng chống lũ lụt. Trả lời câu hỏi của phóng viên Đài PT-TH Kon Tum, đại diện Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết xảy ra tình trạng này là do thiếu kinh phí. Hoàn toàn không phải do đơn vị thiếu trách nhiệm. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Trưởng Phòng Kỹ thuật Ban Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi  Kon Tum cho biết: “Do nguồn kinh phí còn khó khăn nên Ban Quản lý ưu tiên lập phương án cho các công trình hồ chứa có dung tích lớn phía hạ du có khu dân cư và cơ sở hạ tầng tập trung quan trọng. Cụ thể như hồ chứa nước Đăk Uy, huyện Đăk Hà; hồ chứa Đăk Yên, Ia Bang Thượng, thành phố Kon Tum. Năm 2018 đang triển khai lập phương án cho các hồ chứa Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi; hồ chứa Đăk Sa Men thành phố Kon Tum; hồ chứa Đăk Prông, huyện Sa Thầy. Các công trình còn lại Ban sẽ cân đối nguồn kinh phí sự nghiệp được UBND tỉnh bố trí hàng năm để triển khai”.

Như vậy, trong thời gian chờ đợi kinh phí thì nỗi lo về an toàn của người dân vùng hạ lưu ở các công trình hồ đập sẽ ngày càng lớn hơn. Bên cạnh đó, việc kiểm định an toàn hồ đập thủy lợi cũng là điều mà người dân đặc biệt quan tâm. Trong 80 công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh thì hơn phân nửa công trình chưa được kiểm định an toàn đập. Đây cũng là nội dung mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh hết sức quan tâm. Ông Văn Tất Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT; Phó Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Kon Tum nói: “Kiểm định an toàn đập thì trong tổng số 70 hồ chứa thì còn lại 41 cái  chúng ta chưa kiểm tra, kiểm định, chúng tôi chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, kiểm định. Trong năm 2019-2020 cố gắng làm cho xong, đảm bảo an toàn. Rất may là các hồ chứa này đa số quy mô nhỏ. Để đảm bảo an toàn hồ chứa cũng như các đập thủy lợi thì trong mùa mưa bão năm 2018 còn lại thì tăng cường chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành khai thác, tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện để xử lý kịp thời, hạn chế những thiệt hại có khả năng xảy ra”.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện có 492 công trình thủy lợi, gồm 80 hồ chứa, 414 đập và 8 trạm bơm. Trong đó có 175 công trình do Ban Quản lý, Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý và 317 công trình do cấp huyện quản lý. Qua đánh giá công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh cho thấy có khá nhiều điều đáng lo lắng. Tính riêng trong 8 tháng đầu năm, tỉnh Kon Tum đã có 4 người chết và 6 người bị thương và nhiều công trình, hoa màu trị giá hàng trăm tỉ đồng bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước mắt, tình hình mưa lũ vẫn còn diễn biến phức tạp. Vì vậy một khi công tác đảm bảo an toàn hồ đập, công tác phòng chống lũ bão khu vực hạ du vẫn còn những hạn chế thì nỗi lo của người dân vẫn còn thường trực.

                                                          Văn Hiển – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *