(kontumtv.vn) – Sau Tết là thời điểm bà con nông dân một số địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ thu hoạch dưa hấu. Tuy nhiên, do năm nay ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19 nên thương lái thu mua với giá thấp làm cho các hộ trồng dưa gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Thọ Kỹ (thôn 2, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) trồng hơn 3 ha dưa hấu, sản lượng ước tính đạt tầm 30 tấn/ha, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Hiện vườn dưa của ông Kỹ đã đến độ thu hoạch, song, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 nên hàng chục tấn dưa vẫn nằm trên ruộng không thể tiêu thụ được, khiến ông đứng ngồi không yên. Theo ông Nguyễn Thọ Kỹ, mọi năm vào thời điểm này, thương lái đã đến tận vườn bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá 5.000đ – 7.000đ/kg xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, nhưng nay, dưa rớt giá chỉ còn 1.000đ – 1.500đ/kg, người trả cao hơn cũng chỉ được 2.500đ/kg. Với mức giá thấp như hiện nay người dân không có lời mà còn lỗ nặng, bởi chi phí trồng cây dưa hấu từ khi xuống giống cho đến ngày thu hoạch người nông dân phải bỏ ra từ 80 – 100 triệu đồng/ha. Ông Kỹ cho biết: “Nếu giá như thế này thì chưa lấy được vốn luôn, dự tính đám này trên 30 tấn giờ nhân với giá 2.500đ thì mới được hơn 70 triệu, như vậy vẫn lỗ, còn nếu được giá như hồi trong năm 5.000đ thì vẫn có lời một ít. Giờ giá như này thì làm sao mà lời được. Giờ cũng không muốn đi nữa vì dân buôn cũng mua rẻ thôi, mình làm ra quả dưa đâu phải sung sướng gì đâu, 3 tháng trời  mới có dưa mà giờ vào ép này kia nên đâu có kêu thương lái đâu”.

Dưa hấu bị rớt giá, nông dân thiệt hại nặng
Dưa hấu bị rớt giá, nông dân thiệt hại nặng

Không riêng ông Thọ Kỹ, đây là tình trạng chung của người trồng dưa hấu và một số loại nông sản khác trên địa bàn huyện Đăk Hà. Dưa hấu gặp khó khăn trong việc tiêu thụ thì chanh dây cũng rớt giá chẳng kém. Để đầu tư cho vườn chanh dây, gia đình anh Văn Trọng Dũng (thôn 2, xã Ngọc Wang) phải thuê đất và bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cải tạo, đầu tư cây giống, thuê nhân công chăm sóc và thu hoạch. Thế nhưng, gần 2 tháng nay giá chanh dây bán ra chỉ được 6.500đ/kg, trong khi đó giá bán trước đây bình quân khoảng 15.000đ/kg, có lúc đỉnh điểm giá lên đến 20.000đ/kg.

Theo các hộ trồng chanh dây, nguyên nhân dẫn đến tình trạng rớt giá này là do ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid – 19, nên mặt hàng nông sản này không xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc và bị các thương lái thu mua ép giá. Bà Lê Thị Đương (thôn 2, xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà) nói: “Người nông dân làm khổ cực lắm. Tiền dầu một lần tưới khoảng 1 triệu đồng mà thu chanh thì bán được khoảng 2-3 triệu, thuê công đi làm chồi làm cành, hái trái… không đủ tiền để chăm sóc cho những cây đây, làm công cán không biết bao nhiêu là tiền. Nhưng bây giờ giá chanh thấp quá nhà nông bây giờ chán nản quá. Ví dụ như chanh có giá thì thu nhập trong gia đình cũng phấn khởi tí, còn có khí thế để đi làm. Hiện nay giá chanh thấp như thế này, thị trường không tiêu thụ cho nhà nông cũng đâm ra chán. Nhà nông chúng tôi đi làm chỉ mong muốn được tí giá thôi”.

Hiện nay trên địa bàn huyện Đăk Hà có khoảng 22 ha dưa hấu và hàng chục ha cây chanh dây. Trong đó có khoảng 18 ha dưa hấu đang vào mùa vụ thu hoạch với sản lượng khoảng 600 tấn. Trước tình trạng nông sản không thể tiêu thụ do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, UBND huyện Đăk Hà đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân. Một trong những giải pháp cấp bách nhất hiện nay là kêu gọi toàn thể nhân dân, các nhà từ thiện, doanh nghiệp mua sản phẩm giúp bà con. Ông Hoàng Nghĩa Trí, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Đăk Hà nói: “Trước mắt huyện yêu cầu toàn thể hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân, đoàn viên thanh niên và các tổ chức từ thiện tiêu thụ bớt giúp cho người dân. Thứ hai, qua phương tiện thông tin đại chúng kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ cho người dân để tiêu thụ sản phẩm. Thứ ba là khuyến cáo đối với người dân không nên trồng thêm các loại sản phẩm này. Hiện nay huyện vẫn đang tiếp tục tuyên truyền cho người dân về loại dưa hấu này để có những kiến nghị, đề xuất sau này những hộ gia đình nào có thiệt hại lớn từ các nguồn vốn vay của ngân hàng cũng đề nghị với các tổ chức ngân hàng khoanh nợ hạn và trả sau, nếu không có những biện pháp như bây giờ thì các hộ dân trồng các loại nông sản gặp rất nhiều khó khăn”.

Với khó khăn hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, rất cần sự chung tay của toàn cộng đồng, doanh nghiệp cùng hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm nông sản, qua đó giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân.

Hoàng Lợi – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *