(kontumtv .vn) – Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngọc Hồi khóa VI ( nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định mục tiêu xây dựng thị xã Ngọc Hồi, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Sau 5 năm tập trung các nguồn lực đầu tư, đến nay, yêu cầu xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV cơ bản đã hoàn thành. Tuy vậy, để đưa Ngọc Hồi trở thành thị xã vẫn còn một số điều kiện quan trọng cần được đáp ứng.

Tháng 2 năm 2015, Bộ Xây dựng đã có quyết định công nhận thị trấn Plei Kần mở rộng đạt tiêu chuẩn loại IV. Trên cơ sở này, các nguồn lực đã được quan tâm, tập trung đầu tư, phấn đấu xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV, làm cơ sở thành lập thị xã theo lộ trình được xác định. Những năm qua, trọng tâm xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn được bà Y Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi xác nhận: “Trong giai đoạn 2015-2020, UBND huyện cũng ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng. Trong giai đoạn này đã đầu tư khoảng 500 tỷ, đầu tư cho việc xây dựng đường, hệ thống điện và các thôn. Ngoài nguồn ngân sách thì huyện cũng khuyến khích sự vận động của nhân dân để đầu tư các con đường ngõ hẻm tại thị trấn Plei Kần…và nguồn thứ ba là nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp. Huyện cũng khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn”.

Trung tâm thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi
Thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi

Trong số các công trình được doanh nghiệp đầu tư tại địa bàn, ngoài Trường Mầm non Tư thục Đồ Rê Mí và khu thể thao sân cỏ nhân tạo, phải kể đến Nhà máy nước Ngọc Hồi công suất 5.000m3/ ngày đêm, kinh phí đầu tư khoảng 120 tỷ đồng đã được đưa vào khai thác, sử dụng giai đoạn I của dự án. Nhiệm vụ xây dựng huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV nói riêng, xây dựng thị xã nói chung cũng thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân. Tại thị trấn Plei Kần, nội lực được khơi dậy và phát huy đã góp phần làm mới, nâng cấp nhiều tuyến đường nội vùng khu dân cư. Ông Nguyễn Văn Tuy, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần cho biết về kết quả đóng góp thi công hai tuyến đường trên địa bàn: “Tổ dân phố đã tổ chức tuyên truyền vận động để làm đường bê tông hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tổng nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào tuyến đường này là 800 triệu. Trong đó nhân dân tổ dân phố 6 vận động đóng góp ủng hộ hơn 200 triệu đồng nữa. Ngoài tuyến đường chính thì nhân dân ở nhánh phụ tiếp tục bỏ tiền để xây 1 nhánh phụ khoảng gần 100 m nữa, tổng nguồn tiền mỗi gia đình đóng góp 3,5 triệu đồng”.

Cũng tại tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần, nỗ lực đóng góp để bê tông hóa tuyến đường dài 120 mét, rộng 3,5 mét được anh Nguyễn Văn Long, người dân ở đây cho hay: “Hồi xưa thì con đường mùa mưa lầy lội, mùa nắng thì bụi mù. Trong xóm thì tự nguyện đóng góp vừa tiền vừa công để hoàn thiện con đường này. Lần đầu tiên đường đất, đóng góp một người hơn 1 triệu để đổ cấp phối. Rồi sau là dân thỏa thuận mới đóng thêm tiền để đổ bê tông. 1 hộ là 7 triệu, với lại công trong xóm tự đứng ra làm, thuê máy về làm”.

Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi được xây dựng trên cơ sở xác định diện tích tự nhiên gần 84.000 hecta, dân số gần 59.000 người, giữ nguyên 8 đơn vị hành chính cấp xã; trong đó, giữ nguyên hiện trạng các xã Đăk Nông, Đăk Dục, Đăk Ang, Sa Loong và hình thành 04 phường trên nền tảng thị trấn Plei Kần, xã Đăk Xú, Pờ Y, Đăk Kan.

Theo ông Trần Văn Nhứt, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ngọc Hồi, căn cứ để lập, trình phê duyệt đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi là quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi và kết quả đánh giá, phân loại lại đô thị theo quy định tại Nghị quyết số 1210 của UB Thường vụ Quốc hội.

Đến nay, các tiêu chuẩn để công nhận huyện Ngọc Hồi đạt chuẩn đô thị loại IV cơ bản đã được đáp ứng, đủ điều kiện. Căn cứ vào các tiêu chí công nhận đô thị loại IV được ban hành theo Nghị quyết 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Ngọc Hồi đạt 81,25 điểm trên tổng số 100 điểm. Tuy vậy, vẫn còn một số nội dung liên quan đến Đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi cần được đáp ứng mà bà Y Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi nêu rõ: “Cách tính mức tăng trưởng trong 3 năm gần nhất theo Quy định 1210 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, UBND huyện đã có văn bản gửi UBND tỉnh chỉ đạo Cục Thống kê, tuy nhiên là Cục Thống kê trả lời về phương pháp tính và nội dung tính cấp huyện không có. Thứ hai là diện tích của Cửa khẩu Bờ Y hiện tại chưa được điều chỉnh. Cái này UBND huyện đã phối hợp với Sở Xây dựng cũng như Khu Kinh tế tỉnh có ý kiến đề xuất UBND tỉnh cũng như UBND tỉnh đề nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch này”.

 Đáng lưu ý nhất là quy hoạch chung đô thị Ngọc Hồi hiện vẫn chưa được tiến hành, vì còn phụ thuộc vào việc xác định diện tích của huyện có liên quan đến Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y. Ông Trần Văn Nhứt, Trưởng Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Ngọc Hồi giải thích thêm: “Quy hoạch Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y là khu chức năng đặc thù, hiện nay chiếm gần hết địa bàn huyện Ngọc Hồi, trừ xã Đăk Ang, xấp xỉ 70.000 hecta. Nếu quy hoạch chung đô thị mà phủ trên Khu Kinh tế Cửa khẩu Bờ Y với diện tích lớn như vậy là thay đổi chức năng của Khu Kinh tế Cửa khẩu. Chức năng đô thị khác chức năng khu kinh tế cửa khẩu, hai chức năng khác nhau, nên hiện nay tỉnh đang làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ KHĐT giảm quy mô đấy. Khi nào có chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho giảm quy mô từ 70.000 ha xuống còn khoảng 16.000 ha thì UBND huyện tiến hành lập ngay quy hoạch chung đô thị”.

Có thể thấy, hoàn thành quy hoạch chung đô thị là điều kiện “đủ” để huyện Ngọc Hồi tiến hành lập, trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án công nhận lại đô thị loại IV, đáp ứng yêu cầu xây dựng và trình cấp thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập thị xã Ngọc Hồi theo dự kiến vào năm 2020.

Nghĩa Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *