(kontumtv.vn) – Tăng huyết áp là căn bệnh nhiều người ở tuổi trung niên, cao tuổi đang mắc phải, và tỷ lệ trẻ hóa ngày càng tăng lên. Hiện tại tỷ lệ người mắc đang ở mức rất cao, khoảng 25%. Nghĩa là cứ khoảng 4 người trưởng thành ở nước ta có 1 người mắc bệnh tăng huyết áp. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng chống bệnh tăng huyết áp, phóng viên Đài PT – TH tỉnh Kon Tum có cuộc trao đổi với Bác sỹ CKI Y’Dêch Buôn Yă, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

PV: Thưa bác sỹ, bệnh tăng huyết áp hiện nay nhiều người mắc phải, bác sỹ cho biết những triệu chứng của bệnh tăng huyết áp?

Bác sỹ CKI Y’Dêch Buôn Yă: Tăng huyết áp là một bệnh lý thường gặp, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng, không phải lúc nào cũng gặp và không tương xứng với mức độ nặng nhẹ của tăng huyết áp cho dù chỉ số đo huyết áp rất cao. Nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị hiệu quả thì có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. Chẩn đoán xác định tăng huyết áp dựa vào trị số huyết áp đo được sau khi cán bộ y tế đo huyết áp theo đúng quy trình.

Bác sỹ CKI Y D'êch Buôn Yă trả lời phỏng vấn của PV
Bác sỹ CKI Y’Dêch Buôn Yă trả lời phỏng vấn của PV

PV:  Vậy bác sỹ cho biết những nguyên nhân gây ra bệnh tăng huyết áp?

Bác sỹ CKI Y’Dêch Buôn Yă: Phần lớn tăng huyết áp ở người trưởng thành là không rõ nguyên nhân, theo thống kê trên 90% không rõ nguyên nhân, dưới 10% có nguyên nhân rõ ràng. Các nguyên nhân chủ yếu là các bệnh về tim mạch, bệnh về thận, bệnh về nội tiết. Bệnh về tim mạch như, hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, hẹp động mạch thận; còn các nguyên nhân do bệnh về thận như viêm cầu thận, viêm đài bể thận, sỏi thận, suy thận; bệnh về nội tiết như cường giáp, u vỏ thượng thận, u tuỷ thượng thận. Còn một số nguyên nhân khác, như nhiễm độc thai nghén, do dùng một số thuốc.

PV: Để điều trị bệnh tăng huyết áp một cách hiệu quả thì bác sỹ có những lời khuyên gì đối với người bệnh?

Bác sỹ CKI Y’Dêch Buôn Yă: Để điều trị bệnh tăng huyết áp một cách hiệu quả thì phải thực hiện đúng mục tiêu điều trị bệnh tăng huyết áp. Tức là phải đạt huyết áp mục tiêu, thứ hai là giảm tối đa nguy cơ về tim mạch. Đạt huyết áp mục tiêu tức là huyết áp dưới 140/90 mmHg đối với đa số bệnh nhân. Còn giảm tối đa nguy cơ tim mạch như, nhồi máu cơ tim, suy tim; tai biến mạch máu não; suy thận; giảm thị lực, mù lòa… Tăng huyết áp là một bệnh mãn tính nên cần theo dõi, điều trị đúng, uống thuốc hàng ngày và điều trị suốt đời. Chỉ có tuân thủ chặt chẽ điều trị tăng huyết áp  bằng thuốc hạ áp và tích cực thay đổi lối sống mới giảm được tối đa nguy cơ tim mạch do tăng huyết áp. Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống bao gồm, thứ nhất giảm ăn mặn, tức là muối phải dưới 6 g muối, tương đương 1 thìa cà phê muối/ngày; tăng cường rau xanh, hoa quả tươi trong chế độ ăn hàng ngày; hạn chế ăn mỡ động vật và thức ăn chứa nhiều cholesterol; tích cực giảm cân nếu thừa cân. Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90 cm ở nam, dưới 80 cm ở nữ; hạn chế uống rượu, bia; không hút thuốc lá, thuốc lào, nếu đang hút thuốc lá, thuốc lào thì nên ngừng hoàn toàn. Hằng ngày tập thể dục, đi bộ 40 – 45 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần; tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; tránh bị lạnh đột ngột. Tăng huyết áp là một kẻ giết người thầm lặng, vì vậy chúng ta chủ động kiểm tra huyết áp thường xuyên và nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình.

PV: Cảm ơn bác sỹ đã tham gia cuộc trao đổi này.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *