(kontumtv.vn) – Sâm Ngọc Linh là loại cây dược liệu có giá trị khoa học và kinh tế cao. Hiện nay, loại sâm quý này đang bị làm giả và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng nếu không có các biện pháp bảo tồn kịp thời. Để nhân rộng, phát triển nguồn gen sâm Ngọc Linh, cần có chiến lược mang tính lâu dài mà ở đó vai trò của người dân và chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

Trong tổng số 12,32 ha diện tích sâm Ngọc Linh được nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) trồng phân tán dưới tán rừng tự nhiên, diện tích sâm của xã Ngọc Lây chiếm 10,9 ha, được trồng chủ yếu theo hình thức dân liên kết với doanh nghiệp và người dân trồng tự phát theo nhóm, hộ gia đình. Năm 2002, người dân xã Ngọc Lây đã bắt đầu trồng sâm Ngọc Linh nhưng với số lượng hạn chế, rải rác và thiếu tập trung. Từ năm 2013 đến nay, diện tích sâm trên địa bàn xã phát triển mạnh, phần lớn nằm ở các thôn Măng Rương 1, Măng Rương 2, Kô Xia 2 và thôn Lộc Bông. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông nói: “Trước đây, ba xã Măng Ri và Ngọc Lây và Tê Xăng là vùng có sâm tự nhiên. Trước đó năm 1998, có một số hộ dân các xã Ngọc Lây và Măng Ri đã di thực sâm ở trong rừng về trồng. Huyện luôn tuyên truyền, vận động bà con duy trì nguồn giống sâm này, trồng, chăm sóc, lấy hạt và nhân rộng diện tích. Hiện nay, nguồn sâm này vẫn được bà con bảo tồn, chăm sóc rất tốt”.

Vườn sâm Ngọc Linh do nhân dân trồng
Vườn sâm Ngọc Linh do nhân dân trồng

Là một trong 23 hộ gia đình trồng sâm Ngọc Linh tại thôn Lộc Bông, xã Ngọc Lây, anh A Grỗi chia sẻ gia đình anh có khoảng 20.000 đến 30.000 gốc sâm Ngọc Linh đã trồng được hơn 10 năm. Anh A Grỗi cho biết: “Giống trước đây mình tìm từ rừng về trồng, nó phát triển từ từ, không phải như cây khác, một năm mình trồng 1 lần. Lấy giống nó, lấy hạt nó trồng, dần dần như thế. Giá bán củ sâm Ngọc Linh rất cao, không như cây khác”.

Cũng như gia đình anh A Grỗi, nhiều hộ dân khác trong thôn đã chủ động tìm kiếm nguồn giống sâm tự nhiên về trồng quanh khu vực núi Ngọc Linh. Sâm trồng đến thời kỳ thu hoạch, hạt giống sẽ được bán cho những người có nhu cầu mua để tiếp tục nhân rộng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn. Ông A Lốp (xã Ngọc Lây) nói: “Mình vay vốn lấy tiền mua giống để trồng. Ai bán một ít một ít mình cũng mua. Nếu mình có khả năng, mình có vốn thì mình muốn phát triển nhiều nữa. Mình phải chăm sóc cho tốt để sau này nó có bông, để mình ươm nó nữa để mình có để trồng tiếp”.

Phát triển sâm Ngọc Linh từ trong chính nhân dân là hướng đi đúng đắn hiện nay. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương là quản lý chặt chẽ hoạt động trồng, mua, bán sâm, cùng với người dân bảo tồn nguồn gen sâm Ngọc Linh, không để tình trạng sâm giả, sâm thật trà trộn. Ông A Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây nói: “Xã sẽ tiếp tục xuống các thôn nói bà con nên bảo tồn những cây hiện có, cứ cây nào có hoa thì tiếp tục nhân rộng tại vườn, cây mình có thì tiếp tục cho các hộ dân khác lấy về trồng để bảo tồn. Xã cũng thường xuyên xuống thôn quán triệt về sâm giả, sâm thật, đến thời điểm này qua kiểm tra thì chưa phát hiện, không phát hiện sâm giả nào trên địa bàn xã”.

Thời gian tới, huyện Tu Mơ Rông sẽ tổ chức một cuộc tổng kiểm tra toàn diện đối với từng hộ dân và đơn vị trồng sâm. Động thái tích cực này góp phần kiểm soát nguồn giống, diện tích, năm trồng của từng vườn sâm. Qua đó giúp công tác quản lý, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện thuận lợi và hiệu quả hơn.

Thu Trang – Tấn Thành 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *