(kontumtv.vn) – Giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, cách hiệu quả nhất hiện nay chính là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động liên kết, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân theo hình thức chuỗi liên kết sản xuất. Từ thực tế này, vượt qua những khó khăn về vốn và bỡ ngỡ ban đầu, thời gian qua, đã có nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh thực hiện hướng đi sáng tạo trong tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, từ đó, tạo nền cho hoạt động chuỗi liên kết sản xuất và góp phần tăng thu nhập cho các bên tham gia chuỗi.

Với mục tiêu sản xuất cà phê sạch vì sức khỏe cộng đồng, năm 2009 Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô được thành lập tại huyện Đăk Hà. Ban đầu Hợp tác xã có hơn 40 thành viên, 90% trong số đó sản xuất nhỏ do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Mặc dù có những hạn chế về vốn và thiếu kinh nghiệm trong tiếp cận thị trường nhưng thời điểm mới thành lập, Hợp tác xã đã có bước đi đúng đắn đó là tập trung xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ cà phê mang thương hiệu riêng của đơn vị bởi chỉ có cách này mới giúp Hợp tác xã giải quyết triệt để bài toán “được giá mất mùa, được mùa mất giá” của hàng nông sản và quan trọng hơn cả là nâng cao giá trị sản phẩm cà phê trên thị trường. Để làm được điều này, cùng với hình thành vùng nguyên liệu cà phê sạch hơn 200 ha, Hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất cà phê đạt chứng nhận Fair trade – chứng nhận công bằng mậu dịch đang được sử trên 50 quốc gia nhằm tạo bình đẳng trong quan hệ hợp tác thương mại và là nền tảng phát triển bền vững chuỗi cung ứng cà phê. Ông Đặng Đình Lập, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Công bằng Pô Kô nói: “Tổ chức Thương mại công bằng liên quan đến Tổ chức cà phê của thế giới cho nên sau khi bà con được kết nạp vào HTX, chúng tôi cho bà con tập huấn những cái liên quan đến khoa học kỹ thuật để bà con áp dụng vào lao động sản xuất, nâng cao tiêu chí cũng như chất lượng cà phê. Khi xuất được hàng này ra với quốc tế, chúng tôi có tiền phúc lợi hỗ trợ lại bà con, đặc biệt về  những cái xây dựng cộng đồng hay trực tiếp hỗ trợ đến đời sống bà con. Có những năm, chúng tôi hỗ trợ 01 ha cà phê 16 triệu tiền vật tư phân bón cho xã viên, phải nói xã viên họ rất phấn khởi”.

Sản xuất cà phê sạch
Sản xuất cà phê sạch

10 năm thành lập và phát triển, đến nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô đã trở thành nhà cung cấp cà phê nguyên liệu đạt chứng nhận Fair trade lớn nhất vùng Đăk Hà, Việt Nam. Các sản phẩm cà phê của đơn vị được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nga, Anh, Thụy Sỹ, Bỉ, Đức, Nhật Bản… Hiện đã có thêm 75 hộ dân tự nguyện tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cà phê sạch của Hợp tác xã, trong đó khoảng 10% là bà con dân tộc thiểu số. Ông Đặng Đình Lập cho biết: “Năm 2018, 2019, chúng tôi sẽ đưa tiêu chí là sản xuất cà phê chất lượng cao là cà phê 100% quả chín, phơi trên giàn, trong các nhà kính, tránh tiếp giáp với ánh nắng mặt trời để đưa sản phẩm của chúng tôi là một sản phẩm tuyệt đối sạch và tuyệt đối tốt trên thị trường”.

Không có nhiều điều kiện thuận lợi để tiếp cận thị trường tiêu thụ như Hợp tác xã Nông nghiệp Công bằng Pô Kô, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông tự chọn cho mình hướng đi mới đó là thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu. Thành lập tháng 6/2016 với tổng vốn đầu tư hơn 02 tỷ đồng, qua gần 03 năm hoạt động, cuối năm ngoái, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông chính thức chào hàng thị trường 04 sản phẩm cao dược liệu gồm cao sâm cau, cao hồng đẳng sâm, cao đương quy, cao hỗn hợp hồng đẳng sâm và đương quy. Ông Bùi Quang Đạo, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông nói: “Hiện nay, HTX sản xuất ra cao sâm các loại, đây là một dạng có thể nói là trung gian từ cây dược liệu cho tới các sản phẩm cuối cùng phục vụ cho ngành dược, các ngành thực phẩm chức năng. Hiện nay, sản phẩm rất tốt và được người tiêu dùng phản hồi rất tích cực với sản phẩm này”.

Phát huy vai trò là kênh đầu vào của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông đã thực hiện thu mua đầy đủ các loại cây dược liệu của người dân trên địa bàn với mức giá cao hơn 10 ngàn đồng/kg so với thị trường. Ông Trần Văn Nết, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, huyện Kon Plông cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, UBND xã phối hợp với HTX Tuyết Sơn liên kết, bao tiêu sản phẩm cho người dân, hiện tại đơn vị cũng hỗ trợ cây giống, bao tiêu sản phẩm, đầu ra cho người dân, mang lại hiệu quả kinh tế, xóa được đói, giảm được nghèo”.

Hiệu quả mang lại của việc thực hiện sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị là rất rõ. Thực tế đã chứng minh liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tạo ra thị trường ổn định, minh bạch cho hàng hóa; tạo điều kiện để các Hợp tác xã phát huy vai trò của tổ chức kinh tế tập thể trong hỗ trợ đầu vào cho nhà nông; việc hình thành vùng nguyên liệu và trực tiếp sản xuất, tiêu thụ nông sản giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *