(kontumtv.vn) – Không khí đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang rộn ràng ở khắp vùng miền. Trong không khí phấn khởi đó người Giẻ Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chào đón năm mới với một sắc màu hết sức độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc tại chỗ, đó là tổ chức đánh cồng chiêng, múa xoang mừng xuân mới.

Lễ đón mừng năm mới ở đây cũng thật đặc biệt. Già làng chọn giờ đẹp nhất của ngày đầu năm nổi cồng chiêng. Theo hiệu lệnh của già làng, những người đàn ông đánh lên 1 hồi chiêng. Tiếng chiêng mùa xuân ngân vang, vọng vào rừng cao su bạt ngàn, vọng vào 100 mái nhà đã được trang hoàng đẹp đẽ chào đón năm mới. Tiếng vang của cồng chiêng từ đầu làng đến cuối làng Đăk Răng vừa dứt là lúc  dân làng nô nức kéo nhau tập trung về nhà rông chúc Tết.

Đón mừng năm mới
Đón mừng năm mới

Nhà Rông làng Đăk Răng hôm nay rất đông vui, từ người lớn tuổi đến trẻ con đều diện những bộ trang phục thổ cẩm truyền thống đẹp nhất đi lễ ngày đầu xuân. Bên bếp lửa hồng tại nhà rông, già làng Brol Vẻ vui mừng ôn lại kết quả 1 năm mùa màng tươi tốt, lúa, bắp đầy kho, kinh tế của bà con ngày càng vững vàng, ai ai cũng phấn khởi, nói cười rộn rã.

Sau một hồi cầu chúc cho nhau một năm mới với nhiều điều tốt lành, cùng hát vang bài ca mừng xuân; già trẻ, gái trai Giẻ Triêng cùng xuống sân nhà rông biểu diễn những tiết mục văn nghệ chào xuân. Kết thúc màn biểu diễn văn nghệ mở đầu năm mới, bà con lũ lượt đến từng gia đình chúc mừng nhau. Đội cồng chiêng đi trước, bà con rộn ràng theo sau hòa cùng nhịp chiêng với những điệu múa xoang mềm mại, uyển chuyển. Thật khó để diễn tả không khí sôi động, vui tươi lúc này! Theo bà Bà Y Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi nói: “Sự giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các thôn làng của các hộ gia đình để chia sẻ niềm vui trong một năm tăng gia sản xuất đạt hiệu quả về kinh tế, gia đình ấm no, hạnh phúc”.

Nhà chị Siêng Thị Nhiên gần nhà rông nhất nên được chọn xông đất trước tiên. Trước khi vào nhà gia chủ, đội cồng chiêng, xoang múa một vòng quanh sân.

Sau những câu chào hỏi xã giao, gia chủ làm thủ tục đầu tiên là mời rượu già làng. Già làng Brol Vẻ vừa đánh chiêng, vừa nhấp ngụm rượu gia chủ mời rồi phun khắp nhà để “làm phép” cho gia đình rước may mắn, đón tài lộc trong năm mới. Tiếp đến, gia chủ mời đội cồng chiêng – xoang thưởng thức rượu ghè, thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc. Chị Siêng Thị Nhiên phấn khởi: “Già làng phải đi chúc tết trước, mình phải đưa cho ông già làng trước để ông già làng phun rượu để chức gia đình mạnh khỏe, trong năm mới gia đình khỏe mạnh, có lộc, có tài trong nhà. Đội cồng chiêng đến nhà thì mình phải tiếp đồ ăn như chuột, đưa từng miếng cho các anh chị ăn, thưởng thức những món của mình như chuột, chim, mình đi kiếm trong rừng để anh chị thưởng thức trong ngày mồng 1”.

Để đón mừng năm mới vui vẻ, ngoài việc chuẩn bị rượu ghè, cách đây vài tháng chị Nhiên cùng bà con vào rừng tìm con chuột, con sóc mang về làm sạch sẽ rồi gác giàn bếp để dành; thời gian rảnh rỗi chị dệt trang phục thổ cẩm cho gia đình mặc trong dịp tết. Tết này, chị Nhiên đã dệt được 5 bộ áo quần truyền thống cho cả nhà: “Mình chuẩn bị quần áo, đồ trang phục dân tộc mình, quần áo là khoảng 4 – 5 bộ. Đối với gia đình trước khi đến tết là chuẩn bị những bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình, mỗi người trong gia đình mỗi người một bộ”.

Sau khi chúc tết nhà chị Siêng Thị Nhiên, bà con tiếp tục mang cồng chiêng sang chúc tết nhà kế tiếp. Cứ vậy, làng có 100 hộ lần lượt sẽ được đi hết trong ngày đầu năm. Theo già Brol Vẻ, năm nào bà con cũng chúc tết đến nửa đêm mới xong, có khi tới 3h sáng mới về tới nhà: “100 hộ, không bỏ ai hết. Nếu mình bỏ là xui xẻo, không được, đi cái đó phải đầy đủ. Ý nghĩa, một là sức khỏe cho mỗi hộ gia đình, sáng mai sang năm mới mình làm ăn khấm khá hơn, tốt hơn, gọi là đánh chiêng bài sức khỏe của gia đình, sức khỏe của thôn làng, đoàn kết là đồng đều. Mình làm kinh tế phải giỏi, sang năm nữa, ý nghĩa là như thế đấy”.

Xuân về cũng là lúc thần linh, ông bà cùng về vui tết với con cháu nên bà con chọn những bài hát hay nhất, ý nghĩa nhất để biểu diễn trong ngày đầu năm. Theo phong tục làng, làng chọn từ 2, 3 bài chiêng – xoang, mỗi năm 1 chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, mừng Đảng, mừng xuân, hát giao duyên… Tết này làng chọn chủ đề “Bảo đảm sức khỏe”, “Mừng chiến thắng Đăk Siêng”. Quan niệm của người Giẻ Triêng, biểu diễn cồng chiêng, múa xoang đón mừng năm mới là hết sức linh thiêng, bà con đặt ước vọng, tin rằng thần linh sẽ chở che bảo vệ dân làng không bị bệnh tật, xua tan mọi buồn phiền.

Cũng như bao dân tộc anh em khác, với người Giẻ Triêng ở làng Đăk Răng lễ hội đầu xuân là dịp để họ vui vẻ hưởng thành quả sau một năm lao động vất vả, xua đi những buồn phiền, đón về làng những điều tốt đẹp nhất. Người Giẻ Triêng đón lễ hội mùa xuân bằng tiếng cồng – chiêng rộn ràng và những nhịp xoang uyển chuyển, thể hiện văn hóa độc đáo của dân làng Đăk Răng.

Hoàng Lợi – Thanh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *