(kontumtv.vn) – Tại huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), cây sâm dây rất phù hợp với đặc tính thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, có giá cả cao và ổn định nên được huyện xác định là cây trồng chủ lực để xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn.

Chuyển đổi 4 sào đất từ trồng mỳ sang trồng sâm dây vào năm 2016 , bà Y Thoan (thôn Long Hy, xã Măng Ri) phấn khởi cho biết, cây sâm cây có rất nhiều ưu điểm so với các loại cây trồng khác như chi phí đầu tư ban đầu không cao, cây dễ trồng, dễ chăm sóc, hầu như không bị bệnh và cho năng suất cao. Với giá bán củ tươi loại to khoảng 300.000 đồng/kg như hiện nay, đời sống của gia đình bà đã được nâng lên rõ rệt. Bà Thoan nói: “Sâm dây trồng dễ, không bón phân gì hết, chỉ thế trồng là được rồi, nó tự nhiên thôi. Sâm đào to to mình bán ra có giá hơn, 1kg là 300.000đ, có giá hơn tất cả các loại cà phê, bời lời, cái này làm nhanh nhất, dễ nhất”.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm dây cho người dân
Hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm dây cho người dân

Nhằm bảo tồn và phát triển cây sâm dây, trong những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã tranh thủ nguồn vốn từ Chương trình 30a, Chương trình 135, mô hình hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Chương trình Khuyến nông để mở rộng diện tích cây sâm dây trên địa bàn. Qua thực tế triển khai, cây sâm dây phát triển rất tốt tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây, Tê Xăng, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Ngọc Yêu và Đăk Na. Chị Y Máo, Chủ tịch Hội LHPN xã Măng Ri cho biết: “Năm 2017, Hội LHPN tỉnh, huyện có triển khai thành lập mô hình tổ liên kết, tổ hợp tác tại xã Măng Ri, nhân rộng cho chị em trồng sâm dây. Trong đó, có hỗ trợ mỗi chị 50 kg giống, có 5 chị được hỗ trợ. Kết quả là mỗi chị đều trồng hết 50 kg giống, còn sang năm chị em đào củ to bán, củ nhỏ trồng lại và hỗ trợ cho chị em thuộc hộ nghèo để cùng nhau phát triển kinh tế hộ gia đình.

Hiện tại, huyện đã phát triển được 32 ha cây sâm dây, sản lượng thu hoạch từ sâm trồng và trong tự nhiên năm 2017 đạt khoảng 52 tấn. Sâm dây trồng tại huyện Tu Mơ Rông có hàm lượng dược chất cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng. Người dân không phải lo đầu ra như một số loại cây khác. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri nói: “Trên địa bàn có gần 20 ha cây sâm dây, mùa này thì bà con đang thu hoạch vừa lá và củ. Sản lượng này mang lại lợi ích cho bà con rất lớn. Sang năm nay chúng tôi phát triển thêm 3 – 5 ha nữa, hiện nay bà con đã chuẩn bị đất. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xúc tiến và đề nghị các cấp làm các thương hiệu để bảo vệ các cây dược liệu, trong đó có cây sâm dây trên địa bàn xã”.

“Hiện nay nguồn cung không đủ cho nhu cầu của thị trường, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân tập trung nguồn lực, liên kết với các doanh nghiệp phát triển cây sâm dây, lấy cây sâm dây là cây thế mạnh thứ hai sau cây sâm Ngọc Linh để phát triển. Mục tiêu là đến năm 2020 biến sâm dây là sản phẩm hàng hóa, tăng nguồn thu nhập đáng kể cho bà con, tiến tới hy vọng xóa đói giảm nghèo trên địa bàn”. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Giai đoạn 2018- 2020, huyện Tu Mơ Rông phấn đấu trồng thêm 43 ha cây sâm dây, nâng tổng diện tích sâm dây trên địa bàn đạt khoảng 75 ha. Với những lợi nhuận mang lại từ cây sâm dây, người dân nghèo tại huyện Tu Mơ Rông đang chủ động phát triển loại cây này để nâng cao đời sống và thu nhập, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *