(kontumtv.vn) – Hiện nay bệnh sốt xuất huyết đang bước vào thời kỳ cao điểm. Đặc biệt, từ đầu tháng 6 đến nay, số ca mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum tăng mạnh, dự đoán dịch sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

Trong 2 tháng gần đây, lượng bệnh nhân bị SXH đến khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng cao. Trong tháng 6 có 125 trường hợp điều trị nội trú tại Khoa Y học nhiệt đới, riêng 3 tuần đầu tháng 7 đã tăng lên 228 trường hợp. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay có 6 trường hợp phải chuyển đến khoa Hồi sức tích cực – Chống độc điều trị do bệnh có diễn biến nặng.

Ngày 23/7, tại Khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum có 37 trường hợp đang điều trị bệnh SXH, bệnh nhân được theo dõi diễn biến bệnh thường xuyên và có phác đồ điều trị phù hợp. Bác sĩ chính Lê Vũ Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cho biết: “Hiện tại bệnh viện đã phân 2 khoa điều trị SXH là khoa Nhi và Y học nhiệt đới, điều tiết lượng bệnh nhân ở 2 khoa này để lượng bệnh tránh quá tải cục bộ ở khoa. Những trường hợp bệnh nhẹ chưa đến ngày diễn biến nặng thì bệnh nhân đến khám cho về nhà theo dõi diễn biến bệnh rồi hẹn tái khám kịp thời, đồng thời dặn bệnh nhân nhận biết dấu hiệu. Tại bệnh viện đầy đủ số giường bệnh, thuốc men để điều trị”.

Hiện nay, bệnh SXH đang diễn ra trên cả nước, đặc biệt ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên dịch diễn biến phức tạp hơn rất nhiều. Theo phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy nhiệt độ tăng cao cùng tình hình thời tiết diễn biến thất thường tạo điều kiện cho bệnh SXH phát triển mạnh. Dự đoán trong thời gian tới, tại Kon Tum lượng bệnh nhân mắc SXH có khả năng tăng cao và việc bùng phát dịch SXH là điều chắc chắn và không thể tránh khỏi. Bác sĩ chính Lê Vũ Thức khuyến cáo người dân: “Khi đã mắc bệnh sốt thì nên tới cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, thực tế không phải mọi bệnh nhân sốt xuất huyết đều phải nằm viện điều trị, chỉ khoảng 10-20% phải theo dõi đặc biệt tại bệnh viện, số còn lại có thể theo dõi tại nhà hoặc cơ sở y tế. Nhưng phải biết được thời điểm bệnh diễn biến nặng để xử trí kịp thời, bệnh thường diễn biến nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6. Nếu bị SXH trong những ngày này bệnh nhận có những triệu chứng như vật vã, lừ đừ, nôn ói hoặc đau bụng nhiều, xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu cần phải vào bệnh viện theo dõi kịp thời tránh diễn biến nặng”.

Để ngăn dịch SXH bùng phát và diễn biến phức tạp, vấn đề quan trọng nhất là khâu phòng bệnh. Mọi người dân cần phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun hóa chất diệt muỗi tại nhà. Bên cạnh đó chủ động vệ sinh môi trường sạch sẽ; diệt lăng quăng, bọ gậy bằng cách không tích nước lâu ngày trong các lu nước, bình hoa, chậu cảnh; khi ngủ phải mắc màn cả ngày và đêm để tránh bị muỗi cắn. Những trường hợp mắc SXH cần khoanh vùng dịch để kịp thời khống chế.

Mỗi gia đình cần tự nâng cao ý thức phòng, chống dịch, đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng khi cần thiết thì mới có khả năng ngăn dịch bùng phát trên diện rộng.

 Nguyễn Thu – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *