(kontumtv.vn) – Một trong những nét đặc sắc của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4, năm 2018 đó là tái hiện không gian mùa giữ rẫy của dân tộc Xê Đăng. Đến với không gian này, du khách không khỏi thán phục về sự sáng tạo, khéo léo của đồng bào dân tộc Xê Đăng từ xa xưa.

Không gian mùa giữ rẫy được tái hiện rõ nét tại Bảo tàng tỉnh Kon Tum với khung cảnh của ruộng lúa rẫy; các vật dụng xua đuổi chim thú như đàn T’rưng nước, bù nhìn canh rẫy; chòi canh rẫy và các kho lúa của người Xê Đăng. Đến với không gian mùa giữ rẫy, rất nhiều du khách ấn tượng với nhạc cụ đàn T’rưng nước của người Xê Đăng. Anh Nguyễn Thành Công, khách tham quan cảm nhận: Thấy rất thú vị, những cái đặc trưng của vùng miền, đặc biệt là các dân tộc Tây Nguyên. Chẳng hạn như đàn T‘rưng nước rất sáng tạo, mình không nghĩ là làm được như vậy, mình chứng kiến như thế thì thấy rất bất ngờ“.

Đần T'rưng nước
Đàn T’rưng nước

“Trước đây việc canh tác trên nương rẫy thì đồng bào mới nghĩ đến vấn đề lợi dụng sức gió, sức nước để tạo ra các công cụ xua đuổi chim thú. Đàn T’rưng nước này dựa trên nguyên tắc đầu tiên là lấy nguồn nước gần đó, một phần âm thanh của đàn T’rưng nước tạo ra sẽ dùng để đuổi chim thú khu vực xung quanh nương rẫy, một phần nữa cũng tạo ra các âm thanh sống động cho đồng bào khi làm nương rẫy. Toàn bộ dụng cụ như các bù nhìn hay kể cả đàn T’rưng nước, đàn T’rưng gió thì đồng bào thường sử dụng các vật liệu rất quen thuộc như là các ống tre, nứa, lồ ô và kể cả các dây mây để đan lên các công cụ này”. Chị Nguyễn Thị Thu Khương, Thuyết minh viên Bảo tàng – Thư viện tỉnh Kon Tum cho biết.

Trước đây, việc sản xuất nông nghiệp của bà con Xê Đăng chủ yếu ở trên các dốc núi và cách xa với làng. Đến mùa canh tác, người dân thường đi lên nương rẫy vài ngày hay cả tuần mới về nhà, do vậy, các chòi canh rẫy được người dân dựng lên ngay tại rẫy để phục vụ việc nghi ngơi hoặc ngủ qua đêm; đảm bảo ấm áp, tránh gió lùa, mưa tạt và thú dữ. Chị Nguyễn Thị Thu Khương cho biết: “Trong không gian này thì Bảo tàng cho dựng một nhóm các kho lúa và khi các hạt lúa đã gần chín, gần thu hoạch được thì đồng bào ở đây cho sửa sang, xây dựng lại các kho lúa mới, kho lúa này cũng xây tách biệt ra ở gần với rẫy lúa và ở gần làng. Điểm đặc biệt đó là khi mà thu hoạch, quan niệm hồn lúa trong từng thân lúa của người đồng bào, thì họ sẽ dùng tay để mà thu hoạch, không dùng vật sắc, những vật sắc như thế sẽ làm nàng lúa sợ và bỏ đi mất, mùa màng năm sau sẽ không bội thu nữa. Chính vì vậy cho nên khi cư dân dùng tay cũng là cách để chọn ra được những hạt giống tốt để năm sau có thể gieo trồng, hồn lúa khi đưa về kho lúa thì đồng bào sẽ tổ chức một lễ gọi là lễ đưa hồn lúa về kho. Trên đường đưa hồn lúa về kho, khi đi qua sông suối thì phải bắt cầu tượng trưng cho hồn lúa di chuyển, kể cả đến ngã ba thì cũng  phải cắm bông lau để đánh dấu đường cho hồn lúa đi. Khi các hạt lúa trên nương rẫy đã chín già thì họ phải dùng tay để suốt lúa vào gùi và đổ hẳn vào kho lúa luôn chứ không mang về làng nữa, chỉ mang một số lượng ít thóc lúa về làng để làm lễ cúng lúa mới mà thôi”.

Không gian mùa giữ rẫy của người Xê Đăng hòa quyện cùng với không gian văn hóa các dân tộc thiểu số khác đã góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa truyền thống quý báu của các dân tộc Tây Nguyên.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *