(kontumtv.vn) – Với tấm lòng yêu trò, mến trẻ, những thầy, cô giáo đang công tác ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã có những việc làm thiết thực giúp các em học sinh đến trường và học tập tốt hơn.

Trong quá trình giảng dạy, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chủ nhiệm lớp 2A, Trường TH&THCS xã Xốp thấy được hoàn cảnh khó khăn của em A Luyện nên cô đã xin ý kiến Ban giám hiệu nhà trường, chính quyền địa phương, phụ huynh đưa em về trường chăm sóc và dạy học. Bản thân em trí tuệ không được minh mẫn, học lớp 2 nhưng chỉ nặng 10 kg, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không có điều kiện chăm lo cho em học tập. Cô Lệ cho biết, sau hơn 2 tuần về ở tại trường, việc học tập của em đã có nhiều chuyển biến: “Khi về đây thì cháu cũng biết chào mấy cô ở cùng khu tập thể, biết chào bạn bè và ai hỏi gì thì cháu cũng biết đáp lại chứ không chỉ gật đầu và chạy đi. Khi cháu viết chữ o, chữ a cũng chưa được tròn, về đây thì em cũng đã rèn cho cháu được là viết cẩn thận hơn một chút. Em cũng mong muốn là tương lai cháu cũng biết cái chữ, biết con số, biết tính để em sẽ dàng hơn trong cuộc sống”.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Lệ hướng dẫn em A Luyện học tập
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Lệ hướng dẫn em A Luyện học tập

Điểm trường thôn Kon Riêng, thuộc Trường PTDTBT Tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei nằm cách trung tâm xã gần 15 km. Những ngày này, đường đến trường của các em hết sức khó khăn vì bị sạt sở do mưa bão. Thế nhưng, những thầy cô được giao nhiệm vụ giảng dạy tại điểm trường luôn bám trường, bám lớp, gần gũi với phụ huynh và các em học sinh. Hiện điểm trường có 5 lớp, gần 60 học sinh, với sự tận tâm của các thầy cô giáo, các em đi học rất chuyên cần. Em A Thới, học sinh lớp 5D, điểm trường thôn Kon Riêng, Trường PTDTBT Tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei bày tỏ: “Con đến lớp rất là vui, thích chơi với bạn bè. Đến lớp thầy cô dạy em hiểu bài”.

Thầy giáo Phạm Văn Hiệp, điểm trường thôn Kon Riêng, Trường PTDTBT Tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei cho biết thêm: “Nhìn thấy các em nói chung là mọi người cũng biết thứ nhất là thiếu thốn nhiều, thương các em. Thì cũng cố gắng là động viên đi sát từng nhà để xem các em học bài hay làm bài, vì bố mẹ các em phần lớn là nông dân là họ lên nương rẫy hết, cũng có khi ít quan tâm tới việc học của các em”.

Huyện Đăk Glei có địa hình đồi núi chia cắt, nhiều thôn, làng nằm cách xa trung tâm xã. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các em học tập, ngoài những điểm trường ở trung tâm xã, Phòng GD&ĐT huyện đã đầu tư xây dựng phòng học và bố trí giáo viên về giảng dạy tại 56 điểm trường Tiểu học và 77 điểm trường Mầm non ở các thôn, làng. Cô giáo Hoàng Thị Hoài ở điểm trường thôn Đăk Mi, Trường PTDTBT Tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei nói: “Tôi cũng đến làm quen với các em học sinh, xong rồi làm quen với phụ huynh nơi các em ở và một số hoạt động như ở nhà các em bố mẹ hướng dẫn các em học bài như thế nào, rồi các em về nhà học bài như thế nào. Qua sự phối hợp giữa giáo viên và phụ huynh thì khi đó vấn đề học sinh trao đổi học bài sẽ tốt hơn”.

Việc giảng dạy ở các điểm trường thôn, làng gặp không ít khó khăn, nhưng với tấm lòng yêu trò, mến trẻ, những thầy cô giáo nơi đây đã và đang giúp các em học sinh học tập tốt hơn. Em Y Thị Nhã, học sinh lớp 5C, điểm trường thôn Đăk Mi, Trường PTDTBT Tiểu học xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei cho biết: “Đi học ở đây thì gần nhà và thầy cô luôn quan tâm cháu. Cháu sẽ cố gắng học tập tốt và luôn phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi”.

Thầy giáo Lê Hải Lâm, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Đăk Glei nói: “Các thầy cô dạy ở điểm trường làng thì những điểm trường này là khó khăn, nên Phòng Giáo dục, ban giám hiệu các trường luôn luôn động viên về tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ, giáo viên để bám trường, bám lớp để duy trì sĩ số học sinh, rồi chăm lo các em trong học tập”.

Việc triển khai các điểm trường thôn, làng ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Đăk Glei đã và đang phát huy hiệu quả, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số, nâng cao chất lượng học sinh. Những kết quả này cho thấy tình yêu thương lớn của các thầy, cô giáo dành cho các em học sinh. Đó cũng chính là động lực để các em nỗ lực học tập, nuôi dưỡng ước mơ tương lai và đem kiến thức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *