(kontumtv.vn) – Hưởng ứng Tháng An toàn, vệ sinh lao động, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Kon Tum đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực. Qua đó, góp phần chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và hạn chế các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.

Hoạt động điểm nhấn của Tháng An toàn, vệ sinh lao động năm 2019 tại tỉnh Kon Tum đó là Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động AT, VSLĐ của tỉnh tại huyện Đăk Hà với chủ đề tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền  phổ biến chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và công tác kiểm tra ở một số lĩnh vực, đối tượng lao động lâu nay ít được chú trọng cũng được cơ quan chức năng cùng chính quyền địa phương quan tâm. Ông Trần Thế Vũ, Trưởng Phòng Lao động Tiền lương – Bảo hiểm Xã hội, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Kon Tum cho biết: “Năm 2019 tập trung tăng cường hỗ trợ huấn luyện, đối thoại, giúp người lao động nắm bắt  được chính sách, công tác an toàn vệ sinh lao động. Thứ hai là về công tác khắc phục phối hợp với các địa phương rà soát các tai nạn lao động trên địa bàn nhằm cung cấp số liệu cho cục an toàn để phân tích được nguy cơ, rủi ro xảy ra ở lĩnh vực nào nhiều nhất để có biện pháp phòng ngừa”.

TANG CUONG CONG TAC AN TOAN VE SINH LAO DONG

Trên cơ sở nội dung phát động Tháng An toàn, vệ sinh lao động của tỉnh, công tác tuyên truyền, rà soát, tự kiểm tra, đánh giá về công tác an toàn, vệ sinh lao động đã được nhiều doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong toàn tỉnh chú trọng. Nhờ vậy, người lao động từng bước hiểu rõ quyền, lợi ích và nghĩa vụ của bản thân trong việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời, các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động cũng chú trọng hơn trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động và các chế độ cần thiết cho người lao động. Anh Đàm Văn Thanh, công nhân Điện lực thành phố Kon Tum nói: “Về công tác đảm bảo ATLĐ trong sản xuất thì lãnh đạo và các ban ngành luôn kiểm tra công tác an toàn. Bản thân tôi thì luôn nhận thức đúng đắn về công tác an toàn trong lao động sản xuất, đảm bảo an toàn cho gia đình, xã hội và bản thân”.

“Trong ngành tắc xi thì xưởng là một trong những cơ sở dễ mất an toàn, thành thử nhân hưởng ứng Tháng VSATLĐ thì Công ty cũng có một số chương trình đưa xuống áp dụng cho xưởng để anh em lao động được an toàn”. Anh Trần Chơn Trí, Quản đốc Xưởng sửa chữa Công ty TNHH MTV Mai Linh Kon Tum nói.

Giai đoạn 2017-2018, toàn tỉnh 8 người chết do tai nạn lao động. Qua kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động là do người lao động chưa tuân thủ pháp luật, xem nhẹ công tác an toàn, vệ sinh lao động. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị sử dụng lao động  không tổ chức huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động. Qua kiểm tra cũng phát hiện nhiều doanh nghiệp, đơn vị không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và sử dụng thiết bị không đảm bảo an toàn lao động. Đặc biệt, các vụ tai nạn lao động xảy ra nhiều ở các nhóm  lao động nông nghiệp, phi nông nghiệp và làng nghề. Đây chính là nội dung trọng tâm được cơ quan chức năng chú trọng chấn chỉnh trong năm 2019, đặc biệt là trong Tháng An toàn, vệ sinh lao động. Ông Trần Thế Vũ nói: “Trong thời gian qua, nhóm đối tượng phi nông nghiệp rồi nông nghiệp, lâm nghiệp và nhất là các làng nghề trên địa bàn tỉnh hay bỏ ngỏ, chưa có chính sách cụ thể để triển khai thực hiện nhóm chính sách này. Vì vậy các ngành, các cấp cần tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch của UBND tỉnh, tổ chức thực hiện theo đúng Luật ATVSLĐ trên địa bàn”.

An toàn, vệ sinh lao động có vai trò rất quan trọng là bảo vệ người lao động, góp phần quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong các doanh nghiệp. Cũng chính tầm quan trọng này ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 87  quyết định về Tháng hành động về ATVSLĐ và lấy tháng 5 hàng năm là Tháng hành động về ATVSLĐ. Đây là dịp để cơ quan chức năng, doanh nghiệp, người lao động chú trọng nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ; đẩy mạnh thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động; qua đó góp phần hạn chế tai nạn lao động, hạn chế bệnh nghề nghiệp và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người lao động.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *