(kontumtv.vn) – Cùng với việc tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, thành phố Kon Tum đang đẩy mạnh triển khai sản xuất rau an toàn theo chuỗi quy mô lớn, hình thành cơ chế liên kết giữa chủ thể tham gia mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Là một trong 3 hộ dân thực hiện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap trong nhà màng tại phường Thắng Lợi từ năm 2014, ngoài được hỗ trợ giống, phân bón, vật tư các loại, ông Nguyễn Duy Điệp và các hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo quy trình và tuân thủ đúng nguyên tắc sạch, an toàn. Việc sản xuất rau trong nhà màng thuận lợi cho các hộ dân vào thời điểm mùa mưa, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Ông Điệp cho biết: “Để đảm bảo theo chương trình VietGap, bước thứ nhất là làm đất, khử, bón vôi, cày ải đúng ngày. Thứ hai là dùng phân sinh hóa, phân vi sinh và Tricodema. Thứ ba khi gieo giống phải xử lý đất từ đầu. Thứ tư trong thời gian sinh trưởng chăm bón mình có phun thuốc nhưng phải phun đúng loại thuốc, không phun quá liều và đảm bảo thời gian cách ly”.

Rau an toàn sản xuất trong nhà màn
Rau an toàn sản xuất trong nhà màng

  Trong quá trình đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, để đảm bảo đời sống người nông dân, phường Thống Nhất đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình sản xuất rau theo chuỗi liên kết. Đến nay ngoài 4 hộ dân thực hiện mô hình liên kết trồng măng tây xanh, bà con nông dân còn mạnh dạn chuyển đổi 6 ha mía, mỳ sang trồng khoai lang Nhật Bản, bước đầu cho thấy cây khoai lang phù hợp với chất đất phù sa nơi đây, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Ông Ngô Văn Sơn,  hộ dân phường Thống Nhất nói: “Sau khi tôi làm măng tây xanh thì thấy thời gian vẫn còn phí quá, phải mở rộng thêm sản xuất. Tôi mới thử sang trồng khoai lang Nhật do công ty Nông nghiệp xanh hỗ trợ để làm giống, tôi làm giống và xuất được số giống rất tốt đạt theo nhu cầu”.

Theo quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn, đến năm 2020, trên địa bàn thành phố Kon Tum có hơn 57 ha tại các phường Trường Chinh, Thắng Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết. Thành phố xây dựng 07 chuỗi liên kết sản xuất theo tiêu chí cánh đồng mẫu lớn đối với sản phẩm cà phê vối, cánh đồng lớn rau củ quả, cây dược liệu, sắn, mía, cây thức ăn chăn nuôi, chanh dây và các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Đồng thời phấn đấu đến năm 2020 hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Bà Đinh Thị Mỹ Linh, Phó Phòng Kinh tế thành phố KonTum cho biết: “Công tác quản lý nhà nước về chuỗi liên kết là hướng dẫn người dân sản xuất an toàn và gắn sản xuất với tiêu thụ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Sản xuất an toàn ở đây vừa đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường vừa có nhũng sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng; việc liên kết chuỗi người ta sẽ truy xuất được nguồn gôc sản phẩm gắn liền từ sản xuất đến tiêu thụ sẽ nâng cao được hiệu quả cho người sản xuất và kinh doanh”.

Để cung ứng các sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng, cùng với việc mở các cửa hàng bán rau an toàn, thành phố còn triển khai một số giải pháp nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm như làm việc, hướng các siêu thị, bếp ăn tập thể liên kết với người nông dân trong sản xuất, tiêu thụ, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho hộ dân. Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn tại địa phương không chỉ giúp cho bà con nông dân yên tâm bám đồng ruộng, nâng cao hiệu quả kinh tế, mà điều quan trọng còn giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng các sản phẩm, góp phần đảm bảo sức khỏe và thân thiện với môi trường.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *