(kontumtv.vn) – Thực hiện kế hoạch hành động Năm vệ sinh ATTP 2015 trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều giải pháp tích cực, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp, tạo chuyển biến đáng kể trong công tác đảm bảo vệ sinh ATTP đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn.

Tuy mới đưa vào sản xuất từ cuối năm 2014 và chưa hoàn thành các thủ tục về chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng cơ sở sản xuất nấm của Hợp tác xã Cựu quân nhân Đăk Hring, huyện Đăk Hà luôn quan tâm đến khâu vệ sinh môi trường, thực hiện tốt quy trình sản xuất, từ việc lựa chọn, xử lý mùn cưa, đến khâu thanh trùng, cấy giống, chăm sóc và thu hái, đảm bảo các điều kiện vệ sinh, sinh trưởng và phát triển của các loại nấm. Ông Lê Ngọc Khanh, Chủ nhiệm HTX nói: “Các điều kiện để sản xuất ra các nấm đều hoàn toàn là sạch, môi trường phải sạch. Tại vì meo của nấm nếu ra ở môi trường ô nhiễm thì tất cả sẽ không phát triển, chết cái nơ đi, ảnh hưởng đến chất lượng của nấm. Nấm không được khỏe mạnh thì chất lượng cũng không được bảo đảm”.

Tại Trung tâm cá giống Tá Tiến, một trong những cơ sở chuyên cung cấp cá giống và cá thịt hoạt động lâu năm tại thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, ngoài việc thực hiện tốt các quy định về đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở luôn chú trọng đến chất lượng các loại cá cung cấp ra thị trường. Xem đây là yếu tố hàng đầu, là phương châm hành động để đảm bảo cơ sở tồn tại và phát triển. Ông Nguyễn Hữu Tá, chủ cơ sở này nói: “Đi học lớp VSATTP thì tôi cũng có  nhận thức là phải làm tốt về chất lượng con giống và chất lượng con cá thịt. Được học, được đào tạo, hiểu biết về môi trường sống là nước là phải sạch, oxy phải nhiều, vận chuyển bằng xe lớn, xe thưa; kỹ thuật phải làm nhẹ nhàng, làm tốt, đóng gói phải cẩn thận. Vệ sinh thì sạch sẽ và ở đây không có sử dụng kháng sinh, không có chất gì bảo quản hết, bởi vì cá sống, cá khỏe thì mới có lãi”.

Kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
Kiểm tra cơ sở kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm

Cơ sở sản xuất nem chả Quí tại thành phố Kon Tum là cơ sở nem chả đầu tiên của tỉnh thực hiện việc xây dựng thương hiệu và làm thủ tục công bố sản phẩm phù hợp quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Có được kết quả này, ngoài việc nỗ lực đầu tư thiết bị hiện đại, thực hiện quy trình sản xuất sạch, có máy hút chân không để đóng gói, bảo quản sản phẩm, còn có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm tra, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho cơ sở sản xuất về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà Huỳnh Thị Quí, chủ cơ sở  cho biết: “Sản xuất theo quy trình đây là xuất phát từ bảo vệ sức khỏe con người. Sản phẩm được cái công bố, nhãn mác mình dán lên thì thị trường tiêu thụ thì nói chung cũng được hơn hồi mình chưa có nhãn mác”.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông- lâm sản và thủy sản tỉnh đã tổ chức 2 cuộc thanh tra, kiểm tra, xếp loại trên 70 cơ sở trong tổng số gần 100 cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, nhìn chung ý thức chấp hành các quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các mặt hàng hóa, thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã nâng lên đáng kể. Kết quả, trong 71 cơ sở có 20 cơ sở xếp loại A, 50 cơ sở xếp loại B và 01 cơ sở xếp loại C. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh Kon Tum cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhận thức của các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp về công tác này đã được quan tâm. Những qui định về ATTP cũng như chất lượng sản phẩm đã được dần dần các cơ sở khắc phục. Về nhân sự, cơ bản các tổ chức, cá nhân  đã quan tâm về khám sức khỏe và xác nhận  kiến thức về ATTP. Hiện nay đã trên 90% cơ sở làm tốt công tác này”.

Hiện nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh đang tiếp tục triển khai đợt kiểm tra cuối năm ở tất cả các cơ sở còn lại. Ngoài việc xếp loại hàng năm, kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, qua thanh tra, kiểm tra, Chi cục đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn các cơ sở phát huy những mặt tốt, bổ sung, khắc phục những điểm chưa tốt, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hiện nay, tuy tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, chưa phát sinh những vấn đề nóng về tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, cũng như sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi, trong bảo quản thực phẩm, hoa quả, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường do phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản còn manh mún, nhỏ lẻ và nằm trong các khu dân cư gây khó khăn trong công tác quản lý.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đang là giải pháp Chi cục Quản lý chất lượng nông – lâm sản và thủy sản tỉnh cũng như các cơ quan chức năng, các cấp, ngành trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhằm từng bước nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người.

Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *