(kontumtv.vn) – Bệnh bạch hầu đang bùng phát tại một số địa phương tỉnh Kon Tum. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh hoặc nghi mang mầm bệnh phát hiện đến thời điểm này đều đã được điều trị cách ly tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Dù vậy, khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu thuốc đặc trị bệnh bạch hầu và diễn tiến khó lường của căn bệnh này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bệnh nhân.

Trong số 05 bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum từ đầu tháng 10 đến nay, 02 bệnh nhân được xác định dương tính với vi khuẩn bạch hầu gồm 01 bệnh nhân nữ 26 tuổi đến từ huyện Tu Mơ Rông và 01 bệnh nhân nam 14 tuổi ở huyện Đăk Tô. Sau vài ngày điều trị, bệnh nhân nam đột ngột tử vong do biến chứng của bệnh. Bác sĩ Ngô Đây, Trưởng Khoa Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum nói: “Trong điều trị bệnh bạch hầu, cái đáng sợ nhất là biến chứng của nó. Bệnh nhân có thể thấy khỏe mạnh bình thường, ăn uống được, sinh hoạt có vẻ bình thường nhưng có thể biến chứng xảy ra và nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng bất kỳ lúc nào. Cụ thể vừa rồi đây là có ca bệnh nhân A Cường dương tính với bạch hầu, ăn uống, sinh hoạt, đi lại bình thường nhưng chỉ qua 01 ngày diễn biến viêm cơ tim là bệnh nhân tử vong tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc”.

Điều trị bệnh nhân bạch hầu tại BVĐK tỉnh Kon Tum
Điều trị bệnh nhân bạch hầu tại BVĐK tỉnh Kon Tum

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh bạch hầu có thể kể đến là biến chứng viêm cơ tim do độc tố, biến chứng viêm đa dây thần kinh… Khi bị biến chứng, cho dù được cấp cứu kịp thời thì nguy cơ bệnh nhân tử vong vẫn rất cao. Vì vậy, điều trị hiệu quả nhất đối với các trường hợp bệnh nhân nhiễm bạch hầu chính là sử dụng thuốc đặc trị kháng độc tố. Nhưng hiện nay, tỉnh Kon Tum đang trong tình trạng thiếu loại thuốc này. Giải pháp tạm thời là sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Tuy nhiên, trên thực tế, kháng sinh không có khả năng giảm độc tố gây biến chứng mà chỉ có thể tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu, giảm khả năng lây lan bệnh từ người này sang người khác. Bác sĩ Ngô Đây cho biết: “Đúng ra phải có thuốc kháng độc tố là thuốc hàng đầu để điều trị bạch hầu, kháng độc tố SAD. Nhưng Bệnh viện Kon Tum cũng như nhiều nơi trên toàn quốc thuốc đó không có, hiện tại tôi thấy không có. Cho nên cái đó cũng cản trở, gây khó khăn trong điều trị, bởi vì cái SAD không có thuốc nào có thể thay thế, nên chúng tôi chỉ có thể điều trị bằng kháng sinh, dịch truyền, nâng cao thể trạng cho người bệnh, điều trị các biến chứng nếu có”.

 “Thiếu thuốc kháng độc tố bạch hầu lý do là toàn quốc hầu như là kiểm soát được bệnh bạch hầu rồi. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum 11 năm qua không ghi nhận bệnh bạch hầu, cho nên thuốc kháng độc tố này mình không  nhập từ nước ngoài về. Hàng năm thì cũng có mắc, nhưng số mắc cũng rải rác thôi. Từ năm 2012 – 2017, chỉ ghi nhận có 88 ca mắc và 9 ca tử vong, đó là rải rác mắc trên toàn quốc. Mình đang kiểm soát được bệnh bạch hầu nên chính vì vậy thuốc này không nhập về”. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kon Tum nói.

Trước tình hình bệnh bạch hầu có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, việc mua và cung ứng đủ số thuốc điều trị bệnh là điều vô cùng cấp bách đối với ngành Y tế tỉnh Kon Tum hiện nay. Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân cho biết: “Trước tình hình này, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng rất lo sợ dịch bệnh bạch hầu lan rộng ra cộng đồng, nên đã khẩn trương làm việc với Tổng Giám đốc AMV để kịp thời cung cấp kháng độc tố bạch hầu này về và dự kiến có trong 02 tuần nữa”.

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp. Đáng chú ý, những triệu chứng của bệnh gần giống như viêm họng khiến người bệnh chủ quan, không điều trị ngay dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Hiện nay, tiêm vắc xin bạch hầu là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa căn bệnh này. Nhìn vào thực tế diễn tiến dịch bệnh bạch hầu tại các huyện Đăk Tô, Tu Mơ Rông thời gian vừa qua có thể thấy, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là người chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng vắc xin chưa đầy đủ. Địa bàn xảy ra dịch bệnh là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, công tác giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường còn hạn chế khiến mầm bệnh dễ lây lan ra cộng đồng.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *