(kontumtv.vn) – Bệnh đái tháo đường là bệnh lý nguy hiểm gây ra các biến chứng nặng nề về tim mạch, tổn thương thần kinh, suy thận, nhiễm trùng và gây tổn thương bàn chân có thể phải cắt cụt chi. Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh Kon Tum rất cao, từ 3,5 – 5%. Đặc biệt, bệnh đang có xu hướng trẻ hóa. Để hiểu rõ hơn thực trạng căn bệnh này trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, cách phòng, chống bệnh hiệu quả, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

PV:  Cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay. Xin bác sĩ cho biết bệnh đái tháo đường là gì và độ tuổi nào thì hay mắc bệnh này?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm là tăng gluco huyết do khiếm khuyết về tiết Isulin, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh. Độ tuổi mắc bệnh đái tháo đường cao nhất khoảng từ 55 – 59 tuổi.

Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV
Bác sỹ CKI Nguyễn Thị Vân trả lời phỏng vấn của PV

PV: Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Có chiều hướng gia tăng không? Nguyên nhân vì sao?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Hiện nay chưa có nghiên cứu nào đánh giá tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường trên phạm vi toàn tỉnh, nhưng qua các các đợt khám sàng lọc hàng năm tại một số điểm cho thấy tỷ lệ mắc bệnh trong khoảng 3,3 – 5,0 %. Một nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh gần đây nhất, năm 2016, tại địa bàn thị trấn Sa Thầy cho thấy tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 3,5%. Kon Tum cũng là tỉnh có tỷ lệ mắc tương đối cao so với toàn quốc. Ngoài các nguyên nhân như chế độ ăn uống ngày càng thừa năng lượng, công việc tĩnh tại, còn do bữa ăn thiếu rau quả, lười vận động cũng là nguyên nhân quan trọng gây gia tăng bệnh đái tháo đường trên địa bàn tỉnh.

PV: Bệnh đái tháo đường có xu hướng trẻ hóa không và nguyên nhân như thế nào?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Theo cảnh báo của các tổ chức quốc tế như WHO, IDF cũng như qua điều tra  toàn quốc năm 2015 thì lứa tuổi mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 đang ngày càng trẻ hóa. Bệnh có liên quan mật thiết với thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu hoạt động thể lực, ăn uống không điều độ gây nên. Điều tra toàn quốc năm 2015 cho thấy có khoảng 57,2% dân số ăn thiếu rau quả so với khuyến cáo; gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo; 15,6% số người dân Việt Nam hiện đang bị thừa cân béo phì và tỷ lệ này lại đang có xu hướng tăng nhanh.

PV: Như vậy, những biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường là gì và ảnh hưởng như thế nào đến chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Bệnh đái tháo đường có những biến chứng nguy hiểm như các biến chứng cấp tính thường là hạ đường huyết, hoặc bị hôn mê, hôn mê do nhiễm toan ceton, hôn mê do tăng glucose máu. Có các biến chứng mãn tính như biến chứng tim mạch, biến chứng về mắt, biến chứng về thận, thần kinh, đặc biệt là bệnh lý bàn chân phải cắt cụt chi, biến chứng nhiễm trùng rối loạn chức năng cương ở nam giới, suy giảm chức năng sinh dục ở người phụ nữ. Khi mắc bệnh đái tháo đường, sức khỏe của người bệnh suy giảm thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình, giảm khả năng lao động của người mắc bệnh.

PV: Để giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, ngành Y tế tỉnh có những giải pháp cụ thể như thế nào?

Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Vân: Ngành Y tế tiếp tục đưa hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường vào mục tiêu, chỉ tiêu để thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tổ chức khám sàng lọc, tổ chức đánh giá tỷ lệ mặc bệnh, rồi truyền thông và đảm bảo dịch vụ về vấn đề điều trị, tư vấn cho người bệnh. Tổ chức tuyên truyền, truyền thông cho người dân hiểu được về bệnh đái tháo đường, để cho mọi người dân biết được tác hại của bệnh để có cách phòng ngừa như mình thường xuyên tuyên truyền cho người dân kiểm tra đường máu để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, điều chỉnh chế độ ăn, tập thể dục hoặc đến cơ sở y tế để được các bác sĩ khám, tư vấn điều trị kịp thời.

PV: Vâng, cảm ơn bác sĩ đã tham gia cuộc trao đổi hôm nay!

Thu Trang – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *