(kontumtv.vn) – Như đã phản ánh trong các chương trình trước, hiện nay, nhiều người lao động trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông tham gia xuất khẩu lao động đã bị mất liên lạc với gia đình và chưa trở về địa phương dù đã hết hạn hợp đồng lao động. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chức năng về vấn đề này như thế nào?

Bà Y Blú (thôn Kon Hia 2, xã Đăk Rơ Ông) bày tỏ: “Muốn về nhưng không có tiền trả lại cho họ, phải chuộc tiền 70 triệu, nó cũng muốn về nhưng nó không có tiền trả cho họ”.

Anh A Brái (thôn Đăk Giá, xã Đăk Sao) nói: ‘Em cũng mong được vợ về nhà để cùng làm ăn để đỡ khó khăn cho gia đình, em khuyết tật nuôi đứa con cũng vất vả”.

Đó là nguyện vọng chính đáng của các gia đình có người thân đi xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, cơ quan chức năng nào chịu trách nhiệm về vấn đề này? Đó là câu hỏi của nhiều người dân ở huyện Tu Mơ Rông.

Gia đình lo lắng cho người thân tham gia xuất khẩu lao động
Gia đình lo lắng cho người thân tham gia xuất khẩu lao động

Qua những vụ việc đã xảy ra, theo một số lãnh đạo UBND xã ở huyện Tu Mơ Rông cho biết, cần chấn chỉnh lại hoạt động tư vấn, tuyển dụng của một số công ty xuất khẩu lao động. Trong đó, đáng chú ý là các cộng tác viên khi vào địa bàn xã để tư vấn, tuyển dụng thì thay đổi liên tục và không có trách nhiệm với người lao động. Ông Lâm Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Ông cho biết: “Mới có 2 tháng nay mà thay đổi 2 người là tại ngoài Đăk Tô vào bảo cộng tác viên của Công ty Thuận An đi liên hệ xuất khẩu lao động, thì tôi vẫn thống nhất vấn đề đó, nhưng mà trước khi đi thì đề nghị lãnh đạo công ty cùng dẫn người đó vào tại UBND xã để ngoài cái giấy giới thiệu rồi thì cũng phải chỉ mặt, biết tên, chứ còn làm như thế này nay thay đổi người này, mai thay đổi người khác thì chính quyền địa phương chúng tôi không thể quản được”.

Ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đăk Na cho biết thêm: “Riêng đối với địa bàn xã Đăk Na thì tuyển dụng trước đây thì có 2 nhân viên đều có sự giới thiệu của Hội đồng Quản trị là chị Tình. Đến thời điểm này thì hai nhân viên này không còn trên địa bàn xã Đăk Na nữa, nghe thông tin thì có một anh đã chuyển qua làm công việc khác không còn tham gia cộng tác viên, nhân viên Công ty Thuận An nữa”.

Bên cạnh đó, cần công khai cho người dân nắm bắt chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho người dân ở huyện nghèo 30a như Tu Mơ Rông khi tham gia xuất khẩu lao động, vì hiện tại, chưa đơn vị nào  đảm nhận nội dung này. Ông Bùi Văn Viên, Chủ tịch UBND xã Đăk Na  kiến nghị: “Thứ nhất là phải công khai và phân tích cho người tham gia xuất khẩu lao động biết được cái quyền lợi của người ta, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện nghèo. Huyện 30a như huyện Tu Mơ Rông là chính sách Nhà nước hỗ trợ bao nhiêu tiền, hỗ trợ về cái gì, rồi công ty tham gia xuất khẩu lao động thì hỗ trợ cho người tham gia ký kết với công ty là những gì để rõ ràng để mọi người nắm, cũng như xã nắm để tuyên truyền, cho người tham gia xuất khẩu lao động biết”.

Huyện Tu Mơ Rông cũng kiến nghị các ngành chức năng cần vào cuộc và xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong vấn đề tư vấn, tuyển dụng người xuất khẩu lao động. Ông A Rin Ka, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho hay: “UBND huyện rất mong muốn các cấp, ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm việc thẩm định, giới thiệu, lựa chọn doanh nghiệp được phép vào tư vấn, tuyển dụng lao động trên địa bàn huyện nghèo; các doanh nghiệp phải có kết trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu doanh nghiệp đối với người lao động từ khi ký kết hợp đồng cho đến khi thanh lý hợp đồng, báo cáo định kỳ và đột xuất khi có yêu cầu của UBND huyện về tình hình lao động tham gia xuất khẩu trên địa bàn huyện”.

Qua những sự việc xảy ra đối với người dân ở huyện Tu Mơ Rông khi tham gia xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động và đưa hoạt động tư vấn, tuyển dụng xuất khẩu lao động vào nề nếp.

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *