(kontumtv.vn) – Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc trẻ em sớm được tiếp xúc với những loại hình công nghệ cao đã trở nên phổ biến. Câu hỏi đặt ra là có nên cho trẻ tiếp xúc sớm với công nghệ hay không? Nếu có thì cho trẻ dùng các thiết bị này vào thời điểm nào, với cách thức, liều lượng ra sao?

Ngày nay, một hình ảnh thường thấy đó là những đứa trẻ say mê và chăm chú bên cạnh các thiết bị công nghệ cao như điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính… Dù bất cứ đâu hay bất cứ khi nào, chỉ việc trao cho trẻ một thiết bị di động, trẻ sẽ chấp nhận ngồi yên một chỗ mà không cần bố mẹ phải theo sát quản lý. Chính điều này đã hình thành nên thói quen dùng các thiết bị công nghệ cao để dỗ dành mỗi khi trẻ quấy khóc hay quậy phá. Anh Đỗ Trọng Hùng (776 Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: “Có đôi lúc chúng ta cho các cháu dùng các thiết bị công nghệ hiện đại không phải để kích thích trí não các cháu, mà vì đôi lúc thật sự chúng ta không có thời gian để quan tâm đến các cháu, dẫn các cháu đi chơi hoặc không cho các cháu tiếp xúc được với bạn bè, vì không có thời gian. Nhiều khi gọi đấy là sự lười của bố mẹ chứ không phải là quan tâm đến các cháu lắm”.

NGHE CAO

Cũng có nhiều bậc phụ huynh lo ngại các thiết bị công nghệ cao ảnh hưởng không tốt đến con em mình, nên chủ động không cho trẻ sử dụng ngay từ khi còn nhỏ. Anh Mai Minh Hoàng (234 Trường Trinh, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) nói: “Ở nhà tôi ít cho các cháu sử dụng các thiết bị di động. Trước đây khi nó còn nhỏ thì hầu như không cho sử dụng, bây giờ nó được khoảng 5 tuổi rồi thì mình cũng bắt đầu cho nó tiếp cận một tý thôi, vì mình nghĩ trẻ còn quá nhỏ, cho  tiếp xúc sớm cũng không tốt cho cháu”.

 Không thể phủ nhận các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng,… đang đóng một vai trò lớn trong cuộc sống ngày nay. Tuy nhiên nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của những đứa trẻ, nếu sử dụng không đúng cách. Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, việc trẻ em sử dụng các thiết bị công nghệ quá lâu, trong khoảng thời gian dài và liên tục, thì hệ quả sẽ là trẻ mất dần sự tập trung với thế giới xung quanh, quá phụ thuộc và thậm chí “nghiện” các trò chơi trên những thiết bị công nghệ. Đây là thực trạng xảy ra với không ít trẻ em trong “thời đại số” hiện nay. Bên cạnh đó, trẻ thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị công nghệ, cũng dễ mắc các bệnh về mắt hoặc đau cột sống do ngồi lâu. Bác sỹ Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Khoa Mắt – Trung tâm Phòng chống các bệnh xã hội tỉnh Kon Tum cho biết: “Khi trẻ em tiếp xúc với các thiết bị công nghệ cao, rõ ràng là dễ dẫn đến những tổn hại về mắt hơn so với những trẻ em bình thường. Khi tiếp xúc với công nghệ cao, trẻ có thể rối loạn giấc ngủ, có thể trầm cảm, có thể có một số bệnh lý kèm theo gây nên như bệnh tim mạch…Riêng về lĩnh vực nhãn khoa, hệ thống thị lực, nhãn cầu của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, do đó tiếp xúc với công nghệ cao thì càng dễ bị tổn thương hơn nữa. Nếu tiếp xúc với cường độ cao, nhiều thì gây nên một hội chứng gọi là thị lực máy tính. Hội chứng này gây nên những biểu hiện như đau đầu, nhức đầu, mỏi mắt, mờ mắt…”

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng việc cho trẻ tiếp xúc sớm với các thiết bị công nghệ cao cũng giúp ích cho quá trình phát triển của trẻ. Theo đánh giá của các chuyên gia, những đứa trẻ được tiếp xúc sớm với các thiết bị di động có khả năng thích nghi nhanh với cuộc sống, trẻ tự tin hơn, học nhanh hơn, nhất là nhạy về chữ cái… Nhưng để có được điều này thì cha mẹ phải đóng vai trò định hướng, thường xuyên quan tâm, theo dõi, kiểm tra việc sử dụng các thiết bị công nghệ của trẻ, nhất là về nội dung, mục đích, liều lượng và thời gian sử dụng. Bác sỹ Nguyễn Văn Khánh  khuyến cáo: “Chúng ta không nên lạm dụng các thiết bị công nghệ cao. Với điều kiện hiện nay, công nghệ thông tin rất phát triển, chúng ta cho trẻ sử dụng ở mức độ vừa phải, sẽ giảm thiểu các tác hại đến mắt. Khi sử dụng các thiết bị, chúng ta chỉ nên cho trẻ dùng khoảng 2 giờ, không cho kéo dài quá lâu và cho mắt nghỉ ngơi khoảng 10 – 15 phút”.

Thiết nghĩ, dù các thiết bị công nghệ cao đang đóng vai trò ngày càng lớn trong đời sống hiện nay, nhưng xét đến cùng, những thiết bị này không thể thay thế cha mẹ chơi với trẻ, càng không thể thay cha mẹ dạy dỗ trẻ. Vì thế, việc cha mẹ dành thời gian chơi với trẻ chính là cách tốt nhất để giúp trẻ phát triển toàn diện.

                                          Thu Trang – Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *