(kontumtv.vn) – Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 được triển khai từ ngày 15/4 đến ngày 15/5/2018. Để hiểu rõ hơn về mục đích và các hoạt động trong Tháng hành động vì ATTP, phóng viên Đài PT – TH tỉnh Kon Tum có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trương Hồng, Phó Chi cục  ATVSTP tỉnh.

PV: Thưa ông, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 có chủ đề gì và mục đích cụ thể của Tháng hành động?

Ông Nguyễn Trương Hồng: Chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 là “Tăng cường trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm”. Với mục đích là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, các vấn đề liên quan đến công tác ATTP đến tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Qua đó đề cao vai trò trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh về chấp hành các quy định pháp luật về ATVSTP. Mục đích thứ hai là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm; tăng cường công tác quản lý và công tác giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, người tiêu dùng đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Mục đích thứ ba là giảm thiểu các vụ ngộ độc do tiêu dùng những thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Ông Nguyễn Trương Hồng trả lời phỏng vấn của PV
Ông Nguyễn Trương Hồng trả lời phỏng vấn của PV

PV: Để Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018 thực sự hiệu quả, Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh có kế hoạch triển khai như thế nào?

Ông Nguyễn Trương Hồng: Ở tuyến tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành đã giao cho UBND huyện Đăk Tô tổ chức phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2018, thời gian từ ngày 15/4 đến 20/4/2018. Từ ngày 21/4 trở đi các huyện, thành phố triển khai các nội dung theo kế hoạch Tháng hành động đã đề ra. Sở Y tế đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, đoàn kiểm tra liên ngành đã xây dựng kế hoạch và bắt đầu kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh từ ngày 16/4. Thời gian kiểm tra chủ yếu đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ trên địa bàn, như những cơ sở nem, chả, bún, bánh mì và các cơ sở sản xuất nhỏ trên địa bàn khác. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Chi Cục ATVSTP tăng cường công tác kiểm tra trực tiếp đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn, cũng như tuyên truyền trực tiếp cho nhân dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

PV: Thưa ông, ngày 29/12/2017, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định số 63 về Quy chế dựa vào nhân dân để phát hiện vi phạm an toàn thực phẩm. Vậy Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh có những giải pháp gì để phát huy vai trò của nhân dân trong việc giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm ATTP, nhất là trong Tháng hành động này?

Ông Nguyễn Trương Hồng: Ban Chỉ đạo liên ngành đã chỉ đạo cho các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai Quyết định số 63 của UBND tỉnh đến tất cả cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn để biết về nội dung của Quyết định số 63. Đồng thời, thiết lập các đường dây nóng như công bố số điện thoại, kể cả tiếp nhận các thông tin mà người dân phản ánh về vấn đề ATTP trên địa bàn các huyện, thành phố. Riêng đối với ngành Y tế, Sở Y tế cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế triển khai nội dung theo Quyết định số 63 của UBND tỉnh; tất cả các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế đều phải công khai số điện thoại, đường dây nóng để nhân dân biết và đồng thời cung cấp những thông tin liên quan đến vấn đề ATTP.

PV: Vâng, cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Ngọc Chí 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *