(kontumtv.vn) – Tỉnh Kon Tum hiện còn gần 30 cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến  từng tham gia chiến dịch  Điện Biên  Phủ. Mỗi câu chuyện về những tháng ngày gian khổ, hy sinh của họ là một ký ức không phai, góp phần làm nên trang sử vàng của dân tộc.

Tháng 3 năm 1954, 17 tuổi, đang là học viên Trường Thiếu sinh quân Liên khu 4, ông Đỗ Trọng Hòa đã được chọn là một trong số ít học viên của nhà trường  tham gia chiến dịch  Điện Biên Phủ. Sau 1 tháng đi bộ, ngày nghỉ, đêm đi, vừa hành quân, vừa huấn luyện, từ Nam Đàn, qua Thanh Hóa, Hòa Bình,  Sơn La vào Điện Biên, ông được biên chế vào Đại đội Công binh thuộc Tiểu đoàn 6, Trung  đoàn 74, Sư đoàn 316. Ông nhớ lại: Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị rõ Sư 316 trong chiến dịch này phải chiếm được Đồi A1 và chiếm được 4 quả đồi phía đông thì mới giải phóng được Điện Biên. Phải xác định cho tất cả chiến sĩ biết  được và sẵn sàng hy sinh, chiến đấu.

Ong Hoa

Ông Đỗ Trọng Hòa (bên phải) kể chuyện tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Giữa tháng 4 năm 1954, quân ta đã vào cao điểm chiến dịch, khép vòng vây địch ở Đồi A1. Đơn vị ông Hòa đóng ở Bản Kéo, đảm nhận nhiệm vụ đào hầm ngầm dưới Đồi A1 để phục vụ vận chuyển thuốc nổ vào trận địa. Ông kể:

Đơn vị tiến hành đào hầm ngầm để đặt bộc phá. Đào hầm ngầm một cách đơn giản mà không ai có thể tưởng tượng: Chiều ngang hầm 2m, chiều cao 1,5m, chiều sâu 50m, vào sâu trong lòng đất 50m. Giải quyết cái này khó khăn hơn là hy sinh, chiến đấu. Nếu tính khối lượng đất, đá đưa ra, đổ lên trên, đưa bằng cách nào? Hoàn toàn chỉ có hai bàn tay. 15 ngày đào cật lực.  Mỗi tiểu đội được phát 1 cái bạt, đổ đất vào cái bạt đó, tròng dây, ở bên ngoài kéo ra. Máy bay nó bắn, lại phải lấy lá ngụy trang để nó khỏi phát hiện. Đào xong chuyển 1 tấn bộc phá vào trong đó, xếp gọn gàng. Xong đâu đấy, hoàn thành, báo cáo Mặt trận.  Mặt trận bảo như thế là các đồng chí đã thành công xuất sắc. Bây giờ đợi tiếng nổ của bộc phá là toàn Mặt trận tổng công kích.

Được giao nhiệm vụ phá hàng rào thép gai của địch để tạo thành “đột phá khẩu” cho bộ đội tiến vào Đồi A1, chứng kiến sự hy sinh anh dũng của đồng đội trong tổ 3 người  là dấu ấn không bao giờ phai trong tâm trí người tiểu đội phó công binh năm  xưa: Xung phong, phá hàng rào thứ nhất, cậu ấy phải cúi lom khom, xong đến gần hàng rào dây thép gai, phải nằm bò, và kéo cái bộc phá đi theo. Mình nhìn còn thấy nó cầm cái bộc phá, lao lên. Tay nó rút nụ xòe, yên chí là phá được. Cuối cùng là pháo nó bắn, một tiếng nổ long trời, cậu ấy giật được kíp nổ thì cũng hy sinh. Chỉ thấy một cái chớt sáng lòe, bụi đất mù mịt và không thấy bạn mình nữa. Người đồng đội khác, cậu ấy cũng lên xông, giật bộc phá, cũng rút dây cháy chậm rồi, thì còn sót 1 cái quả mìn. Khi cậu ấy lao vào  hàng rào, thì chân bị vướng vào quả mìn, mìn nhẩy. Nó lên lưng chừng nó nổ, cậu ấy hy sinh.

Tự hào được tham gia chiến dịch lịch sử, vinh dự hơn với ông Đỗ Trọng Hòa và anh em trong đơn vị là sau chiến thắng ngày 7/5/1954, lần đầu tiên, những người chiến sĩ Điện Biên đã được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, được Người Anh cả tuyên dương, khích lệ. Toàn quân, toàn dân ta được tiếp thêm sức mạnh giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ,  anh dũng của dân tộc.

                                                                                          Nghĩa Hà – Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *