(kontumtv.vn) – Như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh Kon Tum hiện đang là vấn đề đáng quan tâm của ngành Y tế địa phương những năm gần đây. Để hiểu rõ hơn về thực trạng, hệ lụy cũng như các giải pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn, phóng viên Đài PT – TH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Từ Hữu Phước, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Kon Tum.

PV: Xin ông cho biết, hiện nay ở tỉnh Kon Tum, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có diễn ra tại các địa phương hay không và thực tế của tình trạng này?

Ông Từ Hữu Phước: Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của tỉnh Kon Tum trong thời gian qua đã vượt mức an toàn, mức an toàn là từ 103 – 106 trẻ em nam sinh ra/100 trẻ em nữ. Cụ thể, năm 2015, tỷ số này là 109,4; năm 2016 là 108 và năm 2017 là 108,9 trẻ em trai/100 trẻ em gái.

Ông Từ Hữu Phước trả lời phỏng vấn của PV
Ông Từ Hữu Phước trả lời phỏng vấn của PV

PV: Thưa ông, đối với việc mất cân bằng giới tính, hệ lụy để lại về sau là như thế nào?

Ông Từ Hữu Phước: Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa nghiêm trọng, có thể nhận định chưa xảy ra. Tuy nhiên trong thời gian tới, tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị,… Khi các nam nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn, tình trạng thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn sẽ dẫn đến phá vỡ cấu trúc gia đình. Một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn bởi vì thiếu nữ.

PV: Ông nhận thấy những khó khăn lớn nào khi bắt đầu triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính trên địa bàn tỉnh?

Ông Từ Hữu Phước: Thực tế thời gian qua, những biện pháp nhằm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh chưa đáp ứng được yêu cầu bởi phần lớn mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm, chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính. Trong khi đó, biện pháp căn bản, cốt lõi nhất là cần tiếp tục thực hiện thay đổi tư duy người dân và việc đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường là một việc khó, không thể đạt được trong ngày một, ngày hai.

PV: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp cụ thể như thế nào để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính trên địa bàn?

Ông Từ Hữu Phước: Thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông giáo dục và vận động nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi liên quan đến mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm cung cấp thông tin, cập nhật về tình trạng, nguyên nhân, hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, để công tác ngăn chặn mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả mong đợi thì cần tập trung thực hiện một số điều kiện tiên quyết gồm tăng cường cam kết chính trị với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện và tuyến xã; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi theo quy định của pháp luật.

PV: Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi vừa rồi!

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *