(kontumtv.vn) – Thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Chương trình hành động quốc gia về Phòng chống bạo lực gia đình đến năm 2020, thời gian qua tỉnh Kon Tum đã có nhiều hoạt động thiết thực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, kịp thời can thiệp, xử lý các trường hợp bạo lực gia đình xảy ra, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái của Liên hợp quốc đề ra, xây dựng một mái ấm không có bạo lực gia đình.

Được thành lập từ tháng 9/2008, đến nay Câu lạc bộ Phòng chống bạo lực gia đình tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà có trên 30 thành viên. Ngoài việc duy trì sinh hoạt định kỳ 2 tháng một lần để tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, CLB đặc biệt chú trọng hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, xây dựng gia đình văn hóa, một trong những giải pháp căn bản để hạn chế bạo lực gia đình trong khu dân cư. Ông Bùi Ngọc Trạm, Chủ nhiệm CLB này cho biết: “Ban Chỉ đạo mô hình can thiệp PCBLGĐ đã chỉ đạo, hướng dẫn, rồi có tủ sách pháp luật, có các văn bản hướng dẫn về PCBLGĐ, về Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình. Từ đó CLB cũng như Ban Chủ nhiệm, rồi nhóm PCBLGĐ duy trì hoạt động thường xuyên, cho nên hiệu quả về ngăn chặn kịp thời các hành vi BLGĐ tại địa phương ngày một giảm rõ rệt”.

Tọa đàm về phòng chống bạo lực gia đình
Tọa đàm về phòng chống bạo lực gia đình

Là một trong hai cơ sở triển khai thí điểm mô hình can thiệp PCBLGĐ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ tổ chức, từ năm 2008 đến nay, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà đã thành lập và duy trì hoạt động 5 CLB Phòng chống bạo lực gia đình, với 27 địa chỉ tin cậy và các nhóm nòng cốt luôn sẵn sàng hành động, kịp thời can thiệp, ngăn chặn các hiện tượng và hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư, góp phần hạn chế đáng kể nạn bạo hành trong gia đình. Ông Nguyễn Vương Quang, cán bộ văn hóa xã hội thị trấn Đăk Hà nói: “Sau khi các CLB trên địa bàn thị trấn được thành lập thì số lượng vụ BLGĐ đã giảm hẳn. Năm 2008 thị trấn có hơn 40 vụ BLGĐ, đến năm 2010 chỉ còn 20 vụ. Đến năm 2015 này, trên địa bàn chỉ còn 3 vụ, trong đó 2 vụ bạo lực phụ nữ và 1 vụ bạo lực trẻ em”.

Với vai trò là cơ quan tham mưu quản lý nhà nước trong lĩnh vực công tác gia đình, những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai cho các huyện, thành phố thành lập và duy trì 42 CLB Gia đình hạnh phúc, CLB Phòng chống bạo lực gia đình, với gần 2.000  hội viên. Hầu hết các CLB đã bám sát tiêu chí hoạt động, phối kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và thực hiện các quy định pháp luật về PCBLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, trở thành lực lượng nòng cốt, là địa chỉ tin cậy trong công tác PCBLGĐ tại địa phương. Ông Trương Xuân Nhật, Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình, Sở VH,TT&DL tỉnh Kon Tum cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi triển khai các đề án về tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam ở địa bàn tỉnh Kon Tum, rồi xây dựng các mô hình CLB PCBL. Chúng tôi đang xây dựng điểm ở 2 huyện Đăk Hà và Kon Rẫy. Qua xây dựng mô hình PCBL này chúng tôi thấy nó phát huy vai trò rất tích cực trong việc phát hiện kịp thời, can thiệp và giáo dục, tiến tới xóa bỏ hiện tượng BLGĐ ở các địa phương”.

Bên cạnh các hoạt động của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, công tác PCBLGĐ đã được các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể đặc biệt quan tâm. Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông nói: “Để giúp chị em xây dựng gia đình hạnh phúc, chúng tôi  vận động hộ gia đình xây dựng các CLB xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con tốt, rồi không sinh con thứ ba và không bạo lực gia đình. Đặc biệt như Chi hội Phụ nữ Măng Đen đã xây dựng được các địa điểm tin cậy, giúp các phụ nữ khi bị bạo lực đến tạm trú, thoát nạn”.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng hiện nay, tình hình bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng trở lại. Công tác PCBLGĐ nói chung và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái nói riêng không chỉ là vấn đề nóng của tỉnh, của mỗi quốc gia, mà là vấn đề quan tâm của toàn cầu. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi người dân về công tác PCBLGĐ, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc đang được các cấp, ngành trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh, hướng đến mục tiêu vì một mái ấm gia đình không có bạo lực.

                                                                                           Quang Mẫn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *