(kontumtv.vn) – Việt Nam phấn đấu đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới về công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản vào năm 2030, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu…là những mục tiêu lớn được đưa ra trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến  nông lâm sản và cơ giới hóa nông nghiệp vừa diễn ra sáng 21/2 tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến nông sản đạt khoảng 5-7%/năm. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân tăng khoảng 8-10%/năm. Công nghiệp chế biến nông lâm sản tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Cả nước hiện có hơn 7.800 doanh nghiệp cơ khí, gần 100 cơ sở chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp. Tuy nhiên, công nghiệp chế biến nông lâm sản của Việt Nam chỉ ở mức trung bình của thế giới. Hiện nhiều cơ sở chế biến đã cũ, lạc hậu; Hệ số đổi mới thiết bị chỉ đạt khoảng 7%/năm; Tổn thất sau thu hoạch vẫn còn lớn; Các sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế, giá trị gia tăng thấp.

Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Đến năm 2030, nước ta đặt ra mục tiêu công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm; trên 50% số cơ sở chế biến các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến; Cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 80-100%..

Đẩy mạnh, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp được xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản nước ta. Và để đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng đưa ra các giải pháp như chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến tại các địa phương, các vùng có lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực; Đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu; Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông sản; Áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị các bộ, ngành liên quan cần lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ và tạo điều kiện cho hộ nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để nắm bắt thời cơ mới, cơ hội mới. Sau hội nghị sẽ có 1 chỉ thị của thủ tướng về Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản và cơ giới hóa nông nghiệp.

 Như Nguyệt – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *