(kontumtv.vn) – Được thành lập vào năm 2006, xã Hơ Moong (Sa Thầy, Kon Tum) khi đó có tỷ lệ hộ nghèo cao. Với những nỗ lực và vận dụng nhiều cách làm hiệu quả, đến nay xã Hơ Moong đã có sự đổi thay đáng kể, nhất là việc nâng cao đời sống nhân dân. Trong đó vai trò của đảng viên đi đầu trong phát triển kinh tế được phát huy mạnh mẽ.

Trong những năm qua, cùng với việc tập trung ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, Đảng ủy, chính quyền xã Hơ Moong đã triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ sản xuất của nhân dân. Trong đó lấy cao su, cà phê, bời lời, cây ăn quả là 4 loại cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế.

Để giúp người dân thay đổi cách sản xuất, Đảng ủy xã chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng giao trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ, đảng viên tăng cường xuống cơ sở, bằng cách “cầm tay chỉ việc” người dân, trong đó chú trọng quan tâm các hộ DTTS. Ông Lê Khắc Tuấn, Bí thư Đảng ủy xã Hơ Moong cho biết: “Chúng tôi huy động anh em tập trung xuống thôn làng. Như khi lãnh đạo phát hiện diện tích nước không đủ để tưới cà phê, phải huy động hết cả hệ thống chính trị xuống thôn làng để vận động bà con, thứ nhất tiết kiệm nguồn nước, thứ hai là sử dụng nguồn nước như nào cho hợp lý”.

Nhiều hộ kinh tế phát triển  nhờ kinh tế vườn
Nhiều hộ kinh tế phát triển nhờ kinh tế vườn

Phát huy vai trò của đảng viên trong việc nêu gương, đi đầu trong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được xã Hơ Moong quán triệt thường xuyên. Tiêu biểu như gia đình ông Đỗ Anh Tuấn (thôn Đăk Wớt Yốp) đã nỗ lực vươn lên làm giàu, mỗi năm thu hoạch từ 3 ha cà phê và lợi nhuận buôn bán tạp hóa, trừ chi phí gia đình còn lại 300 triệu đồng. Từ kinh nghiệm làm giàu của mình, với trách nhiệm là Bí thư chi bộ thôn, ông Tuấn đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình khó khăn trong thôn làm kinh tế: “Mình thường xuyên đi vận động, ngày đêm không kể, mình vận động làm theo cách của mình cho cây cà phê phát triển. Mình chú trọng 1 – 2 hộ để cây cà phê của họ đẹp lên hẳn, từ đó làm mô hình cho các hộ khác học tập theo”.

Qua việc phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của đảng viên, người dân của xã Hơ Moong, nhất là ĐBDTTS đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao. Tiêu biểu như gia đình anh A Khuất (thôn Đăk Wớt Yốp) đã thoát được nghèo nhờ cách làm này của xã: “Chúng tôi trước đây chăm sóc cà phê không biết gì, nhưng nhờ anh Tuấn Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng chỉ giúp bà con chăm sóc cà phê. Từ đó bà con biết cách chăm sóc cây cà phê. Từ đó cuộc sống đỡ hơn rất nhiều”.

Trong những năm qua, xã đã tập trung ưu tiên mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Từ năm 2015 đến nay, xã có khoảng 2.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ trồng cà phê, cao su, bời lời, hỗ trợ cải tiến ngư cụ để đánh bắt cá tại lòng hồ thủy điện Plei Krông…

Nhờ vậy, sau hơn 10 năm thành lập, Hơ Moong là một trong những xã có tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mạnh nhất trên địa bàn huyện Sa Thầy. Đến nay, xã đã phát triển được hơn 2.800 ha cây trồng, trong đó diện tích cây lâu năm gần 2.000 ha gồm cà phê, cây ăn quả, bời lời, cao su…Những mô hình như cà phê xen đinh lăng, cà phê xen cây ăn quả, hồ tiêu xen cây ăn quả…đã và đang mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Cùng với đó, người dân còn chăn nuôi hơn 7.800 con gia súc, gia cầm; khai thác đánh bắt thủy sản trên diện tích 8 ha lòng hồ, sản lượng hàng năm đạt khoảng 60 tấn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động.

Với cách làm này, giai đoạn 2015-2020, xã có hơn 600 hộ thoát nghèo. Số hộ có mức sống khá chiếm khoảng 60%. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Hơ Moong đạt 28 triệu đồng/năm. Những kết quả đó khẳng định sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực, đoàn kết, vượt qua khó khăn của hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn.

Trang Nhung – Thanh Huyền

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *