(kontumtv.vn) – Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, xã Măng Ri (Tu Mơ Rông, Kon Tum) đã xác định phát triển cây dược liệu là một trong những khâu đột phá để thực hiện Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai các lĩnh vực đột phá trong năm 2019.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, những năm qua, người dân xã Măng Ri đã tận dụng lợi thế mà thiên nhiên ban tặng để phát triển các loại cây dược liệu nhằm nâng cao đời sống gia đình, như cây sâm dây, sâm Ngọc Linh. Đến nay, bà con đã trồng được 37 ha sâm dây, hơn 1 ha sâm Ngọc Linh và liên kết với các công ty trồng hơn 3 ha sâm Ngọc Linh. Chị Y Hinh (thôn Ngọc La, xã Măng Ri) nói: “Tôi thì cũng tham gia trồng sâm, tôi cũng tích cực học hỏi ở chỗ anh Bí thư rồi đoàn viên trong mô hình. Bản thân tôi cũng làm riêng cho mình một mô hình, tuy rằng không lớn nhưng nó cũng mang lại hiệu quả cho tôi và gia đình”.

Chăm sóc vườn sâm dây
Chăm sóc vườn sâm dây

“Tôi ở đây trồng sâm Ngọc Linh theo nhóm hộ. Nhóm hộ bọn tôi là 3 hộ, về việc tổ chức làm, cách làm trước hết là rào lô đất rồi bọn tôi thực hiện lên luống và kiếm giống để trồng. Bảo vệ thì chúng tôi cũng chia nhau. Ví dụ tuần này hộ này trực, tuần sau hộ kia trực để cho an toàn cây sâm. Cái giống chúng tôi cũng vào rừng kiếm. Củ to thì chúng tôi bán, củ nhỏ thì chúng tôi trồng lại để không mất cái nguồn giống sâm dược liệu này”. Anh A Đang (thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri) cho biết.

Phát huy lợi thế  điều kiện tự nhiên và kết quả bước đầu, xã Măng Ri  xác định phát triển cây dược liệu là nội dung đột phá trong năm 2019 và tập trung tuyên truyền vận động, hỗ trợ để nhân dân thực hiện. Xã cũng xác định phát triển cây dược liệu là một trong những giải pháp căn cơ để giúp người dân thoát nghèo, nâng cao đời sống. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri nói: “Trong thời gian tới, chúng tôi triển khai các mô hình, tiếp tục mở rộng mô hình sâm Ngọc Linh tại khu căn cứ Tỉnh ủy và vận động các hộ trên địa bàn xã, mỗi cán bộ, công chức có ít nhất vài sào sâm dây và vận động các hộ trên địa bàn xã cho đến 1 ha sâm dây. Vận động các hộ từng bước vay nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách để phát triển cây sâm Ngọc Linh, phát triển tốt trong thời gian từ nay đến năm 2020”.

Bên cạnh việc phát triển cây dược liệu, xã Măng Ri còn vận động nhân dân chăm sóc tốt gần 200 ha cà phê xứ lạnh và đầu tư mở rộng diện tích để tăng thu nhập; đồng thời xây dựng các mô hình phát triển du lịch cộng đồng để phát huy lợi thế văn hóa của người Xê Đăng. Ông Nguyễn Bá Thành cho biết: “Ngoài khâu đột phá về sản xuất thì chúng tôi đang vận động bà con phát triển du lịch tại cộng đồng thôn cũng như đi tham quan các vườn sâm. Từ đó, vận động bà con trong thời gian tới vừa phát triển sản xuất, vừa phát triển du lịch”,

Xã Măng Ri có 6 thôn, làng, với gần 100%  dân số là người Xê Đăng sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 40%. Địa phương kỳ vọng  thực hiện thắng lợi Chỉ thị số 20 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai các lĩnh vực đột phá trong năm 2019 sẽ là động lực để nhân dân nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất theo định hướng, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo.

 

Ngọc Chí – Huỳnh Đại

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *