(kontumtv.vn) – Nằm ở ngã ba Đông Dương, tỉnh Kon Tum có trên 230 km đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia. Những năm qua, cùng với chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, mặt trận và đoàn thể các cấp trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh bạn Lào và Campuchia trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, nhất là tôn tạo, tăng dày các mốc giới; hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân vùng biên phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Cũng như nhiều xã biên giới trong tỉnh, mỗi tháng một lần, cán bộ các đoàn thể và dân quân xã biên giới Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi lại tham gia tuần tra, bảo vệ biên giới cùng các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông. Đây là hoạt động đã duy trì hơn 10 năm qua, kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 34 của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Quy chế phối hợp giữa đồn biên phòng và chính quyền địa phương về “Tổ chức phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và an ninh, trật tự thôn, bản khu vực biên giới”. Anh Xuyên Thanh Vĩ (thôn Dục Nhầy 3, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi( nói: “Trong quá trình đi tuần tra đường biên cột mốc, tôi thấy có một niềm tự hào, là không riêng gì cán bộ, bộ đội biên phòng bảo vệ đường biên cột mốc, mà toàn dân mình cũng tham gia bảo vệ, vì lợi ích của toàn dân và của quốc gia”.

Mốc giới Việt Nam - Lào
Mốc giới Việt Nam – Lào

Ngoài việc giúp cho cán bộ, nhân dân nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới, qua phong trào đã phát huy được vai trò tích cực của toàn dân trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, kịp thời phát hiện, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực biên giới. Thượng úy Vũ Anh Tuấn, Đồn Biên phòng Dục Nông, huyện Ngọc Hồi cho biết: “Qua hoạt động tuần tra phối hợp với các tổ chức đoàn thể xã và dân quân xã, đã góp phần hướng dẫn cho bà con biết được các vị trí cột mốc và đường biên giới  khu vực do Đồn quản lý. Qua đó nhân dân có thể phối hợp với Đồn quản lý đoạn biên giới và mốc giới một cách tốt nhất”.

Tại xã biên giới Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei, một trong những xã điểm thực hiện  Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 – 2016”, gần 2 năm qua, Đảng ủy, UBND xã, Đồn Biên phòng Đăk Nhoong và các ban, ngành, đoàn thể trong xã đã có nhiều việc làm thiết thực, lồng ghép nhiều hoạt động để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật cho nhân dân, tạo sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức và hành động của người dân. Thướng tá Kiều Ngọc Dư, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei nói: “Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhân dân nhận thức thêm một bước, nhất là về quốc gia, quốc giới và phong trào tự quản đường biên, cột mốc theo Chỉ thị 34 của Bộ Tư lệnh BĐBP. Hiện nay 6/6 thôn đăng ký về an ninh trật tự và có 40 hộ gia đình tham gia tự quản đường biên giới, 26,2 km đường biên giới đã giao cho hộ gia đình quản lý. Trong phong trào tự quản đường biên cột mốc này, hàng năm đều có sơ kết, tổng kết và đánh giá khen thưởng”.

Bên cạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ an ninh biên giới, những năm qua, nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, tôn tạo, tăng dày mốc quốc giới trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campchia, đoạn giáp biên với tỉnh Kon Tum đã đạt nhiều kết quả. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum gồm 29 cột mốc trên 24 vị trí mốc và cột mốc ngã ba biên giới Việt Nam – Lào -Campuchia; tiến hành phân giới được trên 121/138 km tuyến biên giới Việt Nam -Campuchia đoạn qua tỉnh Kon Tum – Ratanakiri; đồng thời hoàn thành việc xây dựng 65 vị trí mốc với 81 cột mốc trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào đoạn qua tỉnh Kon Tum – Attapư và Sê Kông, đảm bảo đúng kế hoạch đề ra. Bà Y Ly Trang, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh KonTum cho biết: “Đến nay, công tác phân giới cắm mốc đã cơ bản hoàn thành, gồm tuyến biên giới giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Attapư và tỉnh Sê Kông của Lào và tuyến biên giới giữa tỉnh Kon Tum với tỉnh Ratarakiri, Campuchia, được Bộ Ngoại giao cũng như Tỉnh ủy, UBND tỉnh đánh giá cao”.

Đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, việc tổ chức kết nghĩa giữa cụm dân cư hai bên biên giới trên địa bàn tỉnh đã được các xã, thôn biên giới thực hiện và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Ngoài việc tăng cường tình đoàn kết, giao lưu văn hóa, giúp nhau trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, mô hình kết nghĩa còn góp phần quan trọng trong công tác gìn giữ an ninh trong khu vực biên giới. Cùng với đó, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác toàn diện với các tỉnh Nam Lào và Rattanakiri của Vương quốc Campuchia, không chỉ góp phần thắt chặt mối quan hệ truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa các tỉnh giáp biên Việt Nam – Lào – Campuchia mà còn góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *