(kontumtv.vn) – Xuất phát từ niềm đam mê và tâm huyết với văn hóa truyền thống, đặc biệt là về nghề dệt truyền thống, nghệ nhân Y Thoai (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) đã có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy nghề dệt truyền thống của đồng bào Ba Na .

Cửa hàng thổ cẩm Tây Nguyên – Y Thoai nằm trên đường Bắc Kạn, thành phố Kon Tum là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Đến thăm cửa hàng, du khách có thể chiêm ngưỡng nhiều sản phẩm thời trang đẹp, mang đậm văn hóa truyền thống của đồng bào Ba Na tỉnh Kon Tum. Nét đặc biệt là từng mặt hàng được trưng bày ở đây đều được nghệ nhân Y Thoai, chủ nhân của cửa hàng trực tiếp thiết kế và tham gia làm ra sản phẩm. Vì vậy, trong từng sản phẩm đều chứa đựng tâm huyết của người thiết kế và đong đầy giá trị văn hóa thổ cẩm của người Ba Na. Nghệ nhân Y Thoai chia sẻ: “Tôi tự mày mò, tìm hiểu làm sao không để mất nét đẹp văn hóa của mình, bao giờ sản phẩm của tôi là nhìn người ta thích”.

Nghệ nhân Y Thoai với sản phẩm thổ cẩm
Nghệ nhân Y Thoai với sản phẩm thổ cẩm

Sinh năm 1976, từ năm 10 tuổi Nghệ nhân Y thoai đã gắn bó với khung dệt thổ cẩm và không ngừng học hỏi, khám phá những nét độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật dệt thổ cẩm. Năm 18 tuổi Y Thoai đã là nghệ nhân nổi tiếng về khéo tay, dệt giỏi của cộng đồng Ba Na trên địa bàn thành phố Kon Tum. Từ đó đến nay Y Thoai vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu về nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum nói chung và của người Ba Na nói riêng. Chính từ niềm đam mê và tinh thần nhiệt huyết với nghề dệt thổ cẩm, Nghệ nhân Y Thoai đã được nhiều làng, nhiều địa phương mời làm giáo viên truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Chị đã tiếp sức cho nghề dệt truyền thống sống lại trong nhiều làng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum. Cũng từ đó, căn nhà của Y Thoai trở thành điểm đến để của nhiều chị em dân tộc thiểu số để học hỏi, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm. Với sự chỉ bảo tận tình của nghệ nhân Y Thoai, hàng trăm học viên có thể dệt thành thạo những tấm thổ cẩm với nhiều hoa văn đẹp mang đậm nét đặc sắc của dân tộc mình. Nghệ nhân Y Mlưnh (làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum: nói: “Tôi tới đây để học thêm chỗ chị Thoai, chị Thoai rất giỏi, làm hoa văn rất đẹp. Tôi muốn học thêm để hiểu biết nhiều hơn về dệt thổ cẩm của người Ba Na mình”.

Không chỉ truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho lớp trẻ, nghệ nhân Y Thoai còn tự hào khi có khá nhiều học viên đến học nghề dệt là du khách nước ngoài. Đó là những du khách muốn trải nghiệm, là những sinh viên muốn tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Làm thế nào để truyền dạy cho các học viên hiểu trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng là không dễ. Y Thoai nói: “Nước ngoài họ đến đây họ nghiên cứu về văn hóa của mình họ rất là thích, họ muốn thử, muốn trải nghiệm về cái dệt của mình. Ngôn ngữ tiếng Anh hạn chế, cứ chỉ cho họ múa chân, múa tay như vậy. Qua cảm xúc hai người cùng tìm hiểu, thẩm thấu về văn hóa của mình chúng tôi cũng làm hiệu quả rất tốt”.

Với tình yêu dành cho dệt thổ cẩm truyền thống, Nghệ nhân Y Thoai luôn trăn trở để nghề dệt luôn được gìn giữ trong cộng đồng, luôn mong muốn những nghệ nhân dệt  thổ cẩm truyền thống có thể sống được bằng nghề của mình. Đây là động lực để Y Thoai nghiên cứu, tự học thêm nghề may thời trang để có thể tự mình sáng tạo ra các sản phẩm mang dấu ấn của thổ cẩm. Những chiếc váy thổ cẩm thô sơ trước kia được chị cách điệu mềm mại hơn để giúp người mặc tự tin tôn lên vẻ quyến rũ; những hoa văn, họa tiết của thổ cẩm được chị kết hợp khéo léo, hài hòa vào những chiếc đầm, váy dạ hội giúp người sử dụng tiện lợi hơn. Bên cạnh đó, những sản phẩm như túi xách, ba lô và nhiều vật dụng phục vụ du lịch, thời trang cũng được hình thành tại cơ sở thổ cẩm Tây nguyên – Y Thoai. Đây cũng là cơ hội để Y Thoai tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động và tạo thu nhập cho hơn 30 nghệ nhân dệt thổ cẩm của làng Kon Klor.

Sự tâm huyết của nghệ nhân Y Thoai đã góp phần quan trọng vào việc gìn giữ, phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống, giúp bà con tăng thu nhập và góp phần phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Ba Na trong đời sống xã hội.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *