(kontumtv.vn) – Việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tấn công quân sự tại Idlib có thể làm gia tăng nguy cơ chiến tranh giữa nước này với chính quyền của Tổng thống Assad.

Thổ Nhĩ Kỳ đang đi giữa ranh giới mỏng manh giữa ngăn chặn đà tiến của chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad và tránh sự đối đầu với Nga.

3 ly do khien tho nhi ky that bai neu gay chien voi syria tai idlib hinh 1
Quân đội trung thành với Tổng thống Assad đang đánh mạnh vào hai chiến trường Idlib và Aleppo. Ảnh: AP.

Nguy cơ giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Các phái đoàn đàm phán của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã liên tục có mặt tại Moscow và Ankara trong hai tuần qua để cứu vãn thỏa thuận Sochi – một thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng tại Idlib, Tây Bắc Syria. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hành động để giải giáp và loại bỏ nhóm phiến quân Hay’at Tahrir al-Sham (HTS) do cựu thủ lĩnh al-Qaeda tại Syria dẫn đầu khỏi khu vực phi quân sự ở Idlib. Hai bên cũng nhất trí mở lại các đường cao tốc chiến lược M4 và M5, kết nối thủ đô Damascus với các thành phố lớn Latakia và Aleppo, tạo điều kiện cho giao thương và di chuyển. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn không mang lại bước đột phá nào.

Bên cạnh đó, những diễn biến trên thực địa đã khiến căng thẳng leo thang sau các đợt tấn công khiến 13 binh sỹ của Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong 10 ngày qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 19/2 cảnh báo một cuộc tấn công quân sự mới của nước này nhằm vào tỉnh Idlib, tây bắc Syria đã được lên kế hoạch và có thể bắt đầu bất cứ lúc nào. Tuyên bố này làm gia tăng nguy cơ giao tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ với chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Dù cảnh báo cứng rắn, nhưng hơn ai hết ông Erdogan hiểu rõ rằng sử sụng vũ lực tại Syria sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Trước hết nếu chiến tranh với Syria xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là bên đầu tiên gánh chịu thiệt hại. “Trên thực tế, các căn cứ của quân đội của Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib nằm ở những vị trí dễ bị tổn thương đến nỗi ngay cả quân đội của Tổng thống Assad- vốn đang bị kiệt sức sau nhiều năm chiến tranh, cũng có thể giáng đòn chí mạng vào họ”, trang tin Vzglyad của Nga cho biết. “Nếu Thổ Nhĩ Kỳ thực sự bắt đầu hành động quân sự có hệ thống chống lại Syria thì họ nên nhớ rằng, nằm sâu trong lãnh thổ Syria, nơi quân đội chính phủ đồn trú, có rất nhiều trạm kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ và hiện những trạm kiểm soát này đang bị hàng trăm binh sỹ bao vây. Nếu các binh sỹ Syria bị tấn công, tất yếu binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành con tin”, tờ báo này nhấn mạnh.

Dễ rơi vào thế đối đầu với Nga

Thứ 2, một cuộc xung đột với Syria có thể đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu trực tiếp với Nga. Kể từ khi xung đột Syria bùng phát vào năm 2011, Nga là bên ủng hộ lâu dài nhất đối với chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad. Còn Thổ Nhĩ Kỳ, không những là đồng minh của Mỹ mà còn duy trì sự hỗ trợ đối với các nhóm đối lập ở Syria. Bất chấp sự khác biệt về quan điểm đối với cuộc xung đột tại Syria, hai bên vẫn tạo dựng được mối quan hệ gắn kết đặc biệt. Điều này có được là bởi Moscow và Ankara có lợi ích chung trên nhiều cấp độ, trước hết phải nói đến là các thương vụ mua bán vũ khí. Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng không S-400, đồng thời đang tìm cách mua thêm các công nghệ phòng không khác và hệ thống S-500. Về kinh tế, cả hai bên đều có các hiệp định thương mại lớn, trong đó có thỏa thuận về đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen.

Yếu tố kinh tế, an ninh và sự thay đổi chính sách ngoại giao được cho là nguyên nhân hai bên cần có nhau. Tuy vậy, quan hệ đối tác mới được thiết lập giữa Nga – Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn mong manh và đang trong quá trình thay đổi.  Nó cũng không thể dùng để đánh cược với những lợi ích của Nga tại Syria. Hơn nữa, quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang xuất hiện những rạn nứt sau các vụ tấn công khiến binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng tại Idlib. Cả hai bên liên tục đưa ra những cáo buộc và nghi hoặc lẫn nhau.

Vì vậy nếu chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria xảy ra, tất yếu Nga sẽ đứng ra bảo vệ chính phủ Syria. Sau hơn 4 năm đổ binh lực và vật lực giúp chính phủ Syria xây dựng lại quân đội, Nga chắc chắn sẽ không cho phép Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại nghiêm trọng cho Syria mà không có sự đáp trả.

Nhà phân tích Gokhan Bacik của tờ Ahval cho rằng, theo quan điểm của Nga, tương lai của Syria phải gắn liền với sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Assad. Do vậy giải pháp duy nhất cho cuộc khủng hoảng Syria là hỗ trợ chính phủ nước này giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước. Nhờ sự yểm trợ của Moscow, quân đội Syria đã liên tục giành thắng lợi trên nhiều mặt trận. Xét đến những diễn biến trên thực địa kể từ tháng 12/2019 đến nay, có thể thấy rằng, Nga sẵn sàng hỗ trợ cho quân đội Syria thực hiện các cuộc các cuộc tấn công mà không cần phân biệt nhóm nào do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và nhóm nào không, ông Gokhan Bacik nhận định.

Khó mong chờ sự hỗ trợ của Mỹ

Không mong chờ sự hỗ trợ của Nga, vậy Thổ Nhĩ Kỳ có thể tìm đến sự giúp đỡ của Mỹ? Dư luận đã rất quan tâm sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cam kết “luôn đứng bên Thổ Nhĩ Kỳ – đồng minh NATO của chúng tôi” trong vấn đề Idlib. Một số quan chức trong chính quyền Mỹ chẳng hạn như Đặc phái viên Mỹ về Syria James Jeffrey đã coi cuộc khủng hoảng tại Idlib là cơ hội hiếm hoi để tạo bức tường ngăn cánh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, kéo Ankara trở lại với Mỹ và phương tây. Ông James Jeffrey đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, nói về khả năng tăng cường hỗ trợ cho quốc gia này. Theo giới phân tích, sự giúp đỡ duy nhất mà Ankara cần ở Washington trong giai đoạn hiện nay là tạo ra cho nước này một lợi thế trong các cuộc đàm phán với phía Nga. Thổ Nhĩ Kỳ muốn Mỹ hỗ trợ để kiểm soát tuyến đường cao tốc chiến lược M4 nối Latakia và Aleppo cùng với một địa điểm chiến lược khác tại đông bắc Syria, những nơi mà các lực lượng của chính phủ Syria được cho là sẽ tiếp cận trong vài ngày tới.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thể gạt bỏ những sự rạn nứt với Washington suốt thời gian qua. Ankara chưa bao giờ cảm thấy thoải mái trước mối quan hệ giữa Mỹ với Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd dẫn đầu, cũng như những ý kiến trái chiều trong chính quyền Tổng thống Trump sau vụ binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ bị tấn công tại đông bắc Syria. Mối lo lắng của Thổ Nhĩ Kỳ chính là sự phản đối từ những nhân vật bên trong Nhà Trắng ủng hộ chính sách “nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump. Một ngày sau tuyên bố của ông Pompeo, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien khi đượpc hỏi về cuộc xung đột tại Idlib đã nói răng: “Chúng ta phải làm gì để ngăn chặn điều đó? Chúng ta phải nhảy dù như một cảnh sát toàn cầu, giơ biển báo và nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran, Syria hãy dừng lại?”.

Tổng thống Erdogan, người từng làm mất lòng các chính phủ phương Tây, cũng như các đồng minh trong khối NATO hiện giờ đang phải vào một tình huống chính trị hỗn độn: các nhóm phiến quân do nước này hậu thuẫn đang bị đánh bại, phần lớn người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối việc phải đón nhận thêm người tị nạn Syria.

“Những gì được coi là hành động cân bằng giữa Nga và phương Tây giờ đây đang giống như một nhà tù cho Thổ Nhĩ Kỳ. Cho dù động lực ban đầu là gì thì ông Erdogan và các đồng minh đang khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương và dễ bị cô lập, nếu chống lại Nga và chính phủ Syria ở Idlib”, cây bút Asli Aydintasbas của tờ Washington nhận định. Như vậy có thể thấy rằng, nếu quyết tâm gây chiến với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ rất dễ ra về “tay trắng”./.

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *