(kontumtv.vn) – Sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2, phía Triều Tiên lại chỉ trích Mỹ. Tuy nhiên vẫn có hướng phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán hạt nhân Triều Tiên.

Sau khi hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 không đạt được thỏa thuận chung nào, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui vào ngày 15/3 đã có những nhận xét chỉ trích giới chức Mỹ về trách nhiệm trong việc khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh đó có kết cục như vậy. Cụ thể, bà Choe tố Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là đã cố tình phá hoại cuộc đàm phán này. Thứ trưởng Choe đặt câu hỏi vì sao các nhà thương lượng Mỹ lại bỏ lỡ một cơ hội tốt đến như vậy. Bà này cũng cho biết, lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un có thể xem xét ngừng luôn cả đàm phán hạt nhân với Mỹ.

be tac hat nhan tren ban dao trieu tien da co giai phap dot pha? hinh 1
Tên lửa chiến lược của Triều Tiên được diễu qua đường phố thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Trước tình hình này, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump có phần bối rối. Hiện Tổng thống Trump có 3 sự lựa chọn để đi tiếp trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Phương án 1 là tiếp tục mô hình của cố vấn John Bolton, trong đó Washington tiếp tục yêu cầu Triều Tiên giải giáp hạt nhân ngay lập tức, đầy đủ và hoàn toàn để đổi lại việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế và việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Phương án 2 Mỹ có thể áp dụng là duy trì nguyên trạng, tuy nhiên Mỹ sẽ áp đặt thêm lệnh trừng phạt lên Triều Tiên với hy vọng các biện pháp hạn chế tài chính và các hạn ngạch về dầu mỏ sẽ ép nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quay trở lại bàn đàm phán trên thế yếu.

Tuy nhiên Thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà Nội cho thấy, phương án 1 không dẫn tới đâu cả. Giải pháp này không chỉ loại bỏ việc khơi thông ngoại giao mà còn dễ dẫn tới tình trạng đối đầu mà cả Mỹ lẫn Triều Tiên đều không mong muốn.

Phương án 2 cũng bế tắc nốt. Vì theo phân tích của các chuyên gia Mỹ, chính quyền ông Kim là bậc thầy trong việc né tránh lệnh trừng phạt. Các giám sát viên của Liên Hợp Quốc đã ghi nhận cơ chế trừng phạt trước đó nhằm vào Triều Tiên là không hiệu quả. Hiện cũng không có bằng chứng nào cho thấy các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tương lai sẽ gây thêm tác động lên nguồn tài chính của chế độ ông Kim nhiều hơn so với các nghị quyết trước đây. Nếu Bình Nhưỡng tìm được kẽ hở trong 3 nghị quyết Hội đồng Bảo an mạnh nhất được thực thi từ năm 2017 thì họ cũng sẽ tìm được kẽ hở trong nghị quyết thứ 4.

Vậy phương án thứ 3, có tính khả thi, là gì?

Trong một phần tư thế kỷ qua, chính sách của Mỹ tập trung vào phi hạt nhân hóa vì hòa bình. Theo chính sách này, chính quyền họ Kim chỉ có thể có quan hệ hòa bình với Mỹ và trở thành một động lực mạnh của kinh tế Đông Á nếu như họ từ bỏ toàn bộ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, bao gồm cả vũ khí hóa học và sinh học.

Các đời tổng thống Mỹ kế tiếp đã cố gắng đi theo hướng này kể từ khi vấn đề hạt nhân Triều Tiên trở thành mối quan tâm an ninh quốc gia hàng đầu của Mỹ. Sự khác biệt duy nhất giữa chính quyền Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush và Tổng thống Obama là chiến thuật đàm phán mà họ dùng để thuyết phục Triều Tiên phi hạt nhân hóa.

Có một số lý do vì sao phương thức tiếp cận trên không tạo ra kết quả dài lâu. Nhưng trên hết cả, yếu tố chính cản trở tiến trình phi hạt nhân hóa là việc chính quyền ông Kim không sẵn lòng tự tước bỏ tầm màn an ninh của bản thân. Mặc dù ông Kim Jong-un thực sự mong muốn đất nước mình thịnh vượng hơn, ông cũng không muốn giao nộp vũ khí răn đe hạt nhân để đạt được duy nhất điều đó.

Nhìn từ góc độ của ông Kim thì chẳng có gì khó hiểu về sự không sẵn sàng đó. Triều Tiên bị bao vây mọi phía, bị kẹt giữa các nước mạnh hơn và giàu hơn (đa phần là đối phương của họ). Đặc biệt, họ đối mặt với sự hiện diện quân sự đáng sợ của Mỹ ở Đông Bắc Á. Trong bối cảnh đó, đối với Triều Tiên, từ bỏ kho vũ khí hạt nhân là một ý tưởng ngốc nghếch. Số phận lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi chắc chắn in đậm trong tâm trí lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Thay vì cố gắng phi hạt nhân hóa Triều Tiên trước khi có hòa bình, chính quyền Tổng thống Mỹ Trump có thể làm điều ngược lại.

Việc chính quyền Kim Jong-un vẫn có năng lực vũ khí hạt nhân trong tương lai gần không có nghĩa là Mỹ và các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản nên có mối quan hệ thù địch liên tục với Triều Tiên. Nếu Mỹ có thể giao tiếp thân thiện với các quốc gia hạt nhân là Liên Xô, Trung Quốc và Pakistan thì Washington cũng có thể làm vậy với một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tất nhiên điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ nhất định phải chấp nhận hiện trạng Bình Nhưỡng có vũ khí hạt nhân và thực hiện những điều mà Mỹ cho là bất lợi cho họ.

Cách tiếp cận mới này đòi hỏi Washington phải sẵn sàng chấm dứt việc ngày nào cũng chăm chăm vào giải giáp hạt nhân Triều Tiên ở tầm ngắn hạn và trung hạn bằng bất cứ giá nào, bao gồm cả việc hy sinh tiến trình hòa giải liên Triều. Nếu việc hòa giải Triều Tiên-Hàn Quốc đem lại kết quả tốt thì điều đó có thể làm giảm đáng kể tình trạng thù địch trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Trump có thể quyết định “rời đi” (tại thượng đỉnh Mỹ-Triều 2) và quay trở lại áp dụng các lệnh trừng phạt và đe dọa quân sự, hy vọng công thức này sẽ có tác dụng trong tương lai. Nhưng ông Trump cũng có thể mạnh dạn hơn, giúp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc kiến tạo hòa bình, tìm kiếm khả năng trao đổi liên lạc viên với Triều Tiên.

Hiện nay nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể chưa sẵn lòng phi hạt nhân hóa nhưng các tính toán của ông có thể thay đổi sau nhiều năm, khi đã có sự tin tưởng lẫn nhau và quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đem lại nhiều kết quả hơn.

Mỹ là quốc gia mạnh hơn, giỏi xoay sở hơn nên Mỹ có thể chờ đợi đến khi có một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Điều mà Mỹ không nên đợi chờ, đó là việc chấm dứt hàng chục thập kỷ thù địch giữa 2 quốc gia này./.

Trung Hiếu/VOV.VN
Lược dịch từ DePetris/National Interest

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *