(kontumtv.vn) – Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 629/794 ca mắc COVID-19 và 10.777 ca tử vong, đưa tổng số ca bệnh lên trên 57,8 triệu, trong đó có trên 1.376.000 triệu bệnh nhân không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kiev, Ukraine, ngày 31/10/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 21/11 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 57.865.432 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.376.499 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 40.047.712 người, 16.417.058 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 102.027 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (166.217 ca), Ấn Độ (46.117 ca) và Italy (37.242 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.614 ca), tiếp theo là Italy  (699 ca) và Pháp (634 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 260.138 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm là 12.254.092 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 132.761 ca tử vong trong số 9.050.442 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 168.613 ca tử vong trong số 6.020.164 bệnh nhân.

Xét trên tỷ lệ dân số, Bỉ là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 124 người không qua khỏi. Tiếp đến là Peru (với tỷ lệ 107 người), Tây Ban Nha – 88 người và Brazil – 79 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Nicosia, Cyprus, ngày 19/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Mỹ: FDA công bố lịch trình họp xem xét vaccine COVID

Cơ quan Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA) ngày 20/11 (theo giờ địa phương) đã lên kế hoạch cuộc họp của uỷ ban cố vấn nhằm thảo luận đơn xin cấp phép uỷ quyền khẩn cấp vaccine ngừa COVID do tập đoàn Pfizer và BioNTech đệ trình. Theo đó, uỷ ban này sẽ nhóm họp vào ngày 10/12.

Trước đó cùng ngày 20/11, các công ty trên đã nộp đơn xin cấp phép uỷ quyền  khẩn cấp cho loại ứng cử viên vaccine được họ công bố là đạt hiệu quả 95%.

Đây là loại vaccine COVID đầu tiên tìm kiếm sự chấp thuận của FDA Mỹ. Pfizer và đối tác từ Đức, BioNTech cho biết một tuyên bố hôm 20/11 rằng ứng cử viên vaccine của họ, được gọi là BNT162b2, sẽ có khả năng được sử dụng cho các nhóm dân số có nguy cơ cao ở Mỹ vào giữa đến cuối tháng 12. Việc đệ trình lên FDA dựa trên kết quả từ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vaccine Pfizer, bắt đầu tại Mỹ từ ngày 27/7 và thu hút hơn 43.000 tình nguyện viên tham gia. Phân tích cuối cùng từ cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine này có hiệu quả 95% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh, ngay cả ở người lớn tuổi và không gây ra lo ngại nghiêm trọng về an toàn.

Trong một diễn biến khác, Bộ An ninh Nội địa Mỹ ngày 20/11 đã gia hạn các hạn chế đi lại trên biên giới phía bắc và nam đất nước đến ngày 21/12 trước tình hình dịch bệnh diễn biến tiêu cực hiện tại.  Bộ này đã gia hạn các hạn chế đi lại trên các đường biên giới của Mỹ hàng tháng kể từ khi bắt đầu áp đặt vào cuối tháng 3 do dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/11/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Châu Âu: Tốc độ lây nhiễm giảm bớt nhờ phong toả, giới nghiêm

Châu Âu vẫn là tâm dịch của thế giới trong tuần với 264.100 ca mắc mới. Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm tại châu Âu giảm 7% nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm. Tính đến ngày 20/11, tổng số ca mắc tại châu Âu đã vượt mức 15 triệu ca.

Theo thống kê của hãng Reuters (Anh), đến nay châu Âu ghi nhận ít nhất 15.046.656 ca mắc và 344.401 ca tử vong. Trước đó, châu Âu đã ghi nhận 5 triệu ca mắc đầu tiên sau gần 9 tháng và thêm 10 triệu ca mắc chỉ trong chưa đầy 2 tháng sau. Với dân số chỉ chiếm 10% dân số thế giới, châu Âu hiện chiếm 26% trong tổng cộng 56,9 triệu ca mắc và 25% trong 1,3 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Hiện cứ 100 ca mắc được xác nhận trên thế giới có 39 ca từ các nước châu Âu.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Muret, Pháp ngày 17/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Pháp qua đỉnh dịch thứ hai

Pháp đã vượt Nga trở thành nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh trong khu vực và chỉ xếp sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil tính trên thế giới. Pháp và Nga hiện chiếm khoảng 27% tổng số ca mắc tại châu Âu.

Cùng ngày, Cơ quan Y tế công cộng Pháp cho biết nước này có thể đã vượt qua được đỉnh dịch của đợt lây nhiễm thứ hai tại đây, song cảnh báo chính phủ và người dân nên duy trì các biện pháp phòng dịch.  Theo cơ quan trên, nhờ các biện pháp phong tỏa và giới nghiêm, số ca mắc mới đã giảm 40%, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện giảm 13% và số ca mới cần điều trị tích cực giảm 9% trong tuần qua. Số ca tử vong do COVID-19 đã ổn định sau vài tuần gia tăng, với 3.756 ca so với 3.817 ca một tuần trước. Dù những chỉ số này vẫn ở mức cao, song cơ quan trên cho rằng Pháp đã qua được đỉnh dịch thứ hai.

Nga: Kỷ lục ca nhiễm mới/ngày

Nga đã ghi nhận thêm 24.318 ca nhiễm mới ngày 20/11, trong đó có 6.902 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 2.039.926 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày tại Nga. Cũng trong 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận thêm 461 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 35.311 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển người nghi nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, ngoại ô Moskva, Nga ngày 16/11/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ba Lan: Ổ dịch trong trang trại nuôi chồn

Trong khi đó, các cơ quan thú y và vệ sinh dịch tễ Ba Lan cho biết đã phát hiện 18 ca mắc COVID-19 trong số những lao động làm việc tại trang trại nuôi chồn, song cho rằng các lao động này không bị lây bệnh từ chồn.

Từ đầu tháng 11 này, các cơ quan vệ sinh dịch tễ cho biết đã chỉ thị tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 ở chồn và người tại 18 trang trại nuôi chồn ở một số khu vực hành chính của Ba Lan. Quyết định này được đưa ra sau khi một biến thể virus được phát hiện tại trại nuôi chồn ở Đan Mạch buộc nước này phải tiêu hủy toàn bộ số chồn nuôi trên cả nước. Trong khi chưa có kết quả xét nghiệm virus ở loài động vật này, nhiều cơ quan chức năng cho rằng các ca mắc COVID-19 được xác nhận ở những người có liên quan đến các trang trại nuôi chồn.

Ba Lan là một trong những nước sản xuất lông chồn hàng đầu thế giới, với 354 trang trại và khoảng 6 triệu con chồn.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ukraine thông báo đã có thêm 14.575 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này lên 598.085 người, trong đó có 10.598 ca tử vong do COVID-19. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này.

Chú thích ảnh
 Người lao động đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Ahmedabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Châu Á: Ấn Độ vượt 9 triệu ca bệnh

Trong khi đó, số ca mắc mới tại châu Á đã giảm 8%. Tâm dịch tại châu Á – Ấn Độ ghi nhận số ca mắc vượt 9 triệu, sau khi công bố thêm 45.882 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Như vậy, Ấn Độ là quốc gia thứ hai trên thế giới có số ca mắc COVID-19 vượt 9 triệu, sau Mỹ. Tuy nhiên, giới chức y tế lưu ý số ca mắc mới ở nước này đã có chiều hướng giảm sau khi lên mức đỉnh hồi tháng 9 vừa qua. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, số ca tử vong ở nước này đã tăng thêm 584 người, nâng tổng số ca tử vong lên 132.162 người.

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh trong những tuần gần đây. Các nhân viên y tế lo ngại hệ thống y tế Nhật Bản có thể sớm rơi vào tình trạng quá tải, khi việc thiếu hụt giường bệnh trở nên thường xuyên hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Nhật Bản hiện có tổng cộng 122.966 ca nhiễm và 1.922 ca tử vong, chưa kể số ca trên du thuyền Diamond Princess.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/11/2020. Ảnh: Kyodo/ TTXVN

Hàn Quốc phát hiện ổ dịch tại trường luyện thi ở Seoul

Ngày 20/11/2020, Văn phòng quận Dongjak ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc cho biết, tính đến 14h (giờ địa phương), ít nhất 32 người có liên quan đến trường luyện thi tại Noryangjin, Tây Nam thủ đô Seoul, đã có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Trong số ca nhiễm có cả sinh viên và nhân viên trường. Chính quyền đã yêu cầu 214 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân tự cách ly. Nhiều khả năng số ca nhiễm sẽ còn tăng do công tác xét nghiệm vẫn đang được tiến hành.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 20/11/2020. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Singapore đề phòng người nhập cảnh từ Malaysia

Theo tờ Straits Times, kể từ 23h59 ngày 22/11, mọi hành khách nhập cảnh vào Singapore, có lịch sử đi lại trong 14 ngày qua tới Malaysia đều phải cách ly 14 ngày trong các cơ sở chuyên dụng. Quy định này cũng áp dụng với những người vào Singapore để làm việc theo Thoả thuận Đi lại định kỳ.

Singapore cũng áp đặt quy định trên với những khách du lịch tới đảo quốc sư tử theo Làn đường Xanh đối ứng Singapore-Nhật Bản. Trước đây, du khách đến từ Nhật Bản được phép chọn không cách ly 14 ngày tại một cơ sở chuyên dụng và chấp hành tại nơi họ cư trú nếu đảm bảo quy định. Những du khách đến từ Malaysia, ngoại trừ tỉnh “điểm nóng” Sabah, trước đây cũng được phép phục vụ cách ly 7 ngày tại nơi cư trú, trong khi du khách có lịch sử đi lại đến Sabah phải cách ly 14 ngày tại các cơ sở chuyên dụng.

Bộ Y tế Singapore ngày 20/11 cho biết việc thắt chặt các biện pháp biên giới là do sự gia tăng các ca bệnh ở Malaysia và Nhật Bản. Ngoài ra, những du khách không phải là công dân hoặc thường trú nhân Singapore và có lịch sử đi lại gần đây đến Malaysia trong vòng 14 ngày trước khi nhập cảnh sẽ phải thực hiện bài kiểm tra phản ứng chuỗi polymerase COVID-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành. Du khách sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính hợp lệ như một điều kiện để được chấp thuận nhập cảnh vào Singapore.

Philippines và Indonesia hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế 

Ngân hàng trung ương Philippines, ngày 19/11 đã quyết định hạ lãi suất theo hợp đồng mua lại đảo ngược qua đêm 25 điểm cơ bản, xuống 2%, lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay xuống các mức tương ứng 1,5% và 2,5%. Quyết định này sẽ được thực hiện từ ngày 20/11.

Lần gần đây nhất BSP điều chỉnh lãi suất là vào tháng 6/2020, với quyết định hạ 50 điểm cơ bản, khi có những lo ngại rằng nền kinh tế sẽ giảm kỷ lục do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chú thích ảnh
Người lao động Philippines ở nước ngoài trở về nước. Ảnh: Phil Star

Cùng ngày, Ngân hàng trung ương Indonesia – BI đã hạ lãi suất sau khi đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này lần đầu tiên rơi vào suy thoái trong hơn 20 năm. Cụ thể, BI đã giảm lãi suất cho vay 25 điểm cơ bản xuống 3,75%. Đây là lần hạ lãi suất thứ năm của BI kể từ đầu năm 2020 đến nay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Indonesia thông báo nền kinh tế tăng trưởng âm quý thứ hai liên tiếp, lần đầu rơi vào suy thoái kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1998-1999.

Tình hình dịch bệnh tại đất nước vạn đảo vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống khi nước này ghi nhận 4.792 ca nhiễm mới trong ngày 20/11, nâng tổng số ca bệnh lên 488.310 trường hợp và 15.678 ca tử vong. Đến nay Indonesia cũng đã điều trị bình phục cho 410.552 bệnh nhân.

Chú thích ảnh
Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 15/1. Ảnh: AFP 

Malaysia chưa giảm nhiệt

Ngày 20/11, Malaysia ghi nhận 958 ca bệnh mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 52.638 trường hợp, trong đó  có 329 ca tử vong và 39.088 người đã bình phục.

Trước đó Quốc vương Malaysia, Abdullah Ahmad Shah đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bang “điểm nóng” Sabah, để hoãn một cuộc bầu cử phụ diễn ra vào ngày 5/12 và ngăn chặn làn sóng thứ tư của đại dịch. Một ngày mới sẽ được ấn định cho cuộc bầu cử phụ này.

Quốc vương Abdullah Ahmad Shah cho rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp là phù hợp để trì hoãn cuộc bầu cử bổ sung ở Batu Sapi, vì nếu không sẽ chứng kiến ​​hơn 3.000 người đi từ bán đảo Malaysia và Sarawak đến bỏ phiếu ở Sabah. Quốc vương Abdullah cũng lưu ý rằng cuộc bầu cử toàn tiểu bang ở Sabah vào ngày 26/9 đã gây ra sự gia tăng đột biến ca lây nhiễm lên ba con số, sau khi giảm xuống một con số trước đó.

Hôm 25/10, Quốc vương đã bác bỏ đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, nhằm đối phó với đại dịch.

Chú thích ảnh
Malaysia tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm ngăn làn sóng dịch thứ tư. Ảnh: Bernama 

Tiến triển trong điều chế vaccine COVID-19

Nỗ lực điều chế vaccine phòng COVID-19 đạt một số tiến triển mới. Trong ngày 20/11, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sẽ nộp hồ sơ lên Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA), Mỹ xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng này phối hợp phát triển và đang trong giai đoạn cuối thử nghiệm. Hiện vaccine ngừa COVID-19 của BioNTech/Pfizer và hãng dược phẩm Mỹ Moderna đang dẫn đầu trong cuộc đua vaccine trên toàn cầu, sau khi các dữ liệu thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này cho thấy các loại vaccine này có hiệu quá ngừa COVID-19 tới 95%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Porto Alegre, miền nam Brazil, ngày 8/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, Liên minh châu Âu (EU) có thể cấp phép lưu hành 2 loại vaccine ngừa COVID-19 kể trên trước cuối tháng 12 tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen cho biết Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ chịu trách nhiệm thẩm định kết quả thử nghiệm 2 loại vaccine trên trước khi đưa ra khuyến nghị EC về việc cấp phép lưu hành.

Thu Hằng/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *