(kontumtv.vn) – Một lần nữa quân đội Thái Lan lại bước lên vũ đại chính trị.

Cuộc đảo chính lần thứ 19 đã diễn ra tại Thái Lan vào 16h 30 ngày 22/5. Cuộc đảo chính này một lần nữa cho thấy, quân đội là một lực lượng không thể tách rời khỏi bàn cờ chính trị tại Thái Lan, cho dù Thái Lan đã có những bước tiến rất nhanh và xa về một nền dân chủ. Dù thế nào, Thái Lan vẫn đang là một nước có thể chế Quân chủ lập hiến.

Đảo chính được đưa ra trong phòng họp lớn

Chiều 22/5, trong một cuộc họp với thành phần là nhiều tướng lĩnh làm trung gian cho 7 bên chính trong cuộc khủng hoảng mà thực sự đã kéo dài cả năm qua tại Thái Lan ngồi lại thương thuyết. Bảy bên tham dự gồm có đại diện chính phủ, Thượng viện, Ủy ban bầu cử, đảng cầm quyền Vì nước Thái, đảng đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống chính phủ và lực lượng biểu tình ủng hộ chính phủ. Đây là cuộc gặp 7 bên lần thứ 2 được tổ chức sau khi cuộc gặp ngày 21/5 không có kết quả nhưng các cuộc gặp này lại là kết quả có được sau khi quân đội Thái Lan tuyên bố áp dụng thiết quân luật trên toàn lãnh thổ Thái Lan hôm 20/5 với nguyên nhân được đưa ra nhằm vãn hồi trật tự trị an khi mà gần 7 tháng qua, với hơn 200 ngày đêm nổ ra các cuộc biểu tình không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm xen lẫn hơn 50 vụ xung đột, đánh bom, xả súng bừa bãi… làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương tại thủ đô Bangkok. Lực lượng biểu tình ủng hộ và lực lượng biểu tình chống chính phủ đang đối đầu ở mức căng như dây đàn.

Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha, Chủ tịch NPOMC
Tuy nhiên sau tuyên bố của đại diện chính phủ nhất quyết không từ chức và khẳng định tiếp tục đi theo mục tiêu hướng tới một cuộc tổng tuyển cử, sau khi thấy rằng đã cho các bên cơ hội thỏa hiệp nhưng không được, một quyết định quan trọng đã được đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân đưa ra: Đảo chính quân sự lần thứ 19 tại Thái Lan.

Củng cố quyền lực sức mạnh thông qua 19 bản tuyên bố trong đêm

Sau khi tuyên bố đảo chính quân sự, lực lượng làm đảo chính đã thành lập một cơ quan quyền lực cao nhất để điều hành cuộc đảo chính với tên gọi Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia (NPOMC) gồm 6 nhân vật do đại tướng Prayuth Chan-ocha, Tư lệnh lục quân Thái Lan là Chủ tịch. Có 4 phó Chủ tịch là Tư lệnh Quân đội, Tư lệnh Hải quân, Tư lệnh Không quân và Cảnh sát Trưởng quốc gia; Phó Tư lệnh lục quân Udomdeat làm Tổng thư ký. Những thông tin đáng tin cậy cho thấy, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia đã tạm giữ đại diện của Chính phủ, đảng cầm quyền Vì nước Thái, đảng đối lập chính Dân chủ, lực lượng biểu tình chống và ủng hộ chính phủ.

Để nhanh chóng thâu tóm quyền lực, Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia đã lần lượt ra các bản tuyên bố quy định từ chiều cho đến rạng sáng nay. Trong đó đáng chú ý là bản tuyên bố số 2 và số 1, số 2 yêu cầu các thành viên trong chính phủ tạm quyền bị lật đổ phải ra trình diện vào hôm nay, ngoài ra cựu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra, một số nhân vật làm chính trị trong dòng họ Shinawatra của ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yingluck Shinnawatra cũng nằm trong danh sách này. Bản tuyên bố số 11, hủy bỏ hiến pháp Thái Lan nhưng giữ lại Chương 2 liên quan đến Hoàng gia. Bản tuyên bố này xóa bỏ nội các tạm quyền nhưng cho phép Thượng viện, tòa án và các tổ chức độc lập tiếp tục hoạt động. Bản tuyên bố số 10 trao quyền Thủ tướng và nội các cho Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia mà ở đây cụ thể là Đại tướng Prayut Chan-ocha Tư lệnh lục quân, người đứng đầu cuộc đảo chính. Bản tuyên bố số 16 trao quyền cho các Bí thư thường trực Bộ làm nhiệm vụ như các Thứ/Bộ trưởng, một số bản thông báo khác lệnh cho các tỉnh trưởng và những viên chức cấp cao trong toàn quốc đến trình diện tại 4 khu vực phân cấp theo miền của Thái Lan. Như vậy là 19 bản thông báo đã lần lượt được công bố từ chiều qua (22/5) cho đến rạng sáng nay theo giờ Thái Lan và cũng trùng với giờ Việt Nam, đã định hình một cơ chế cầm quyền cũng như những việc quan trọng mà các bên phải thực hiện theo lệnh của Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia. Một vấn đề không thể kể đến là tất cả các kênh truyền hình và phát thanh công cộng cũng như vệ tinh tại Thái Lan cả đêm qua đồng loạt dừng chương trình thường lệ, liên tục phát các bản thông báo mới của lực lượng làm đảo chính, trong khi đó 14 kênh truyền hình và nhiều đài phát thanh cộng đồng thân với nhóm biểu tình ủng hộ hoặc chống chính phủ trước kia đã bị cắt sóng hoàn toàn.

Chấp nhận cuộc chơi mới từ thất bại tạm thời

Các quan chức chính phủ tạm quyền có phản ứng chấp nhận và cam chịu tình hình. Cuộc chơi của họ, những người làm chính trị là phải chấp nhận một cuộc đảo chính, khi mà quân đội không nằm trong tay họ. Đây là cuộc đảo chính lần thứ 19 tại Thái Lan và lịch sử 18 cuộc đảo chính trước đây cho thấy, một khi quân đội đã ra tay làm đảo chính thì bàn cờ đã bị xóa và muốn chơi một ván cờ mới thì phải chấp nhận đăng ký lại. Tôi cũng từng được chứng kiến cuộc đảo chính quân sự năm 2006 ở Thái Lan, khi đó quân đội lật đổ chế độ của Thủ tướng lúc đó là ông Thaksin Shinawatra, anh trai của bà Yinluck Shinawatra và tôi thấy rằng, ai nắm được quân đội, người đó luôn ở thế thượng phong. Còn phe chống chính phủ của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban thì tất nhiên có thái độ vui mừng ra mặt. Tin đảo chính đến với họ như ruộng hạn trời mưa. Mục tiêu lật đổ chính phủ do Quyền Thủ tướng Niwatthamrong Boonsongphaisan đứng đầu đã thành công đó sao, sau bà Yingluck phải ra đi sau quyết định bãi nhiệm của tòa án Hiến pháp hôm 7/5.

Binh sỹ hiện diễn khắp nơi tại Bangkok
Trong khi đó, hàng ngàn người Áo Đỏ thuộc Mặt trận Dân chủ chống Độc tài (UDD ) ủng hộ chính phủ thì lúc đầu có những phản ứng khá mạnh, tuy nhiên trước lực lượng binh sỹ hùng hậu nai nịt vũ khí, họ đành chấp nhận dỡ bỏ lều trại tại khu vực đã cắm trại biểu tình nhiều ngày qua. Hơn thế nữa hiện nay, những lãnh đạo của UDD đang nằm trong vòng kiểm soát của quân đội.

Việc Quân đội Thái Lan đảo chính hợp lòng dân?

Sau nhiều lần tuyên bố đứng ngoài cuộc khủng hoảng chính trị, cuối cùng quân đội Thái Lan vẫn tiến hành đảo chính. Chứng kiến những gì xẩy ra tại Thái Lan, đặc biệt là trong hơn 6 tháng qua, khi mà các cuộc biểu tình ủng hộ và biểu tình chống chính phủ đều dâng cao và cả hai đều có những động thái công kích dữ dội quân đội với những mục đích khác nhau, mới thấy lãnh đạo quân đội Thái Lan thời gian vừa qua cũng rất căng thẳng. Tuy nhiên quân đội Thái Lan là lực lượng trung thành với Hoàng gia Thái Lan và họ phải thực hiện những nghĩa vụ của mình. Đảo chính quân sự không phải là bước đi được nhiều bên đánh giá tích cực khi nhiều bên tại Thái Lan cho rằng, cuối cùng hướng tới nền dân chủ thì cái đích cuối cùng phải là một cuộc bầu cử. Tuy nhiên tại Thái Lan, hơn 6 tháng qua, người dân đã quá mệt mỏi với các cuộc biểu tình kéo dài, hơn 50 vụ việc đánh bom, xả súng bừa bãi lẫn nhau cũng như các vụ xung đột làm 30 người chết và hơn 800 người bị thương tại thủ đô Bangkok đã làm nhiều người dân cảm thấy mệt mỏi. Trong khi đó, giới chính trị các bên đều nhất quyết không chịu lùi bước. Vì vậy phía quân đội Thái Lan cho rằng, để giải quyết tình hình bạo loạn tràn lan không thể kiểm soát, đem lại trật tự an toàn xã hội thì quân đội phải kiểm soát xã hội và định hình lại những cơ cấu mới thì mới giải quyết được vấn đề. Và vì vậy, quân đội Thái Lan ra tay.

Thái Lan liệu có tiếp tục rối như canh hẹ?

Trước mắt sự hiện diện khắp nơi của binh sỹ với luật pháp nhà binh đã “làm mát” những suy nghĩ hơn 200 ngày đêm không ngừng nghỉ chống chính phủ một cách quyết liệt của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban. Với xe quân dụng và binh sỹ vũ trang đầy mình, quân đội cũng dập tắt khí thế hừng hực ủng hộ chính phủ của UDD. Hai bên đang chấp nhận tạm dừng không đối đầu trước uy lực của quân đội. Nhưng đó chỉ là tạm thời.

Hơn 200 ngày đêm biểu tình không nghỉ của lực lượng biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban cầm đầu hiện đã tạm chấm dứt
Vẫn còn đó yêu sách một Thủ tướng và nội các đề cử không qua bầu cử. Vẫn còn đó một Thủ tướng và nội các qua bầu cử trong “trái tim đầy nhiệt huyết” của những người Áo Đỏ.
Nhưng nay Thái Lan đã không còn hiến pháp, cho dù là một bản hiến pháp được viết lên bởi chính lực lượng đảo chính quân sự năm 2006 mà các bên đã cùng nhau tuân thủ hơn 7 năm qua. Một bản hiến pháp Thái Lan mới sẽ hình thành làm cơ sở cho các hoạt động lập pháp và hành pháp được các bên vẫn đầy những mâu thuẫn và khác biệt nhau hiện nay chấp nhận. Đây là điều mà Ủy ban Bảo vệ Trật tự Quốc gia (NPOMC) hẳn đã tính đến khi làm cuộc đảo chính quân sự./.
Một vài hình ảnh khác về Thái Lan những ngày này:
Khám xét tất cả các xe còn đi lại trong giờ giới nghiêm từ 22h-5h
Áo Đỏ luôn tập trung biểu tình với khí thế sôi động, nay đã phải giải tán sau khi quân đội làm đảo chính
Xe binh sỹ Thái Lan trước cửa Đại sứ Quán Mỹ tại Bangkok

Xuân Sơn/VOV-Bangkok

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *