(kontumtv.vn) – Thừa nhận sai lầm khi tham gia vào cuộc chiến vô nghĩa, nhiều cựu chiến binh Pháp luôn dành sự tôn trọng cho bộ đội Việt Nam.

60 năm đã trôi qua, những người lính trẻ của Pháp từng tham gia trận đánh tại Điện Biên Phủ nay đều đã trên dưới 90 tuổi. Một số người đã ra đi, một số khác đã không còn minh mẫn. Nhưng với nhiều cựu chiến binh còn sống, ký ức về Điện Biên Phủ, dù đã qua hơn nửa thế kỷ, vẫn còn rất mạnh mẽ.

Ký ức về những trận đánh đẫm máu, những ngày gian khổ khi bị bắt làm tù binh chưa phai mờ, nhưng họ luôn có sự tôn trọng đối với những người bộ đội Việt Nam dũng cảm kiên cường và cả sự nhân văn của quân dân Việt Nam.

Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Jacques Allaire

Lặn lội đi nhiều tỉnh, thành phố của nước Pháp, PV Đài TNVN tại Pháp tìm gặp lại một số ít trong số họ, phần lớn đều đã ở tuổi “gần đất xa trời” và đây có thể là lần cuối cùng những ký ức về Điện Biên Phủ được họ nhắc lại.

Điện Biên Phủ – Ký ức mãnh liệt trong sự lãng quên

Sau thảm bại tại Điện Biên Phủ, quân đội và chính phủ Pháp hứng chịu nhiều chỉ trích cũng như bắt đầu luôn cuộc chiến tại Algeria. Vì thế, những ký ức về Điện Biên Phủ không được nói đến nhiều hay nhiều khi là cố tình quên đi.

Hội những cựu chiến binh tại Điện Biên Phủ bị giải thể vào năm 2004 phần nào đã đóng lại cánh cửa của những ký ức 60 năm trước. Do cuộc sống riêng tư và tuổi già, những cựu chiến binh Pháp từng tham chiến tại Việt Nam nay rải rác ở nhiều nơi và rất ít liên hệ với nhau. Thông qua các nhà sử học chuyên về Việt Nam và Điện Biên Phủ cũng như những người bạn Pháp hoạt động lâu năm với Việt Nam, chúng tôi tìm lại được một số ít trong những cựu chiến binh Pháp khi xưa và được nghe những chia sẻ của họ.

Với một số người, mệnh lệnh thời chiến đã khiến họ không thể suy tính và từ chối việc tham gia vào cuộc chiến mà sau này họ biết là phi nghĩa và thấy hối tiếc. Nhiều người đã giải ngũ ngay khi về Pháp và gây dựng lại cuộc đời dân sự.

Với một số khác, gắn cả cuộc đời binh nghiệp, kết thúc Điện Biên Phủ lại tiếp tục chiến đấu ở Algeria, ký ức về thất bại của quân đội Pháp tại Việt Nam không phải điều đáng tự hào để kể, nhưng họ không ngần ngại chia sẻ sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với những người bộ đội Việt Nam và đặc biệt là với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Tôi tôn trọng những kẻ thù của mình”

Tại thành phố Tours, cách thủ đô Paris khoảng 250 km, chúng tôi đến gặp Đại tá Jacques Allaire, người từng là Thượng úy tại một tiểu đoàn chiến đấu trực tiếp dưới sự chỉ huy của Tướng Bigeard tại Điện Biên Phủ. 1500 cuốn sách về Việt Nam- phần lớn trong số đó là về chiến tranh Đông Dương và trận đánh Điện Biên Phủ – có mặt trên tủ sách trong gia đình là minh chứng cho thấy 5 năm rưỡi tham chiến tại Đông Dương đã ám ảnh như thế nào đến toàn bộ phần đời còn lại của người cựu chiến binh này.

Đại tá Allaire không một ngày nào không tự hỏi “Vì sao quân Pháp đã thua?”

Đại tá Allaire đã gắn cả đời binh nghiệp, đã tham chiến trong quân đội Pháp ở nhiều nơi, chua xót chia sẻ: “Tôi giờ đã 92 tuổi và không một ngày nào sau Điện Biên Phủ, tôi không tự hỏi: Vì sao quân đội Pháp đã thua?”. Theo ông, ách đô hộ thực dân đã khiến những người dân Việt Nam phải cầm súng và lẽ tất yếu, những người đòi độc lập dân tộc dũng cảm đã chiến thắng, không chỉ quân Pháp mà cả quân Mỹ sau đó.

3 lần qua lại với tổng cộng 5 năm rưỡi tham chiến tại Đông Dương từ năm 1945-1954, Thượng úy Jacques Allaire nhận xét quân đội Việt Nam qua từng giai đoạn có sự trưởng thành mạnh mẽ, cộng với sự quyết tâm dành độc lập dân tộc và dưới chiến lược chỉ huy tài ba của những nhà lãnh đạo xuất chúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến quân Pháp không thể chiến thắng.

Ông nói: “Chiến thắng là không thể và quá xa vời với chúng tôi. Máy bay đã không thể tiếp viện cho chúng tôi. Chính quyền Pháp thì thay đổi đến 19 lần trong 9 năm khiến trắng đen lẫn lộn. Tướng Navarre không biết gì về trận địa ở Việt Nam. Sau trận Nà Sản, bộ chỉ huy Pháp tưởng rằng có thể chiến thắng và quyết định tấn công vào Điện Biên Phủ nhưng họ đã nhầm. Những người bộ đội mới là những người làm chủ các ngọn đồi – vì đó là đất nước của họ”.

Từng có ý nghĩ tự tử khi bị bắt làm tù binh và đến nay vẫn nhắc lại thời khắc bị bắt giữ với sự hổ thẹn của một lãnh đạo trong quân đội, song đại tá Allaire không ngần ngại chia sẻ sự tôn trọng đối với những người bộ đội Việt Nam.

Ông Allaire cho biết: “Tôi tôn trọng kẻ thù của mình, những người đã chiến đấu hết mình vì độc lập dân tộc. Tôi biết nhiều người trong quân đội Bảo Đại, họ không có động lực và quyết tâm nào, họ không đại diện cho ước nguyện của người dân Việt Nam và không dám hy sinh mạng sống vì Tổ Quốc. Trong khi đó, bộ đội Việt Minh là những người lính thực thụ có quyết tâm, có lòng dũng cảm và đạo đức”.

Điên Biên Phủ là chiến thắng của cả dân tộc Việt Nam 

Khác với Thượng úy Jacques Allaire, hạ sỹ Pierre Bonny, người hiện đang sống tại thành phố Lyon cách thủ đô Paris khoảng 500 km cho biết, ông chỉ là một anh lính dù nhỏ được lệnh nhảy dù xuống Điện Biên Phủ vào thời khắc Pháp cận kề thất bại tháng 4/1954. Khi ấy, hạ sỹ Bonny mới 19 tuổi, thuộc tiểu đội 4 trung đoàn II/1 lính dù, dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Bigeard, có nhiệm vụ đánh chiếm lại đồi A1. Giờ nghĩ lại, ông Bonny cảm thấy “hối tiếc vì đã tham gia cuộc chiến tại Việt Nam”.

Hạ sỹ Pierre Bonny thời trẻ
Ông Bonny và vợ ở thời điểm hiện tại

“Tôi dành sự đánh giá cao cho những người bộ đội Việt Nam, từ những người lính thường trực đến những người công binh.” Đó là chia sẻ của hạ sỹ Bonny trong cuốn “Điện Biên Phủ- Tiếng nói của những người còn sống sót” (của các tác giả Pierre Journoud và Hugues Tertrais, xuất bản năm 2004).

Khi được hỏi “Ông đã nghĩ gì vào thời điểm biết Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ?”, ông Pierre Bonny cho biết: “Tôi chỉ nghĩ rằng Việt Minh xứng đáng chiến thắng. Họ đã làm mọi điều để chiến thắng. Họ đặc biệt dũng cảm, đặc biệt kiên cường. Nhân dân Việt Nam đã thắng liên tiếp hai cuộc chiến tranh, trước người Pháp và người Mỹ, và họ đã giành chiến thắng với những phương tiện chiến tranh khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu. Thế nên, yếu tố làm nên chiến thắng của họ chắc chắn phải là lòng dũng cảm, sức chịu đựng quật cường”.

Từng bị bắt làm tù binh, nhưng ông Bonny không giữ trong mình sự hận thù, vì ông biết “bộ đội Việt Nam không có ý định làm hại tôi. Tôi chưa từng bị ngược đãi về thể xác”. Với ký ức khôn nguôi về Điện Biên Phủ, về một quãng đời tuổi trẻ dữ dội ở đó và về những con người Việt Nam dũng cảm, ông Pierre Bonny đã cùng các cựu chiến binh và vợ quay lại thăm chiến trường xưa, chứng kiến cuộc sống được gây dựng lại và phát triển ở nơi từng diễn ra các trận đánh ác liệt nhất.

“Tôi mang ơn người lính quân y Việt Nam”

Năm nay đã 92 tuổi, Đại tá Jack Bonfils đôi lúc lẫn lộn khi kể lại những kỷ niệm chiến tranh hơn 60 năm trước, khi ông tham chiến trên đường 4, Cao Bằng. Nhưng riêng câu chuyện nghĩa tình của một người lính quân y Việt thì được ông kể rất rành rọt từng chi tiết.

Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Jack Bonfils

Ông Bonfils chia sẻ: “Trên đường đi khi bị bắt làm tù binh, tôi bị thương và chân tôi bị hoại tử. May mắn khi đó tôi gặp một đoàn quân Việt Nam và một người lính quân y trong đoàn quân ấy đã quyết định phẫu thuật cho tôi ngay tại chỗ. Chỉ bằng một con dao cạo gắn vào một mảnh tre, ông ấy đã cắt bỏ những phần hoại tử rồi khâu lại chân cho tôi, vì thế, tôi đã được cứu sống và giờ tôi vẫn còn chân để đi”.

Ông Bonfils nói thêm: “Người bác sỹ ấy nói tiếng Pháp rất tốt, ông đã từng được đào tạo tại Pháp nhưng quyết định tham gia quân đội Việt Minh để giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi địa chỉ liên lạc và sau này đã vài lần viết thư cho nhau. Nhưng thật buồn ông đã chết trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và tôi không bao giờ có cơ hội để trả ơn cho vị ân nhân ấy”.

Phóng viên VOV chụp ảnh kỷ niệm với Đại tá Jack Bonfils

Cảm động vì nghĩa cử cao đẹp của người lính quân y cùng những cử chỉ nhân đạo của quân và dân Việt Nam đối với ông trong suốt 21 tháng bị bắt làm tù binh, đồng thời muốn phần nào chuộc lại tội lỗi khi tham gia cuộc chiến phi nghĩa, Đại tá Bonfils đã tập hợp hàng trăm cựu chiến binh Điện Biên Phủ thành lập Hiệp hội quốc gia các cựu tù binh tại Việt Nam vào năm 1985 (ANAPI).

Hiệp hội này đã tổ chức những cuộc trở về cho các cựu chiến binh Điện Biên Phủ và quyên góp tiền xây dựng trường học, cầu đường tại những ngôi làng nghèo ở những nơi khi xưa từng là chiến trường ác liệt. Tiếc rằng vào tháng 5/2014, những cựu binh trong Hiệp hội ANAPI sẽ gặp nhau lần cuối cùng và giải thể hiệp hội. Lý do giản đơn là bởi tất cả họ đều đã ở tuổi “gần đất xa trời” 92, 93… và việc tập hợp nhau ở nhiều miền xa xôi của nước Pháp cũng như tiếp tục vận hành hiệp hội là rất khó khăn.

Ông Bonfils giới thiệu các hoạt động Hiệp hội quốc gia các cựu tù binh tại Việt Nam (ANAPI)

Còn rất nhiều cựu chiến binh sống rải rác ở nhiều tỉnh, thành phố của nước Pháp mà chúng tôi không thể gặp được hết. Nhưng chắc chắn ký ức của một thời trai trẻ dữ dội còn mãi trong họ, một số kể lại cho con cháu để thôi thúc sự kết nối với Việt Nam. Bởi những ký ức ấy, dù đau buồn, cũng có thể làm cầu nối, nói như Đại tá Bonfils là để “hai dân tộc Việt Nam và Pháp quay trở lại làm bạn với nhau” ; và như Đại tá Allaire là để nhân loại rút ra bài học “phải tìm mọi giải pháp trước khi nghĩ tới một cuộc chiến tranh”./.

Thùy Vân/VOV – Paris

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *