(kontumtv.vn) – Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 610.000 ca bệnh COVID-19 và trên 10.000 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 57 triệu ca, trong đó trên 1,36 triệu ca tử vong.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Naples, Italy, ngày 12/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới, khi các nước tiếp tục ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm và tử vong mới ở mức cao, đồng thời tăng cường các biện pháp phòng dịch cũng như đẩy nhanh tìm kiếm vaccine.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 164.000 ca), Ấn Độ (45.921 ca) và Italy (36.176 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (1.781 ca), Italy (653 ca) và Ấn Độ (583 ca).

Châu Âu

Số ca mắc ở Nga vượt quá 2 triệu người

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại khu vực cách ly điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Moskva, Nga ngày 4/11. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/11, số ca mắc COVID-19 ở Nga đã vượt quá 2 triệu người, khi số ca nhiễm và tử vong theo ngày tăng ở mức cao mới. Theo số liệu của trung tâm ứng phó khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga, nước này ghi nhận thêm 23.610 ca nhiễm mới và 463 ca tử vong. Hiện Nga trở thành nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 5 thế giới, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil và Pháp.

Dù số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tiếp tục tăng lên, giới chức Nga vẫn chưa có ý định tái áp đặt lệnh phong tỏa trên cả nước như đã làm hồi đầu năm nay. Thay vào đó, Nga đưa ra các quy định nghiêm ngặt như đeo khẩu trang và găng tay, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm vệ sinh dịch tễ và giãn cách xã hội, trong khi một số khu vực áp dụng các biện pháp riêng phù hợp với tình hình địa phương. Cụ thể, thủ đô Moskva của Nga, khu vực chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh (với 6.438 ca nhiễm mới), đã yêu cầu triển khai hình thức học từ xa đối với học sinh trung học và đóng cửa qua đêm các quán bar, nhà hàng và các câu lạc bộ giải trí ban đêm.

Pháp chưa tính đến dỡ bỏ lệnh phong tỏa

Chú thích ảnh
Chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Le Port-Marly, gần Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết Pháp khó có thể dỡ bỏ lệnh phong tỏa một phần trong thời gian tới, cho dù một số biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 có thể được nới lỏng trước lễ Giáng sinh.

Trao đổi với báo giới, ông Attal cho hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các bộ trưởng đã nhóm họp về cuộc khủng hoảng dịch COVID-19, trong đó thảo luận đề xuất nới lỏng một số hạn chế từ ngày 1/12 “nếu điều kiện cho phép”. Tuy nhiên, ông Attal khẳng định Pháp chưa thể dỡ bỏ phong tỏa trong thời gian tới.

Phát biểu của ông Attal được đưa ra trong bối cảnh các doanh nghiệp Pháp đang kêu gọi chính phủ cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại vào ngày 27/11 – ngày hội mua sắm Black Friday. Các doanh nghiệp lo ngại sự cạnh tranh của các tập đoàn thương mại trực tuyến như Amazon trong bối cảnh xu hướng mua hàng tại nhà gia tăng do dịch COVID-19 khiến người dân ít ra đường.

Dự kiến, trong tuần tới, Tổng thống Macron sẽ có bài phát biểu về tình hình dịch COVID-19, trong đó đề cập kế hoạch liên quan hoạt động đi lại và tụ họp gia đình của người dân trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Theo số liệu của Bộ Y tế Pháp, số ca mắc mới COVID-19 ở Pháp ghi nhận trong ngày 19/11 là 21.150 ca, thấp hơn rất nhiều so với mức 50.000-60.000 ca/ngày khi Tổng thống Macron ban bố lệnh phong tỏa một phần hồi tháng trước. Tuy nhiên, ông Macron khẳng định số ca mắc mới phải giảm xuống dưới 5.000 ca/ngày thì chính phủ mới có thể bắt đầu nới lỏng các hạn chế.

Bồ Đào Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp

Chú thích ảnh
 Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Cascais, Bồ Đào Nha. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính phủ Bồ Đào Nha đang nỗ lực đối phó với làn sóng lây lan dịch COVID-19 thứ hai. Ngày 20/11, Quốc hội Bồ Đào Nha sẽ thông qua dự luật gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần. Theo đó, kể từ ngày 23/11, những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 ở nước này sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp khẩn cấp phòng dịch, trong đó có lệnh giới nghiêm vào ban đêm và cuối tuần. Phát biểu với báo giới ngày 18/11, Bộ trưởng Y tế Bồ Đào Nha Marta Temido cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này sẽ vẫn rất đáng lo ngại trong 2-3 tuần tới.

Kể từ ngày 16/11 vừa qua, Bồ Đào Nha thực hiện phong tỏa một phần nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Theo thống kê, kể từ cuối tháng 9, cứ sau 2 tuần tỷ lệ lây nhiễm ở Bồ Đào Nha tính trên dân số lại tăng gần gấp đôi và hiện tỷ lệ này đã vượt Pháp, Italy và Bỉ. Hầu hết số giường bệnh dành riêng điều trị bệnh nhân COVID-19 ở nước này đã kín chỗ.

Luxembourg chuẩn bị cho đợt phong tỏa lần hai 

Tình hình dịch COVID-19 cũng đang diễn biến phức tạp ở Luxembourg, buộc chính phủ nước này phải gấp rút chuẩn bị cho đợt phong tỏa lần thứ hai.

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel mới đây tuyên bố: “Nếu các chỉ số không được cải thiện, ngày 23/11 tới chính phủ sẽ đề nghị quốc hội thông qua các biện pháp mới”. Cũng theo Thủ tướng Bettel, Chính phủ Luxembourg đã chuẩn bị đề xuất đợt phong tỏa lần hai nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19 đang gây quá tải cho hệ thống y tế.

Với dân số chỉ hơn 600.000 người, hiện quốc gia châu Âu nhỏ bé này đã có tới 29.243 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 254 ca tử vong.

Châu Mỹ: Mỹ khuyến cáo người dân không di chuyển dịp lễ Tạ ơn

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng thực phẩm ở Brooklyn, New York, Mỹ ngày 12/11. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 19/11, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo các công dân Mỹ không nên di chuyển trong dịp nghỉ lễ Tạ ơn vào tuần tới, trong bối cảnh đà lây lan của virus SARS-CoV-2 đang vượt ngoài tầm kiểm soát.

Phát biểu với báo giới, bác sĩ Henry Walke thuộc CDC nói: “Đây không phải là một yêu cầu. Đây là một khuyến nghị được nhấn mạnh”. Ông Walke cho hay CDC đã “được cảnh báo” bởi sự gia tăng gần đây của những ca mắc mới mỗi ngày, tăng hơn 75% trong 14 ngày trong khi số ca nhập viện và tử vong (tăng khoảng 50% mỗi loại). Ngoài ra, ông Walke cũng lưu ý rằng số ca mắc COVID-19 tăng mạnh tại Mỹ, sau những kỳ nghỉ cuối tuần dài như Ngày Tưởng niệm hồi tháng 5 và Ngày Lao động vào tháng 9.

Lễ Tạ ơn là kỳ nghỉ mà người dân Mỹ đi lại nhiều nhất. Vì nó rơi vào thứ Năm, nên nhiều người Mỹ sẽ nghỉ làm ngày thứ Sáu và dành một chuyến đi dài cuối tuần để gặp gỡ người thân ở những bang khác.

Châu Á

Thủ đô Tokyo của Nhật Bản nâng cảnh báo lên mức cao nhất

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại sân bay Narita, Nhật Bản ngày 2/11. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 19/11, chính quyền thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã quyết định nâng cảnh báo về dịch bệnh COVID-19 lên mức cao nhất trên thang cảnh báo gồm 4 cấp độ.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới trong ngày ở thành phố này ngày 19/11 lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở Nhật Bản vào giữa tháng 1/2020.

Trước đó, hôm 10/9, chính quyền thủ đô Tokyo đã hạ thấp mức độ cảnh báo về dịch bệnh trên xuống mức cao thứ hai sau khi số ca nhiễm mới có xu hướng giảm. Tuy nhiên, kể từ đầu tháng này, số ca nhiễm mới đã tăng trở lại và liên tục đạt đỉnh mới trong vài ngày gần đây.

Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết nước này đang trong trạng thái “cảnh giác cao nhất” trước đại dịch COVID-19. Phát biểu với các phóng viên, Thủ tướng Suga đã kêu gọi người dân luôn đeo khẩu trang tại các nhà hàng và chỉ bỏ khẩu trang ra trong một thời gian ngắn để ăn uống nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Thông tin trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới chức y tế Nhật Bản xác nhận số ca nhiễm mới ở nước này đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 ca/ngày, cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Cụ thể, ngày 18/11, Nhật Bản đã phát hiện thêm 2.203 ca mắc mới trên toàn quốc.

Hàn Quốc trong tình trạng cảnh giác cao độ 

Chú thích ảnh
Cách ly một ngôi làng ở Suncheon, tỉnh Nam Jeolla, Hàn Quốc ngày 19/11 sau khi phát hiện 8 người trong ngôi làng này nhiễm COVID-19. YONHAP/TTXVN

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới dao động trên ngưỡng 300 ca/ngày trong ngày thứ hai liên tiếp, Hàn Quốc đang tích cực chuẩn bị đối phó với một làn sóng lây nhiễm tiềm tàng khác với sự gia tăng các ổ lây nhiễm tập thể rải rác trên quy mô toàn quốc. Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố ngày 19/11 cho thấy nước này ghi nhận thêm 343 ca mắc mới, trong đó có 293 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 29.654 ca.

Theo KCDA, khác với các tình huống lây nhiễm tập thể quy mô lớn trước đây chủ yếu xảy ra ở một nhóm đối tượng nhất định, các vụ lây nhiễm tập thể gần đây lại xảy ra đồng thời tại nhiều địa điểm liên quan tới sinh hoạt đời sống hằng ngày của người dân (như các buổi tụ tập ăn uống, ca hát…) nên rất khó truy xuất nguồn gốc cũng như tăng cường biện pháp phòng ngừa. KCDA đề nghị người dân tuyệt đối tuân thủ quy tắc phòng dịch vì bất cứ ai cũng có thể bị lây nhiễm COVID-19, không phân biệt thời gian và địa điểm. Ngoài ra, người dân nên hạn chế ăn uống, tụ tập, giảm thiểu di chuyển cũng như tiếp xúc không cần thiết với người khác. Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Neung-hoo cảnh báo Hàn Quốc ở thời điểm quan trọng khi dịch lây lan trên diện rộng, đồng thời khuyến cáo người dân duy trì tinh thần chống dịch, tích cực thực hiện các biện pháp an toàn.

Sau khi nâng mức giãn cách xã hội lên cấp độ 1,5 từ 0h ngày 19/11 tại khu vực Seoul, vùng phụ cận và tỉnh Gangwon, KCDA sẽ tiến hành hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành quy tắc phòng dịch ở tất cả các cơ sở có nguy cơ lây nhiễm cao như: trung tâm chăm sóc khách hàng, trung tâm phân phối hàng hóa… Riêng thành phố Incheon sẽ chính thức áp dụng mức giãn cách xã hội cấp độ 1,5 từ ngày 23/11 tới. Các tỉnh thành phố khác vẫn duy trì mức độ giãn cách cấp độ 1 và căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để có biện pháp phù hợp.

Theo số liệu thống kê của KCDA, chỉ tính riêng trong 17 ngày đầu tiên của tháng 11, trung bình mỗi ngày có 5.093 học sinh trung học không thể tham gia các lớp học trực tiếp vì phải tự cách ly hoặc có các triệu chứng của COVID-19.

Iran thắt chặt biện pháp phòng dịch

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tehran, Iran, ngày 17/11. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Iran, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết nước này sẽ áp đặt các biện pháp “hạn chế nghiêm ngặt” ở nhiều khu vực trên cả nước từ ngày 21/11 tới nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan. Hiện Tổng thống Rouhani chưa nêu cụ thể các biện pháp hạn chế này, nhưng người phát ngôn Bộ Y tế Iran cho biết các dịch vụ và hoạt động kinh doanh không thiết yếu tại những khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao nhất như thủ đô Tehran và một số thành phố khác, sẽ phải đóng cửa. Theo truyền thông địa phương, các biện pháp hạn chế có thể có quy định hạn chế hoạt động đi lại trong thành phố, cấm phương tiện cá nhân lưu thông từ 21h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau, đóng cửa các trung tâm giáo dục.

 

Iran là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh tại khu vực Trung Đông nhưng chưa từng áp đặt lệnh phong tỏa hoàn hoàn kể từ khi nước này thông báo ca nhiễm đầu tiên vào tháng 2. Trong những tuần gần đây, Iran đã vài lần ghi nhận số ca nhiễm và tử vong mới ở mức cao kỷ lục. Ngày 19/11, Iran thông báo có 476 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, trong khi số ca nhiễm mới cũng tăng ở mức cao là 13.223 ca.

Ấn Độ áp dụng biện pháp quyết liệt nhằm chống dịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại New Delhi, Ấn Độ ngày 6/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Chính quyền Ấn Độ đang áp dụng những biện pháp quyết liệt để phòng dịch COVID-19 lây lan trong bối cảnh tổng số ca mắc tại nước này tăng lên gần 9 triệu ca.

Nhằm kiềm chế tốc độ gia tăng số ca lây nhiễm ở thủ đô New Delhi, nhà chức trách đã quy định hạn chế số lượng người dự đám cưới không quá 50, thấp hơn nhiều so với giới hạn 200 người theo quy định trước đó. Những người không đeo khẩu trang, không tuân thủ quy định về giữ khoảng cách, sẽ bị phạt 500 rupee. Trong khi đó, đề xuất của Thủ hiến bang Delhi, ông Arvind Kejriwal, về việc đóng cửa các khu chợ lớn tại thủ đô vẫn đang được xem xét. Ông Arvind Kejriwal cũng đã kêu gọi triệu tập một cuộc họp có tất cả các đảng tham dự để thảo luận về tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng tại khu vực thủ đô.

Thời gian qua, tình hình lây lan dịch bệnh tại bang Delhi diễn biến đáng lo ngại, theo đó số ca mắc mới theo ngày lần đầu tiên vượt mức 5.000 vào ngày 28/10 và vượt mức 8.000 ca vào ngày 11/11. Số ca tử vong hằng ngày cũng tăng mạnh, dao động quanh mức 90 ca trong gần 1 tuần qua. Chính quyền trung ương cam kết sẽ cung cấp thêm 750 giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) cho thủ đô New Delhi để đáp ứng nhu cầu của các bệnh viện.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận thêm 45.921 ca mắc COVID-19 trong ngày 19/11, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Nam Á này lên trên 9 triệu ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng thêm 585 ca lên 132.201 ca. Hiện Ấn Độ là nước chịu ảnh hưởng nặng thứ hai do dịch bệnh, sau Mỹ.

Nhiều nước ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên tình nguyện viên tại Hollywood, Florida, Mỹ ngày 13/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong bối cảnh công tác phát triển và điều chế vaccine phòng COVID-19 trên thế giới đang có những thông tin tích cực, mang lại nhiều hy vọng trong cuộc chiến chặn đứng đại dịch toàn cầu, nhiều nước đang ráo riết thúc đẩy kế hoạch đặt mua vaccine phòng bệnh nhằm đảm bảo nguồn cung.

Chính phủ Philippines đã đồng ý trả tiền trước cho các hãng dược phẩm để đảm bảo có được hàng triệu liều vaccine phòng COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 19/11, người phát ngôn của Tổng thống Rodrigo Duterte, Harry Roque,  cho biết nhà lãnh đạo Philippines đã đồng ý trả tiền trước bởi nếu không, nước này có thể nằm trong số những nước cuối cùng có được vaccine. Ông Roque cũng cho biết thêm, Tổng thống Duterte cũng “đồng ý về nguyên tắc” một sắc lệnh hành pháp, theo đó  những vaccine phòng COVID-19 đã nước ngoài phê chuẩn dùng trong trường hợp khẩn cấp, có thể được sử dụng ở Philippines.

Là nước có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, Philippines có kế hoạch đặt mua 50 triệu liều vaccine phòng bệnh ban đầu để đảm bảo cho ít nhất 1/4 trong tổng số 108 triệu dân ở nước này được tiêm chủng trong năm tới.

Theo ông Carito Galvez, cựu quan chức đứng đầu lực lượng ứng phó dịch COVID-19 của chính phủ, Chính phủ Philippines đang đàm phán về với một vài hãng dược điều chế vaccine, trong đó có hãng Pfizer Inc và Moderna Inc (Mỹ) về các hợp đồng cung cấp vaccine. Bên cạnh đó, giới chức Philippines cũng đang quan tâm tới các thỏa thuận đặt mua vaccine song phương và đa phương, trong đó có khai thác Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX)  của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) .

Chú thích ảnh
Nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 trong phòng thí nghiệm tại Garin, Buenos Aires, Argentina, ngày 14/8. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Chính phủ New Zealand đã xác nhận đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc với hãng dược Janssen thuộc tập đoàn Johnson&Johnson (Mỹ) đặt mua tới 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 một khi vaccine này vượt qua được các cuộc thử nghiệm lâm sàng và được phê chuẩn đưa vào sử dụng.

Trong một tuyên bố ngày 19/11, Bộ trưởng Nghiên cứu, Khoa học và Sáng kiến New Zealand Megan Woods cho biết thỏa thuận trên là một phần trong nỗ lực của nước này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận đối với một loạt sự lựa chọn về vaccine. Theo bà Woods, thỏa thuận trên là thỏa thuận sơ bộ trong khi một thỏa thuận đăt mua trước chính thức dự kiến sẽ được hoàn tất trong những tuần tới. Theo thỏa thuận, đợt giao vaccine đầu tiên tới 2 triệu liều sẽ được thực hiện từ quý III/2021 và 3 triệu liều  sẽ được giao trong cả năm 2022. Bà Woods cho biết thêm các cuộc đàm phán đặt mua vaccine với các hãng dược khác cũng đang tiến triển tốt.

Trước đó, Chính phủ New Zealand đã có thỏa thuận đặt mua 1,5 triệu liều vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức).

Còn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong vài ngày tới sẽ ký một hợp đồng đặt mua khoảng 20 triệu liều vaccine của Công ty công nghệ sinh học Sinovac Biotech của Trung Quốc. Hiện Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đàm phán đặt mua vaccine của hãng dược Pfizer Inc và đối tác BioNTech.

WHO: Vaccine không phải “viên đạn bạc” chống COVID-19

Chú thích ảnh
Vaccine ngừa COVID-19 của tập đoàn dược phẩm Mỹ Moderna. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan cảnh báo thế giới sẽ phải tiếp tục đương đầu với làn sóng dịch COVID-19 thứ hai mà không có vaccine.

Theo ông Ryan, không nên coi vaccine phòng COVID-19 là giải pháp “nhiệm màu” cho cuộc chiến hiện tại và các nước đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh dâng cao sẽ vẫn tiếp tục phải vượt qua thử thách lần này mà không có vaccine. Trả lời phỏng vấn trực tuyến, ông Ryan dự báo sẽ cần ít nhất khoảng từ 4-6 tháng nữa thế giới mới có thể có được một số lượng vaccine đáng kể để phân phối điểm nóng dịch bệnh. Đến nay, thế giới vẫn chưa có một loại vaccine phòng COVID-19 nào chính thức được cấp phép dù một số ứng cử viên vaccine tiềm năng đã cho những kết quả khả quan trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Quan chức WHO nhấn mạnh không nên quá kỳ vọng rằng vaccine sẽ thay thế mọi biện pháp khác để chặn đứng đại dịch mà lơ là cảnh giác. Vaccine không phải là tất cả mà cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp trong cuộc chiến chống COVID-19 toàn cầu.

Những nhận định trên được WHO đưa ra trong bối cảnh xuất hiện những tín hiệu lạc quan trong tiến trình nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19, được đánh giá là loại “vũ khí” tiềm năng có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu. Cụ thể, một số hãng dược mới đây tuyên bố các ứng cử viên vaccine tiềm năng đã cho những kết quả sơ bộ khả quan trong thử nghiệm giai đoạn cuối, như vaccine của Pfizer và BioNtech cho hiệu quả bảo vệ tới 95% hay vacccine của Moderna đạt hiệu quả 94,5 % và vaccine của Nga là 90%. Tuy nhiên, để những vaccine này được đưa vào các chương trình tiêm chủng đại trà thì cần thêm nhiều thời gian nữa. Hiện các quốc gia trên thế giới vẫn áp dụng các biện pháp nhằm khống chế dịch bệnh lây lan song song với những nỗ lực tự phát triển hoặc đặt mua trước vaccine tiềm năng.

Thùy Dương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *