(kontumtv.vn) – Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 445.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.800 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 42 triệu ca, trong đó trên 1,14 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 66.000 ca), Ấn Độ (54.482 ca) và Pháp (41.622 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Mỹ (866 ca), Ấn Độ (683 ca) và Mexico (522 ca).

Châu Âu

Nhiều nước ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao chưa từng thấy    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Hague, Hà Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Viện Y tế công cộng quốc gia Hà Lan công bố số liệu cho thấy nước này ghi nhận thêm 9.271 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới trong ngày cao nhất tại nước này từ trước đến nay. Theo đó, tổng số ca mắc tại Hà Lan đã tăng lên 253.134 ca, trong đó có 6.873 ca tử vong.

Cũng trong ngày 22/10, Bộ Y tế Ba Lan công bố thêm 12.107 ca mắc và 168 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, nước này ghi nhận số ca mắc mới trong ngày cao nhất từ trước đến nay, chỉ một ngày sau khi công bố số ca mắc mới tăng cao chưa từng thấy với 10.040 ca.

Chú thích ảnh
hân viên y tế làm việc tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở Zegrze, Ba Lan ngày 20/10. Ảnh: PAP/TTXVN

Tính đến ngày 22/10, quốc gia với 38 triệu dân này đã có 214.686 ca mắc COVID-19, trong đó có 4.019 ca tử vong. Dự kiến cùng ngày, Chính phủ Ba Lan sẽ công bố thêm các biện pháp hạn chế để phòng COVID-19. Một ngày trước đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông muốn mở rộng các biện pháp phong tỏa được áp dụng tại “vùng đỏ” COVID-19 ra phạm vi toàn quốc từ ngày 24/10 tới, trong bối cảnh nước này ghi nhận số ca nhiễm mới tăng quá cao.

Từ cuối tuần trước, hơn 50% diện tích lãnh thổ Ba Lan bị xếp vào “vùng đỏ” COVID-19, trong đó có hầu hết các thành phố lớn và khu vực lân cận. Tất cả các trường trung học tại “vùng đỏ” sẽ phải đóng cửa và chuyển sang hình thức học trực tuyến.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy xét nghiệm COVID-19 tại Prague, CH Séc ngày 14/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Y tế Séc, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 14.968 ca mắc COVID-19 – mức cao nhất kể từ trước tới nay. Tính đến nay, quốc gia có số ca mắc mới COVID-19 cao nhất châu Âu này ghi nhận tổng cộng 208.915 người mắc bệnh, trong đó có 1.739 trường hợp tử vong.

Nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Séc đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại và khách sạn, cũng như hạn chế việc đi lại từ ngày 22/10. Trước đó 1 ngày, nhà chức trách nước này cũng đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và trong xe ô tô.

Ukraine cũng ghi nhận thêm 7.053 ca mắc – mức cao nhất từ trước tới nay, đưa tổng số người mắc bệnh lên 322.879.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Lviv, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Áo, số ca mắc mới trong 1 ngày tại nước này cũng lên mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.435 trường hợp.

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Croatia là 1.563 – mức cao nhất từ trước tới nay. Gần 1/2 số ca nhiễm mới được ghi nhận ở thủ đô Zagreb, với 705 ca. Tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Croatia là 29.850, trong đó có 406 trường hợp tử vong.

Cùng ngày, nước láng giềng Slovenia cũng đã ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trong 1 ngày, với 1.663 người, đưa tổng số người mắc bệnh lên 15.983.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Bansko, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Bulgaria ngày 22/10 thông báo ghi nhận thêm 1.595 ca mắc COVID-19 và 16 trường hợp tử vong. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất từ trước tới nay tại Bulgaria. Như vậy, tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Balkan này lần lượt là 34.930 người và 1.064 người.

Để ngăn làn sóng lây nhiễm thứ hai của dịch COVID-19, chính quyền Bulgaria cùng ngày ban hành quy định bắt buộc mọi người đeo khẩu trang tại những nơi đông người ngoài trời như trên các tuyến phố, khu chợ, nhà ga… trừ trường hợp có thể đảm bảo giãn cách 1,5 mét. Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng kêu gọi sinh viên năm cuối các trường y hỗ trợ ngành y tế hiện đang quá tải vì đại dịch COVID-19.

Số ca mắc mới tại Đức tăng vọt. Trong ngày 22/10, Đức ghi nhận thêm 12.519 ca mắc COVID-19, đưa tổng số người mắc lên 403.874, trong đó có 10.004 ca không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Italy cho biết đã ghi nhận 16.079 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới trong ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này và vượt cả số ca mắc cao kỷ lục 15.199 ca ghi nhận một ngày trước đó. Số ca tử vong tại Italy tăng thêm 136 ca, cao hơn so với 127 ca hôm 21/10 dù thấp hơn nhiều so với con số hơn 900 ca vào thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 3 và 4 năm nay. Như vậy, đến nay, Italy xác nhận tổng cộng 465.726 ca mắc và 36.968 ca tử vong.

Tây Ban Nha trở thành nước EU đầu tiên vượt 1 triệu ca bệnh

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Burgos, Tây Ban Nha ngày 21/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tây Ban Nha đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt 1 triệu người.

Trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 20.986 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 1.090.521 ca, trong đó 34.521 ca tử vong. Như vậy, quốc gia 47 triệu dân này đã trở thành nước thứ 6 trên thế giới vượt qua mốc 1 triệu ca mắc, sau Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Argentina.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 15/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Mặc dù làn sóng dịch bệnh mới ở Tây Ban Nha chưa rơi vào tình trạng nghiêm trọng như thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, trong đó trung bình mỗi ngày ghi nhận hơn 800 ca tử vong, nhưng các nhân viên chăm sóc y tế cảnh báo rằng làn sóng dịch mới một lần nữa có thể khiến hệ thống y tế quá tải. Để giảm thiểu tốc độ lây nhiễm hiện nay, Bộ trưởng Y tế Tây Ban Nha Salvador Illa cho biết đang cân nhắc một số biện pháp mới, trong đó có lệnh giới nghiêm ban đêm như Pháp và Bỉ đang áp dụng hiện nay. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Salvador Illa nói: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều tuần khó khăn phía trước, khi mùa Đông đang tới, làn sóng dịch thứ hai không phải là mối đe dọa nữa mà là thực tế đang diễn ra trên khắp châu Âu”.

Theo kế hoạch, Bộ Y tế Tây Ban Nha sẽ triệu tập cuộc họp với các đại diện chính quyền các vùng của nước này trong ngày 22/10 để thảo luận kế hoạch đối phó với dịch bệnh. Theo bộ trên, số ca mắc mới COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng mạnh trở lại kể từ khi các biện pháp cách ly được dỡ bỏ hoàn toàn hồi cuối tháng 6.

Các nước siết chặt phòng dịch

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Magdeburg, Đức ngày 16/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22/10, Đức đã đưa ra cảnh báo đi lại đối với những khu trượt tuyết nổi tiếng tại một số nước châu Âu nhằm khống chế dịch bệnh sau khi Đức lần đầu tiên công bố hơn 10.000 ca mắc mới trong một ngày.

Cụ thể, Chính phủ Đức ban hành cảnh báo đi lại đối với những người đến Thụy Sĩ, Ireland, đa số khu vực của Áo, một số vùng của Italy, trong đó có khu trượt tuyết nổi tiếng South Tyrol. Quyết định có hiệu lực từ ngày 24/10. Theo đó, những người trở về Đức từ những vùng có nguy cơ cao phải được cách ly trong 10 ngày và sẽ được làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ ngày thứ 5 trở đi. Nếu có kết quả xét nghiệm âm tính với virus, họ có thể rời khu cách ly.

Ngày 22/10, Chính phủ Anh đã siết chặt các biện pháp phòng dịch tại thêm 3 khu vực gồm Stoke-on-Trent, Coventry và Slough thuộc England khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 gia tăng. Theo đó, 3 khu vực này được xếp vào vùng có nguy cơ cao, tức là hạn chế người dân tụ tập với những người bên ngoài gia đình họ.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Bồ Đào Nha cũng thông báo áp đặt phong tỏa một phần đối với 3 khu vực Felgueiras, Lousada và Pacos de Ferreira từ ngày 23/10 để ngăn dịch bệnh lây lan mạnh. Khoảng 161.000 dân tại 3 khu vực ở miền Bắc nước này sẽ chỉ được phép ra khỏi nhà để làm việc, đi học hoặc thực hiện những hoạt động thiết yếu khác như mua thuốc và thực phẩm. Nhà chức trách cũng hạn chế tối đa 5 người tham gia sự kiện và các cửa hàng kinh doanh mặt hàng và dịch vụ không thiết yếu phải đóng cửa lúc 22h hàng ngày.

Tương tự, Chính phủ Thụy Điển tuyên bố sẽ siết chặt quy định đối với các hộp đêm để hạn chế số khách hàng xuống tối đa 50 người. Tuy nhiên, từ ngày 1/11 tới, chính phủ sẽ nới lỏng các quy định phòng dịch đối với hoạt động thể thao cũng như nhiều sự kiện khác có thể đảm bảo giãn cách cho người tham dự. Cụ thể, số người được phép dự sự kiện sẽ tăng lên 300 người từ mức tối đa 50 người như hiện nay.

Bộ Y tế Cyprus cho biết nước này sẽ ban hành quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại tất cả những địa điểm công cộng ngoài trời, song không nêu rõ thời điểm thực hiện. Chính phủ cũng sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm ban đêm tại thành phố Limassol và thành phố nghỉ dưỡng Paphos, miền Nam Cyprus từ 23h hàng ngày.

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Moskva, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Nga đã bắt đầu mở cửa các bệnh viện dã chiến tại thủ đô Moskva nhằm đối phó với tình trạng số bệnh nhân mắc COVID-19 gia tăng. Phó Thị Trưởng Moskva Anastasia Rakova cho biết thành phố đang chuẩn bị đưa vào sử dụng khoảng 50 bệnh viện dã chiến với khoảng 3.000 giường bệnh. Hiện một số bệnh viện dã chiến đã bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân COVID-19. Các bệnh viện dã chiến đã được dựng trên diện tích đất của những phòng khám lớn tại tâm dịch Moskva của Nga vào mùa Xuân để dự phòng trường hợp dịch bệnh diễn biến xấu.

Châu Á

Chú thích ảnh
Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 12/10. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới trong cộng đồng được ghi nhận trong 1 ngày đã lần đầu tiên tăng trở lại lên mức hơn 100 ca trong gần 1 tháng qua. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/10 thông báo thêm 121 ca nhiễm, trong đó có 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên cả nước lên 25.543 ca.

Đây là số ca nhiễm mới cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày trong tháng này chủ yếu từ các ổ dịch nhỏ tại Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, cũng như các ca bệnh “nhập khẩu”. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng số trường hợp không qua khỏi lên 453 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch COVID-19 cho người dân tại New Delhi, Ấn Độ ngày 19/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ, bang Tây Bengal thông báo số ca mắc mới COVID-19 cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh hàng nghìn người đổ xuống đường để tham gia một lễ hội lớn của người Hindu bắt đầu từ tuần trước. Cơ quan Y tế bang Tây Bengal cho biết đã ghi nhận thêm 4.069 ca mắc bệnh ngày 21/10. Dù nhà chức trách đã ban hành chỉ thị hạn chế các tín đồ ghé thăm các nhà hàng xóm trong lễ hội Durga Puja kéo dài 9 ngày, song không thể ngăn họ tụ tập trong dịp này. Thậm chí, một số người không áp dụng các biện pháp phòng dịch cơ bản.

Tính trên cả nước, Ấn Độ hiện ghi nhận tổng cộng trên 7,71 triệu ca mắc, cao thứ hai trên thế giới. Số ca tử vong tại quốc gia Nam Á này là 117.336 ca.

 

Tại ASEAN, trong ngày 22/10, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 8.278 ca mắc COVID-19 và 178 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 869.536 ca, trong đó 21.076 người tử vong.

Trong số 8.278 ca mắc mới tại ASEAN, Indonesia chiếm tới 4.432 ca. Indonesia là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trong ngày 22/10 và cũng có tổng số ca mắc COVID-19 cao nhất ASEAN. Số ca tử vong của nước này trong ngày 22/10 cũng cao nhất ASEAN với 102 ca.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 25/9. Ảnh: AFP/TTXVN

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 22/10 là Philippines với 1.664 ca mắc mới và 38 ca tử vong. Bộ Y tế Philippines cho biết ngày 22/10 là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong một ngày. Hiện số ca mắc tại Philippines lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.

Đứng thứ ba ASEAN về ca mắc mới trong 24 giờ qua là Myanmar với 1.312 ca và 33 ca tử vong.

Malaysia cũng có số ca mắc tương đối cao khi ghi nhận 847 ca mới và 5 ca tử vong trong ngày 22/10.

Thái Lan ngày 22/10 ghi nhận 10 ca mắc mới, nâng tổng số ca lên 3.719, trong đó 59 người tử vong.

Chính phủ Nepal ngày 21/10 thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do bệnh COVID-19 trong một ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kathmandu, Nepal ngày 28/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Y tế Nepal Jageshwor Gautam cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.743 ca mắc và 26 ca tử vong do COVID-19. Theo đó, tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 tại Nepal tăng lên lần lượt 144.872 ca và 791 ca. Ngoài ra, hiện vẫn còn 44.476 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó 269 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 87 trường hợp phải thở máy.

Đây là lần thứ hai Nepal ghi nhận số ca mắc mới theo ngày vượt 5.000 ca, sau ngày 10/10 vừa qua ghi nhận 5.008 ca. Bộ Y tế Nepal đã cảnh báo về kịch bản xấu nhất, theo đó nước này có thể ghi nhận tổng cộng 380.000 ca mắc COVID-19.

Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) của Trung Quốc ngày 22/10 thông báo Trung Quốc ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong ngày 21/10, tất cả đều là các trường hợp nhập cảnh. Theo đó, tổng số ca bệnh COVID-19 nhập cảnh Trung Quốc tăng lên mức 3.167 ca.

Australia

Chú thích ảnh
Người dân đi bộ trên đường phố tại Melbourne, Australia, ngày 18/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân ở 5 khu vực ngoại ô thành phố Melbourne, Australia đã được đặt trong tình trạng báo động, trong khi nhà chức trách yêu cầu 120 cư dân sinh sống tại một khu nhà ở xã hội tự cách ly. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh một ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở một trường học gây nhiều quan ngại về nguy cơ bùng phát đợt dịch mới.

Nhà chức trách cũng đã yêu cầu cư dân ở các khu vực ngoại ô nói trên tiến hành xét nghiệm nếu họ có triệu chứng tương tự cảm cúm.

Melbourne, thủ phủ của bang Victoria, mới vượt qua làn sóng dịch bệnh thứ hai sau một đợt phong tỏa nghiêm ngặt kể từ tháng 7 năm nay, qua đó giảm mạnh số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 trong một ngày xuống chỉ còn 1 con số, so với mức đỉnh điểm 700 ca vào đầu tháng 8. Trong 9 ngày liên tiếp vừa qua, số ca nhiễm mới hằng ngày tại bang Victoria cũng chỉ ở mức 1 con số. Tính đến ngày 21/10, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn Australia là hơn 27.400 ca, trong đó 905 ca tử vong. Những  con số này thấp hơn nhiều so với hàng loạt quốc gia phát triển khác.

Châu Phi: Cảnh báo dịch bệnh tái bùng phát tại Nam Phi

Chú thích ảnh
Hành khách đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế OR Tambo, Johannesburg, Nam Phi, ngày 1/10. Ảnh: THX/TTXVN

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết các quốc gia tại châu lục này đã tiến hành được hơn 16 triệu xét nghiệm virus SARS-CoV-2, qua đó xác định khoảng 9,7% số ca dương tính.

Theo trung tâm trên, tính đến chiều 21/10, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn châu Phi là 1.664.212 ca, trong đó tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 40.222 ca.

Tại Nam Phi, Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize cảnh báo dịch COVID-19 đang bùng phát trở lại ở nước này sau một tháng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 duy trì mức ổn định.

Theo Bộ trưởng Mkhize, số ca mắc mới COVID-19 tại Nam Phi tăng 9,1% trong 7 ngày gần đây. Tổng số ca mắc trên cả nước tính đến ngày 20/10 là 706.304 ca, trong đó có 18.656 ca tử vong. Đáng chú ý, tỉnh Tây Cape, tâm điểm dịch bệnh, ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 tăng tới 42% trong một tuần gần đây và là mức tăng cao nhất trong số 9 tỉnh tại Nam Phi. Tính đến nay, Tây Cape có 114.667 ca mắc COVID-19, cao thứ 3 sau hai tỉnh Gauteng và KwaZulu-Natal.

Cơ quan y tế tỉnh Tây Cape đã xác định được các ổ dịch là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tăng vọt, trong đó ổ dịch lớn nhất tập trung tại huyện phía Nam thành phố Cape Town và có liên quan một sự kiện đông người được tổ chức tại một quán bar.

Bộ trưởng Mkhize nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát vẫn ở mức cao, do đó ông yêu cầu tất cả các địa phương chú ý diễn biến dịch bệnh và khẩn trương triển khai các biện pháp dập dịch kịp thời, trong đó có truy vết tiếp xúc và cách ly.

Thùy Dương/Báo Tin tức/TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *