(kontumtv.vn) – Những nỗ lực đẩy nhanh việc phân phát hàng viện trợ gặp nhiều khó khăn do thiếu xe tải và các lái xe cũng đã về để giúp gia đình mình.

Ngày 2/5, một tuần sau trận động đất mạnh 7,9 độ richter ở Nepal làm khoảng 6.659 người thiệt mạng, hơn 14.000 người khác bị thương và ước tính hàng nghìn người vẫn còn mất tích. Hiện, công tác khắc phục hậu quả vẫn còn ngổn ngang, hàng cứu trợ bắt đầu đến được với những vùng hẻo lánh bị ảnh hưởng bởi thảm họa này nhưng việc phân phát còn khá chậm.

Dù vẫn còn hàng nghìn người mất tích nhưng hy vọng tìm thấy người sống sót ngày càng mong manh. Thậm chí, chính phủ Nepal ngày 2/5 đã bác bỏ khả năng tìm thấy thêm người sống sót sau trận động đất mạnh nhất trong hơn 80 năm qua tại nước này.

Khẩn trương cứu nạn sau trận động đất (ảnh: CNN)

Các quan chức cho rằng số người thiệt mạng có thể tăng cao vì còn nhiều thi thế chưa được lôi ra khỏi đống đổ nát và các nhân viên cứu hộ không thể đến được một số khu vực hẻo lánh.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, trận động đất vừa qua đã làm 600.000 ngôi nhà bị phá hủy hoặc hư hỏng nặng. Khoảng 8 triệu trong tổng số 28 triệu dân Nepal đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa này, trong đó có 2 triệu người cần lều bạt, lương thực và thuốc men trong vòng 3 tháng tới.

Các quan chức chính phủ cho biết, những nỗ lực đẩy nhanh việc phân phát hàng viện trợ gặp nhiều khó khăn do thiếu xe tải  và  các lái xe cũng đã về để giúp gia đình mình.

Đặc biệt, tại một số khu vực như huyện miền núi Makwanpur chỉ có một con đường đất duy nhất kết nối cộng đồng ở đây với thế giới bên ngoài. Người dân ở đây chủ yếu sản xuất lương thực tự cung tự cấp và chỉ có một số người đàn ông đi làm ở Kathmandu để gửi tiền về nuôi gia đình.

Nay nhiều người cũng đã mất việc làm ở Kathmandu vì các cơ sở sản xuất kinh doanh bị phá hủy sau trận động đất tuần trước, nghĩa là họ không còn nguồn thu nhập hay khả năng nuôi sống gia đình qua giai đoạn khó khăn này.

Tổ chức Kế hoạch quốc tế (Plan International), một tổ chức cứu trợ chủ yếu tập trung vào trẻ em, ước tính huyện miền núi Makwanpur này có 55.000 người bị ảnh hưởng và 10.000 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc không còn đủ an toàn để ở. Tổ chức này đã phân phát được 1.000 lều tạm cho huyện Makwanpur nhưng khu vực này vẫn còn cần nhiều sự giúp đỡ khác trong vòng 6 tháng đến một năm nữa.

Nepal tan hoang sau thảm hoạ động đất (ảnh: AFP)

Giám đốc truyền thông toàn cầu của tổ chức này Davinder Kumar cho biết: “Đối với trường hợp huyện Makwanpur, chúng tôi tập trung vào những cộng đồng đang bị nguy cấp nhất để đảm bảo họ có những thứ cơ bản cần thiết để tiếp tục sống và tái thiết sau thảm họa”.

Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì trận động đất vừa qua là Sindhupalchok, nơi có gần 1.200 người chết và khoảng 400 người bị thương nặng. Động đất cũng gây ra lở đất ở đây. Các tổ chức cứu trợ đã phân phát thức ăn, nước uống, chăn màn cho những người bị ảnh hưởng.

Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ Giáo dục Nepal (Teach for Nepal) Shishir Khanal cho biết: “Phần lớn người dân ở đây mất nhà cửa, nghĩa là họ phải ngủ bên ngoài trong khi trời mưa. Vì thế nhu cầu lớn nhất của họ là lều tạm và thức ăn. Một khi đảm bảo được những nhu cầu trước mắt này, chúng tôi sẽ tập trung vào việc khôi phục dài hạn.”

Sau Sindhupalchok nơi bị ảnh hưởng nhiều thứ hai là Kathmandu. Đến nay, đa số người dân ở Kathmandu vẫn sống trong sợ hãi vì những dư chấn khá mạnh nên chấp nhận cảnh “màn trời chiếu đất”. Các nhà xác ở Kathmandu đang phải vật lộn vì số người chết quá tải và việc thiếu thông tin xác minh, nhận dạng các thi thể.

Thanh tra cảnh sát Krishna Chand cho biết: “Chúng tôi không có khả năng giải quyết tình trạng có quá nhiều thi thể cùng một lúc. Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và chỉ có thể cố gắng hết sức chuyển những thi thể đến trước càng sớm càng tốt để tiếp nhận những thi thể vừa đến.”

Ngoài viện trợ nhân đạo, Liên Hợp Quốc và chính phủ Nepal cũng kêu gọi những hỗ trợ cho “nạn nhân” khác là các di sản và di tích bị phá hủy vì trận động đất mạnh 7,9 độ richter vừa qua.

Liên Hợp Quốc cho biết, 7 di sản văn hóa thế giới ở thung lũng Kathmandu đã bị tàn phá ở nhiều mức độ khác nhau trong khi chính phủ Nepal cho biết có đến 90% công trình trong các khu di sản và di tích lịch sử, trong đó có những ngôi đền hàng trăm năm tuổi, đã bị phá hủy.

Người dân Nepal mất nhà cửa sau trận động đất phải ngủ tạm ngoài đường (ảnh: EPA)

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch của Bộ Văn hóa, Du lịch và Hàng không dân sự Nepal Tulsi Gautam cho biết: “Có 2 vấn đề ở đây, đó là chi phí và kỹ thuật để khôi phục các di sản này. Không chỉ có những di sản mà hàng nghìn ngôi nhà đã bị hư hại. Để xây dựng lại những công trình này, chúng tôi cần rất nhiều tài nguyên và nhân lực. Đây thực sự là một thách thức.”

Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc tại Kathmandu Christian Manhart cũng cho rằng, việc khôi phục các di sản văn hóa bị phá hủy vì trận động đất vừa qua có thể mất 10 năm, thậm chí nhiều thập kỷ, và đòi hỏi sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ông cũng nhấn mạnh, việc khôi phục các di sản ở Nepal phải đảm bảo các công trình này có thể chống chịu các trận động đất trong tương lai.

Du lịch là trụ cột của kinh tế Nepal, đóng góp đến 8,2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và tạo công ăn việc làm cho khoảng 7% lao động. Chính vì thế, việc khôi phục ngành du lịch cũng đóng vai trò quan trọng đối với khôi phục kinh tế và khắc phục hậu quả động đất ở Nepal. Chính phủ nước này cho biết, trong tương lai gần, ngành du lịch Nepal có thể phải chịu ảnh hưởng nhưng sẽ sớm được phục hồi./.

Diệu Hương/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *