(kontumtv.vn) – Một tuần sau cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ – Triều lịch sử, thực tế đang hé lộ “chiến thắng thực sự” đang thuộc về ông Kim Jong-un hay ông Donald Trump.

Cả Mỹ và Triều Tiên đều ca ngợi cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore ngày 12/6 vừa qua là sự kiện lịch sử đáng nhớ nhất thời hiện đại. Nhưng đằng sau “ánh hào quang rực rỡ” ấy, lợi thế đang nghiêng về phía nào?

hau thuong dinh my trieu ty so dang nghieng ve ong kim jong un hinh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bắt tay Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ký Tuyên bố chung ngày 12/6/2018. (Ảnh: Reuters)

Đằng sau “ánh hào quang” của Tổng thống Donald Trump…

Giới quan sát cho rằng Tuyên bố chung Mỹ – Triều ngày 12/6/2018 đáng lưu ý vì những điều mà văn kiện này không đề cập hơn là những gì có trong đó. Theo hãng tin Sputnik (Nga), nhiều nhà phân tích cho rằng nó “gây thất vọng” vì thiếu chi tiết cũng như nhượng bộ từ phía Triều Tiên.

Mặc dù cả 2 bên đã cam kết “xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên”, kèm với đó là lời hứa của Tổng thống Donald Trump rằng sẽ “đảm bảo an ninh” cho Bình Nhưỡng, nhưng những thực tế hậu thuẫn cho tuyên bố “sáo rỗng” đó gần như không tồn tại.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ mong muốn có “một cam kết vững chắc và không lung lay” đối với việc hoàn toàn giải giáp hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên nhưng ông lại không đưa ra bất cứ một lịch trình nào, và cũng không nói rõ việc giải giáp sẽ được xác minh như thế nào.

Đó là chưa kể đến việc cả Mỹ và Triều Tiên đều không đưa ra một định nghĩa chuẩn xác về cụm từ “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên”, mà rõ ràng có ý chỉ cả Hàn Quốc và Triều Tiên.

Trong quá khứ, Triều Tiên từng đề nghị việc giải giáp không chỉ bao gồm yêu cầu phía Hàn Quốc phải có động thái tương tự mà còn yêu cầu phía Mỹ phải rút toàn bộ lực lượng và khí tài quân sự khỏi Bán đảo này. Và hiện không có bất cứ dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy chính sách đó của Bình Nhưỡng đã thay đổi.

Nhiều nhà phân tích cho rằng kết quả Thượng đỉnh Mỹ – Triều tạo ra rất ít kết quả thực chất.

“Nếu bà Hillary Clinton là Tổng thống Mỹ và cũng đạt được thỏa thuận y như thế với Triều Tiên thì ông Donald Trump chắc chắn sẽ công kích bà vì phi hạt nhân hóa ‘giả tạo’” – cựu Biên tập viên báo Asahi Shimbun của Nhật Bản, chuyên gia về chính trị liên Triều Yoichi Funabashi nhận định trên trang Economist.

“Cụm từ ‘phi hạt nhân hóa’ (như được dùng trong văn bản chính thức của cuộc gặp Thượng đỉnh) quả là khó nắm bắt. Nó chẳng có ý nghĩa gì hết” – ông Funabashi nêu rõ.

Nhưng với kinh nghiệm của một ngôi sao truyền hình thực tế, ông Trump rất biết cách tạo ạo ra ánh hào quang cho Thượng đỉnh Mỹ – Triều, và về cơ bản ông đã biến gần 2.500 phóng viên quốc tế có mặt tại Singapore trở thành khán giả của “show diễn chính trị” này.

… Là lợi thế thực sự dành cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un?

Cuộc gặp Thượng đỉnh tại Singapore lần này có thể coi là lần đầu tiên ông Kim Jong-un bước ra chính trường thế giới. Nhưng nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã cho thấy ông không hề kém cạnh Tổng thống của cường quốc số Một thế giới về khả năng thu hút sự chú ý của dư luận và xây dựng hình ảnh.

Đặt chân tới Singapore khi đang phải đối mặt với 10 nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm vào bản thân, gia đình và chính quyền của mình, thế nhưng điều ông Kim Jong-un khiến dư luận quan tâm hơn cả là cuộc “dạo chơi” buổi tối cùng Ngoại trưởng Singapore, cái bắt tay lịch sử với Tổng thống Mỹ Donald Trump và những phát ngôn cho thấy óc hài hước của một cựu du học sinh Thụy Sỹ khi nói “nhiều người trên thế giới nghĩ rằng đây là một câu chuyện tưởng tượng từ phim khoa học viễn tưởng”.

Hơn thế nữa, Nhà Trắng còn lan truyền ý tưởng mời nhà lãnh đạo Triều Tiên dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cuối năm nay ở New York, Mỹ, bất chấp những lệnh trừng phạt đang hiện hữu.

Tổng thống Donald Trump còn đi xa hơn khi gợi ý mời ông Kim Jong-un đến Washington thăm Nhà Trắng vào một ngày không xa.

Nhưng đối với các đồng minh của Mỹ, kết quả “gây hoang mang” nhất của cuộc gặp Thượng đỉnh ở Singapore chính là tuyên bố “đầy tính ngẫu hứng” của ông Donald Trump về việc di dời tài sản quốc phòng [bao gồm cả khí và nhân lực – ND] mà Lầu Năm Góc cất công sắp đặt ở khu vực này hàng thập kỷ qua.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến giới quan sát, các đồng minh và thành viên trong chính nội các của ông bất ngờ khi nói rằng “trò chơi chiến tranh” ở khu vực này, ám chỉ các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, là “rất gây hấn” – một cụm từ mà thường chỉ có Trung Quốc và Triều Tiên sử dụng để đáp trả những động thái quân sự của Mỹ.

Ông Donald Trump cũng cho rằng các cuộc tập trận huấn luyện lâu dài ở châu Á giữa Mỹ và các đồng minh là “không phù hợp” trong tiến trình đàm phán.

“Chúng tôi sẽ dừng các trò chơi chiến tranh mà điều đó sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều tiền” – New York Times trích lời ông Trump.

Đó là “bước lùi” cực kỳ lớn của một Tổng thống Mỹ, một sự nhượng bộ mà rõ ràng đã được đưa ra khi chưa có sự tham vấn với bất cứ thân tín nào trong chính quyền hay các đồng minh nước ngoài.

Và “nước cờ” bất ngờ đó đã nhanh chóng khiến cả Tokyo lần Seoul rơi vào trạng thái báo động.

Các chính trị gia Cộng hòa ở Washington, trong đó có cả nhân vật nhiều tầm ảnh hưởng như Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce, đều rất ngạc nhiên. Những tuyên bố phát đi từ Capitol Hill (Quốc hội Mỹ) đều rất thận trọng, vừa giữ sự ủng hộ đối với tuyên bố của ông Trump, vừa tránh để “hở” thêm bất cứ thông tin nào.

Trong khi đó, nhằm tránh để đồng minh Hàn Quốc hoang mang thêm nữa, chỉ huy quân đội Mỹ tại Seoul đã tuyên bố rằng các cuộc tập trận chung vẫn sẽ diễn ra cho đến khi chính thức nhận được mệnh lệnh khác.

Giới quan sát chỉ ra rằng tuyên bố “ngoài văn bản” của Tổng thống Donald Trump về tập trận chung Mỹ – Hàn là không cần thiết và có thể hủy hoại kế hoạch của chính ông đối với hồ sơ Triều Tiên.

“Nếu không có những bình luận [về cuộc tập trận chung – ND] đó, ông Trump đã có thể coi cuộc gặp Thượng đỉnh vừa qua là một thành công chính trị” – chuyên gia về an ninh Đông Á của tổ chức Quỹ Marshall (Đức), Janka Oertel, nhận định. “Nhưng cô lập đồng minh của chính mình theo cách đó có thể cực kỳ nguy hại, đó cũng là một món quà cực lớn cho Trung Quốc”./.

 

Diệu Hương/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *