(kontumtv.vn) – Hàn Quốc phải thể hiện tốt hơn nữa vai trò cầu nối, còn Mỹ và Triều Tiên cần bày tỏ thiện chí tích cực để đối thoại diễn ra thành công.

Những ngày này, dư luận đang hướng sự tập trung vào việc Mỹ và Triều Tiên đồng ý tham gia hội nghị thượng đỉnh vào tháng 5, động thái mang lại hy vọng rằng cuộc khủng hoảng hạt nhân trong khu vực có thể sắp đến hồi kết. Câu hỏi đặt ra là cần những điều kiện gì để đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên diễn ra thực sự và có hiệu quả?

hoi nghi thuong dinh my trieu can nhung dieu kien va chat xuc tac gi hinh 1
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump (phải) chấp nhận đối thoại. Ảnh: AFP.

Không phải là màn kịch dựng sẵn?

Các quan chức Mỹ ngày 11/2 lên tiếng bảo vệ quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời tham gia đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 5 tới, đồng thời khẳng định, quyết định này cho thấy thiện chí của Tổng thống Donald Trump chứ không phải là một sự phô trương hay một món quà gửi tới Triều Tiên.

Phát biểu trên chương trình Tin tức Chủ nhật của tờ Fox News, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo cho biết: “Tổng thống Donald Trump không chấp nhận lời mời để tạo ra một màn kịch. Ông chỉ mong muốn giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”. Ông Pompeo nhấn mạnh, Mỹ cũng hy vọng Triều Tiên sẽ dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán giữa hai bên. Mục đích của cuộc đàm phán là phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành tập trận trong khu vực song song với tìm kiếm điều kiện thích hợp để dẫn tới cuộc đàm phán này.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry, người từng đàm phán với Triều Tiên, cho rằng đây là một sự cải thiện đáng kể về ngoại giao, song ông vẫn nêu một số câu hỏi chủ yếu về cuộc gặp sắp tới. “Thứ nhất là phía Mỹ sẽ nói gì – tức là Mỹ muốn đạt được điều gì, và Mỹ sẵn sàng trao đổi gì để đạt được điều đó. Câu hỏi thứ hai là Mỹ và Triều Tiên sẽ làm gì khi đang đàm phán. Liệu Mỹ và đồng minh có duy trì sức ép lên Triều Tiên? Và liệu Triều Tiên có tiếp tục phát triển, thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân sau cuộc đàm phán hay không?”

Cần sự chuẩn bị và hợp tác tích cực của cả Mỹ và Triều Tiên

Tờ thời báo New York cho biết, một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nhận lời mời của lãnh đạo Kim Jong Un về một cuộc gặp, Nhà Trắng đã bắt tay vào việc chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ.

Chính quyền Donald Trump đã suy nghĩ về công tác hậu trường và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao nói rằng địa điểm rõ ràng nhất có thể là tại Nhà Hòa bình ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm nằm ở khu Phi quân sự giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Theo giới chức Mỹ, Washington cần thiết lập được liên lạc trực tiếp với Bình Nhưỡng để làm rõ thông điệp mà ông Kim Jong-un đã chuyển đến thông qua đặc phái viên của Hàn Quốc, phòng trường hợp nhà lãnh đạo Triều Tiên thay đổi ý định.

Các nhà phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Donald Trump cần phải coi việc tập trung thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh lần này là ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại hiện nay. Điều này đòi hỏi ông Donald Trump phải liên lạc chặt chẽ với Hàn Quốc, Nhật Bản, tham vấn với Nga và Trung Quốc để thiết lập lộ trình cần thiết.

Washington cần phải chắc chắn rằng họ hiểu rõ mong muốn của các đồng minh gần Triều Tiên là Hàn Quốc và Nhật Bản, bảo đảm cả 3 bên đều “cùng quan điểm” nhằm hướng tới thành công trên bàn đàm phán. Tiếp đến, Mỹ nên cử đặc phái viên tới Triều Tiên để đàm phán về thời gian, địa điểm, chương trình nghị sự. Một vấn đề nữa đặc biệt quan trọng là tránh gây sức ép tối đa đối với Triều Tiên để không tạo ra phản ứng ngược.

Cuối cùng, Nhà Trắng cần hạ thấp kỳ vọng về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên trong lần đầu gặp mặt. Thay vì buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa ngay lập tức, bước đầu tiên của Mỹ là hướng tới thỏa thuận thành lập cơ quan ngoại giao tại mỗi nước để tiếp tục đàm phán sâu hơn nữa và giảm thiểu những nguy cơ dẫn đến tính toán sai lầm, nhằm dẫn tới một thỏa thuận khung, trong đó có điều kiện Triều Tiên phải dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong thời gian diễn ra đàm phán.

Trước đó, hôm 6/3, phát biểu trước thông tin Triều Tiên đồng ý đàm phán về vấn đề hạt nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ tin tưởng ý định của Bình Nhưỡng là “thành thật” và nhấn mạnh không nên để tình hình hòa hoãn hiện tại tiếp tục kéo dài.

Về phía Triều Tiên, giới quan sát nhận định, nước này cần phải thể hiện thiện chí đối thoại để hướng tới đảm bảo an ninh, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, mà điều cốt lõi là chấp nhận “đóng băng chương trình hạt nhân”. Tiếp đến, Triều Tiên cần tránh đưa ra những yêu cầu bất khả thi như đề nghị Mỹ rút quân đội khỏi Hàn Quốc, ngừng các cuộc tập trận chung và chấm dứt liên minh an ninh Mỹ – Hàn để cuộc đối thoại không rơi vào bế tắc. Thay vì đó, Triều Tiên có thể yêu cầu Mỹ và Hàn Quốc giảm bớt cường độ tiến hành các cuộc tập trận, hoặc đề nghị Mỹ rút một số khí tài quân sự chủ chốt ra khỏi Hàn Quốc.

Vai trò tích cực của Hàn Quốc

Có thể nói đến thời điểm hiện tại, Hàn Quốc đã rất thành công trong các nỗ lực tiến hành hòa giải giữa hai miền Triều Tiên và làm cầu nối giữa Mỹ với Triều Tiên.

Chính sách mềm dẻo và kiên nhẫn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên “đáp lại” với những tuyên bố được xem là “nhượng bộ đáng kể”, từ việc chủ động đề nghị tổ chức thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4 tới, đến cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, đồng thời sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nếu các mối đe dọa quân sự đối với Bình Nhưỡng được xóa bỏ.

Hàn Quốc hiện đang thực hiện các nỗ lực ngoại giao con thoi để đối thoại Mỹ- Triều thành công. Sau chuyến thăm Mỹ, các đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc Moon Moon Jae-in đã lên đường đến Trung Quốc và Nhật Bản để chuyển cho lãnh đạo các nước thông điệp từ Triều Tiên về những diễn biến mới.

Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom cho biết trong chuyến thăm Trung Quốc, chiều 12/3, Giám đốc Văn phòng an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ông Chung Eui-yong sẽ tới Nga.

Trong khi đó, Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon ngày 12/3, có chuyến thăm tới Nhật Bản và dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Nhật bản Shinzo Abe vào ngày 13/3. Trước đó hôm 9/3, Trung Quốc và Nga đều bày tỏ hoan nghênh các tín hiệu tích cực trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đồng ý gặp mặt./.

 

Hồng Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *