(kontumtv.vn) – Máy bay của Ukraine bay theo lộ trình bình thường nhưng lại bị nhầm là tên lửa hành trình. Đó có phải là hệ quả từ sai lầm nối tiếp sai lầm của Iran?

Sai lầm nối tiếp sai lầm

Những chi tiết về việc tại sao lực lượng phòng không Iran tưởng nhầm máy bay của Ukraine là tên lửa hành trình sáng 8/1 vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng nhưng một điều thấy rõ là: Lực lượng chịu trách nhiệm vận hành các tên lửa đất đối không có nhiệm vụ ngăn chặn sự nhầm lẫn này đã hoàn toàn thất bại.

iran ban nham may bay ukraine: he qua tu sai lam noi tiep sai lam? hinh 1
Hiện trường vụ tai nạn máy bay Ukraine ở Iran ngày 8/1. Ảnh: Bloomberg

Sai lầm khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng này là hệ quả từ nhiều vấn đề khác nhau, Steven Zaloga, chuyên viên phân tích hệ thống tên lửa tại Teal Group cho biết.

“Có một số vấn đề tiềm ẩn ở đây. Tai nạn này cho thấy cả cách thức hoạt động và công nghệ đều không hiệu quả. Lẽ ra họ nên có các biện pháp nhằm ngăn chặn thảm kịch này”, ông Zaloga cho biết.

Iran khẳng định sẽ tiến hành một cuộc điều tra kỹ càng về những điều đã xảy ra và đưa những kẻ “tội phạm” ra trước công lý. Tuy nhiên, những câu hỏi vẫn chưa được giải đáp là tại sao các nhà chức trách lại cho phép các máy bay dân sự hoạt động trên không phận trong thời điểm căng thẳng khi Iran tiến hành tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq.

Máy bay 737-800 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine đang vận hành theo cách hoàn toàn khác với cách thức hoạt động của một tên lửa hành trình. Chiếc máy bay này đi theo lộ trình bình thường từ sân bay Tehran và rõ ràng đã truyền tín hiệu nhận dạng khi nó đang dần rơi xuống.

Các tên lửa SA-15 Tor được Iran sử dụng trong cuộc không kích sáng 8/1 có hệ thống dẫn đường được sử dụng trong khu vực chiến tranh nhưng dường như chúng không thể phân biệt được máy bay dân sự, tên lửa hành trình và các máy bay quân sự khác.

Do đó, các quốc gia triển khai tên lửa Tor thường kết hợp chúng với hệ thống chỉ huy phòng không bao quát hơn, có khả năng theo dõi các máy bay dân sự, ông Zaloga cho biết. Trong những trường hợp này, những quân nhân phụ trách việc vận hành bệ phóng sẽ không được phép triển khai các tên lửa nếu chưa có sự đồng ý từ các nhà chức trách cao hơn.

Máy bay 737-800 của Boeing đang bay trong tầm hoạt động của máy bay dân sự và được theo dõi bởi FlightRadar24.

Mặc dù các radar của Tor không thể phân biệt được các mục tiêu dân sự và quân sự song các hệ thống của Iran theo dõi máy bay này và thông tin về chuyến bay nên được gửi tới các chỉ huy điều khiển bệ phóng tên lửa, ông Zaloga nhận định.

Iran đã đưa ra những lời giải thích về việc tại sao nước này bắn nhầm máy bay Ukraine. Một thông báo sáng 8/1 cho biết chiếc máy bay đã hướng về phía một căn cứ quân sự.

Tuy nhiên, hệ thống theo dõi FlightRadar24 của chiếc Boeing 737-800 cho thấy chiếc máy bay này đang bay theo lộ trình bình thường. Khoảng 2 phút sau khi đã cất cánh, chiếc máy bay hơi chuyển hướng về bên phải. Khi lên tới độ cao 2.408 mét, nó đột nhiên dừng việc truyền tín hiệu, nhiều khả năng là do đã bị tên lửa phá hủy.

Ít nhất 2 máy bay khác đã khởi hành sáng 8/1 với lộ trình tương tự như máy bay của Ukraine và có cả một số máy bay khác bay ở gần đó.

“Thậm chí cả khi không có cảnh báo trực tiếp về chiếc máy bay này, thì đội ngũ vận hành tên lửa đất đối không lẽ ra có thể dễ dàng phân biệt được sự khác nhau giữa một máy bay dân sự với một mục tiêu nghi ngờ là của Mỹ”, Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ quân sự tại Viện Royal United Services Institute của Anh cho biết.

Một thông báo sau đó do Amir Ali Hajizadeh – chỉ huy Lực lượng Phòng không không quân Iran cho biết máy bay của Ukraine đã bị nhầm thành 1 tên lửa hành trình.

Các phiên bản tên lửa có hệ thống tự dẫn đường này của Mỹ được thiết kế để di chuyển sát mặt đất nhằm tránh bị phát hiện và thường chỉ cách mặt đất 30 mét. Trong khi đó, máy bay Ukraine đang bay lên nhanh chóng và ở độ cao hàng trăm mét.

Ông Hajizadeh cho biết bộ phận phụ trách việc vận hành tên lửa được cho là sẽ phải nhận được sự đồng ý trước khi tấn công song đường dây liên lạc đã bị gián đoạn và ông chỉ có 10 giây để ra quyết định.

Mặc dù bị chỉ trích vì cuộc không kích nhầm này song Iran vẫn được hoan nghênh bởi thái độ không che giấu về vụ việc.

“Không lâu sau 2 ngày phủ nhận, đây là sự nhận lỗi đáng được ghi nhận. Điều đó sẽ giúp tránh leo thang căng thẳng với phương Tây, giúp gia đình các nạn nhân có một câu trả lời rõ ràng và ngăn chặn việc lan truyền nhiều thuyết âm mưu về vụ việc”, ông Bronk nhận định.

“Chúng tôi sẽ chịu mọi trách nhiệm về hành động này và chúng tôi sẽ tuân thủ bất kỳ quyết định nào mà các nhà chức trách đưa ra”, ông Hajizadeh cho biết.

Những câu hỏi được đặt ra

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là tại sao các nhà chức trách lại để những chuyến bay dân sự hoạt động trong thời điểm căng thẳng khi Iran không kích các căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq.

Cơ quan hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trước đó đã áp đặt các giới hạn bay trên một số tàu sân bay của Mỹ hoạt động ở khu vực này những tháng gần đây do căng thẳng leo thang, đồng thời đưa ra cảnh báo trước khi vụ tai nạn máy bay ở Tehran diễn ra. FAA tuân thủ ngày càng nghiêm túc việc đưa ra những cảnh báo như vậy sau vụ mất tích của máy bay thuộc hãng hàng không Malaysia Airlines năm 2014.

Hầu như có tương đối ít hệ thống tên lửa đất đối không đang vận hành trên thế giới đủ tinh vi để bắn hạ máy bay và chúng thường sẽ không được kích hoạt trừ khi có một mối đe dọa sắp xảy ra, ông Zaloga cho biết. Tuy nhiên, vụ tai nạn cuối tuần qua đã cho thấy tầm quan trọng của việc cần kiểm soát tốt hơn những vũ khí như vậy.

“Đây là vấn đề cần được thảo luận ở cấp độ quốc tế”, ông Zaloga nhận định. Đây không phải lần đầu tiên thảm kịch kiểu như thế này diễn ra. Năm 1988, máy bay SE A300 cua Iran Air Airbus đã bị Hải quân Mỹ bắn hạ trên Vịnh Ba Tư, làm 290 người chết. Năm 2014, tên lửa Buk do Nga sản xuất cũng bắn nhầm vào chuyến bay 777 của Malaysia Airlines khi nó bay qua phía đông Ukraine – nơi những cuộc giao tranh giữa phe nổi dậy và quân chính phủ đang diễn ra.

Các quan chức Iran có thể đã cho phép các chuyến bay tiếp tục lộ trình bởi họ không muốn ra dấu hiệu với Mỹ rằng nước này liên quan đến cuộc tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Washington ở Iraq, ông Zaloga nhận định.

Điều đó đã khiến những chiếc máy bay như vậy gặp nguy hiểm, ông Simon Petersen – giám đốc phụ trách vấn đề phòng thủ tên lửa tại Terma A/S cho biết: “Về cơ bản, mỗi hành khách trên mỗi chiếc máy bay dân sự đều giống như những chiếc khiên người”./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)

 Theo Bloomberg

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *