(kontumtv.vn) – Thượng viện đã thông qua các quy định trong phiên tòa luận tội Tổng thống Trump sau một ngày dài tranh luận giữa các bên liên quan.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa bất đồng sâu sắc tại Thượng viện

Đảng Dân chủ đã chỉ trích đảng Cộng hòa đang tìm cách đặt ra những quy tắc luận tội nhằm đẩy nhanh tiến trình này để ông Trump sớm được phán xét vô tội.

“Những quy tắc của ông McConnell được Tổng thống Trump đặt ra, cho Tổng thống Trump và chỉ đơn giản là được Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell cùng các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa thực hiện. Đó là những quy định được viết ra ở Nhà Trắng chứ không phải ở Thượng viện”, Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer nhận định.

luan toi tong thong trump: mot ngay dai cua chinh truong my hinh 1
Phiên tòa luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện. Ảnh: CNN

Ông Schumer cũng nhắc lại ý định của ông về việc sẽ đưa ra một loạt các sửa đổi về quy định này, theo đó, bắt buộc gửi trát hầu tòa tới các nhân chứng và tài liệu mà đảng Dân chủ yêu cầu.

Tuy nhiên, trong một Thượng viện do đảng Cộng hòa chiếm đa số, dễ đoán là những đề xuất này sẽ không được thông qua. Ngay cả thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa với thái độ trung lập Susan Collins thuộc bang Maine cũng nhận định rằng các thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu triệu tập các nhân chứng chỉ sau khi những người điều hành tiến trình luận tội của Hạ viện và đội ngũ luật sư biện hộ của Tổng thống Trump đưa ra những lý lẽ của mình.

Trong khi Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell muốn tiến trình luận tội diễn ra nhanh chóng thì Lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer muốn các thượng nghị sĩ phải bỏ phiếu với từng đề xuất sửa đổi của ông. Schumer cho biết nhiều nội dung sửa đổi mà ông đề xuất liên quan đến việc triệu tập nhân chứng và các tài liệu từ chính quyền Tổng thống Trump cũng như các cơ quan của chính phủ. Đối với mỗi đề xuất sửa đồi này, những người phụ trách điều hành tiến trình luận tội của Hạ viện sẽ có 1 tiếng để đưa ra lý lẽ của mình và đội ngũ của Tổng thống Trump sẽ có 1 tiếng để phản biện những khẳng định trên, trong khi đội ngũ Nhà Trắng cũng sẽ có thêm thời gian để phản hồi.

Thượng nghị sĩ Richard Burr – một nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Bắc Carolina, một người thân thiết với ông McConnell cho biết Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện muốn cuộc bỏ phiếu về các quy định của phiên tòa luận tội kết thúc trong tối 21/1 và bắt đầu đưa ra tuyên bố chính thức ngày 22/1 (giờ địa phương).

Trước đó, ông McConnell đưa ra thời gian 2 ngày để mỗi bên tranh luận để các quy tắc luận tội sớm được thống nhất và phiên tòa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, trước làn sóng phản đối diễn ra ngay lập tức từ đảng Dân chủ và một số thành viên đảng Cộng hòa, ông McConnell đã nhanh chóng bổ sung thêm 1 ngày cho phiên tranh luận này và tuyên bố các bằng chứng của Hạ viện sẽ được nộp lên trừ khi có một cuộc bỏ phiếu phản đối quyết định này.

Trong phiên tòa luận tội ngày 21/1 (giờ Mỹ), Thượng viện đã bác bỏ toàn bộ 11 đề xuất sửa đổi các quy định luận tội của ông Schumer, trong đó bao gồm việc gửi trát hầu tòa tới quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney, yêu cầu tài liệu từ Bộ Quốc phòng và một số đề xuất khác. Kết quả này đã cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong Thượng viện khi toàn bộ đảng Cộng hòa bác bỏ những đề xuất mà đảng Dân chủ đưa ra.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff cho rằng: “Đây không phải là một quy trình của một phiên tòa công bằng. Đây là một quy trình của phiên tòa được dàn dựng, là quy trình mà họ không muốn người Mỹ nhìn thấy các bằng chứng”, đồng thời ông Schiff cũng cáo buộc Thượng viện đã “phối hợp chặt chẽ” với Tổng thống nhằm cho phép ông Trump tiếp tục các hành vi cản trở Quốc hội và phủ nhận sự thật trước người dân Mỹ.

Chiến lược của Nhà Trắng

Trong khi đó, cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone đã thực hiện theo chiến lược bảo vệ Tổng thống Trump như tại Hạ viện, đó là không tập trung vào các bằng chứng luận tội mà nhấn mạnh vào lý lẽ cho rằng các đối thủ của Tổng thống Trump đang nỗ lực để hạ bệ ông.

“Kết luận duy nhất sẽ là Tổng thống không làm gì sai cả và những điều khoản luận tội này không tuân theo tiêu chuẩn của Hiến pháp”, ông Cipollone khẳng định.

Đảng Dân chủ muốn triệu tập cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney cùng với một số quan chức khác. Tuy nhiên, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump thì khẳng định rằng Thượng viện không nên gửi trát hầu tòa tới các nhân chứng mà đảng Dân chủ yêu cầu trước khi Tổng thống chính thức bị luận tội.

Đảng Dân chủ đã sử dụng những từ ngữ như “sự che đậy”, “không bị trừng phạt”, “vội vàng” và “được quyết định từ trước” nhằm khắc họa phiên tòa tại Thượng viện là một trò lừa đảo trước người dân Mỹ. Trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11/2020, đảng Dân chủ muốn các cử tri nghĩ rằng đảng Cộng hòa đang nỗ lực sửa chữa những sai lầm của Tổng thống.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện McConnell thì khẳng định rằng đề xuất của ông về các quy định trong phiên tòa luận tội này “bám sát phiên tòa luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1999” – một phiên tòa “công bằng và minh bạch”.

Một trong những lý lẽ mà các luật sư đưa ra để bảo vệ Tổng thống Trump là việc hoãn viện trợ không phải là chuyện hiếm và chính quyền Trump không phải chính quyền duy nhất làm việc này.

“Những tuyên bố cho rằng khoản hỗ trợ quân sự này đi kèm với điều kiện về việc Ukraine phải tiến hành một cuộc điều tra đã bị bác bỏ bởi một sự thật rõ ràng là khoản hỗ trợ này đã được chuyển tới Ukraine vào ngày 11/9/2019 mà Ukraine không phải tiến hành bất kỳ cuộc điều tra nào”, luật sư riêng của Tổng thống Trump Jay Sekulow khẳng định và dẫn ra rằng khoản viện trợ Ai Cập cũng từng bị trì hoãn dưới thời chính quyền Tổng thống Obama năm 2013.

Ông Sekulow cũng cho biết về một số trường hợp hoãn viện trợ như trường hợp của Afghanistan năm 2019 do lo ngại về sự tham nhũng của chính phủ, hay vào tháng 6/2019, chính quyền Mỹ cũng dừng viện trợ cho El Salvador, Honduras và Guatemala vì vấn đề nhập cư.

Các luật sư của Tổng thống Trump phản đối các cáo buộc của Hạ viện và cho rằng phiên tòa luận tội của Hạ viện đã không cho Tổng thống một quy trình mà ông xứng đáng được hưởng cũng như không tuân theo các trát hầu tòa tại tòa án sau khi Nhà Trắng yêu cầu.

Bám sát theo phiên tòa luận tội Tổng thống Clinton?

Thượng viện nói rằng phiên tòa này bám sát các quy định trong cuộc luận tội Tổng thống Bill Clinton năm 1999 nhưng đảng Dân chủ cho rằng có những khác biệt cơ bản ở đây. Đó là các nhân chứng trong phiên luận tội năm 1999 đã ra làm chứng trước đại bồi thẩm đoàn trong khi các nhân chứng mà hiện đảng Dân chủ đang yêu cầu là ông Mulvaney, Bolton quan chức phụ trách ngân sách Nhà tắng Michael Duffey và cố vấn Nhà Trắng Rob Blair từ chối ra làm chứng trong cuộc điều tra luận tội của Hạ viện.

Đảng Dân chủ cũng chỉ ra một khác biệt nữa là có dấu hiệu cho thấy ông McConnell đang cố gắng đẩy nhanh phiên tòa, trong khi trước đó, phiên tòa luận tội Tổng thống Clinton đã dành 4 ngày cho mỗi bên để tranh luận.

Giai đoạn tiếp theo của tiến trình luận tội

Phiên tranh luận ngày 21/1 là ngày đầu tiên trong phiên tòa Thượng viện sau khi Hạ viện luận tội Tổng thống Trump hồi tháng trước với các cáo buộc lạm quyền và cản trở Quốc hội.

Phiên tòa ngày 21/1 (giờ địa phương) là một ngày lịch sử cho thấy sự chia rẽ sâu sắc của nền chính trị Mỹ. Donald Trump là Tổng thống thứ 3 trong lịch sử nước này đối mặt với một phiên tòa luận tội.

Tuy nhiên, do đảng Cộng hòa chiếm đa số nên Thượng viện chắc chắn sẽ không có đủ 2/3 số phiếu cần thiết để bãi miễn Tổng thống Trump như mong muốn của Hạ viện. Trên thực tế, trong lịch sử nước Mỹ, chưa có bất kỳ Tổng thống nào từng bị Thượng viện bãi miễn.

Sau 13 tiếng tranh luận, Thượng viện đã nhất trí các quy định của phiên tòa với tỷ lệ 53 – 47. Sau phiên tranh luận mở, phiên tòa luận tội này sẽ bước vào giai đoạn đặt câu hỏi, triệu tập nhân chứng và bỏ phiếu. Các Thượng nghị sĩ sẽ có 16 tiếng để đặt câu hỏi về những lập luận của các công tố viên Hạ viện và đội ngũ biện hộ của Nhà Trắng. Các câu hỏi bằng văn bản này sẽ được chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Tòa án tối cao Mỹ John Robert đọc lên tại Thượng viện.

Sau đó, các công tố viên Hạ viện và đội ngũ biện hộ Nhà Trắng có 2 tiếng để tranh luận với nhau về việc gửi trát hầu tòa tới các nhân chứng và yêu cầu thêm tài liệu. Thượng viện sau đó sẽ bỏ phiếu xem liệu có bất kỳ nhân chứng và tài liệu nào nên được triệu tập hay không với số phiếu yêu cầu là 51/100.

Giai đoạn tiếp theo là Thượng viện sẽ bỏ phiếu từng điều khoản trong số 2 điều khoản luận tội. 2/3 thượng nghị sĩ nhất trí là tỷ lệ cần thiết để thông qua quyết định bãi miễn Tổng thống Trump. Cuộc bỏ phiếu này sẽ diễn ra vào cuối tuần sau, trước khi phiên họp chung của Quốc hội diễn ra và Tổng thống có một bài đọc thông điệp liên bang hàng năm./.

Kiều Anh/VOV.VN

 Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *