(kontumtv.vn) – Việc Ba Lan bắt giám đốc kinh doanh Huawei phần nào cho thấy sự chia rẽ của châu Âu trong chính sách đối với gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc.

Huawei đang phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng ở khắp châu Âu giữa lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng các thiết bị của công ty này cho mục đích gián điệp.

mot chau au chia re nhin tu vu bat giu giam doc kinh doanh huawei hinh 1
Toà nhà công ty Huawei tại Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Tổng thống Trump cũng thúc đẩy các đồng minh đẩy Huawei ra khỏi hệ thống mạng viễn thông trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vẫn chưa được giải quyết.

Theo Bloomberg, bắt giám đốc kinh doanh Huawei, cho thấy Ba Lan đang ủng hộ lời kêu gọi từ Mỹ. Chính phủ Ba Lan là một đồng minh trung thành của Mỹ và quốc gia này là một nguyên mẫu của chủ nghĩa bảo hộ và dân tộc theo phong cách Tổng thống Trump. Ba Lan dựa vào châu Âu để kiếm tiền nhưng lại phụ thuộc vào người Mỹ trong vấn đề về an ninh và gần đây liên tục kêu gọi quân đội Mỹ tăng cường hiện diện trên lãnh thổ nước này.

Vấn đề nan giải hiện nay là châu Âu cần phát triển cơ sở hạ tầng về công nghệ. Nhiều quốc gia trong đó có Anh, Pháp, Đức, Na Uy đã công khai bày tỏ quan ngại về việc sử dụng thiết bị của Huawei cho các thế hệ mạng di động tiếp theo. Nhưng những quốc gia khác như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hungary lại đang chào đón sự xuất hiện của tập đoàn Trung Quốc.

“Châu Âu đang phải đối mặt với thách thức khi đối phó với Huawei và châu lục này cho thấy họ đang phụ thuộc vào Mỹ hoặc phụ thuộc vào Trung Quốc”, Solange Ghernaouti, người đứng đầu Tập đoàn nghiên cứu và tư vấn an ninh mạng Thụy Sĩ cho biết.

Cơ quan phản gián của Ba Lan hôm 11/1 tuyên bố bắt giữ một giám đốc kinh doanh của tập đoàn Huawei Weijing Wang hay còn gọi là Stanislaw Wang, với cáo buộc hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Wang bị bắt giữ cùng một công dân Ba Lan là Piotr D., cựu quan chức cấp cao thuộc cơ quan an ninh nội địa Ba Lan. Cả 2 sẽ bị giam giữ trong 3 tháng.

Các bằng chứng giới chức Ba Lan thu được cho thấy 2 người đàn ông tham gia vào các hoạt động gián điệp chống lại Warsaw, ông Stanislaw Zaryn, người phát ngôn của Cục An ninh Ba Lan nói trong một tuyên bố. Nếu bị kết tội, họ sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 10 năm.

Khi ông Zaryn đăng tải dòng tweet bằng tiếng Anh về vụ bắt giữ, ông đã thêm các hashtag bao gồm Bộ Ngoại giao Mỹ, FBI và CIA.

“Đối với chúng tôi, cuộc điều tra này có thể liên quan tới 2 người. Một vấn đề khác nổi lên là mối đe dọa đối với ngành công nghiệp viễn thông. Đây là 2 vấn đề riêng biệt”, Zaryn nói thêm.

Giám đốc an ninh mạng Ba Lan Karol Okonski nói với đài phát thanh RMF rằng, Warsaw đang xem xét nghiêm túc về Huawei và đã tính tới khả năng loại trừ tập đoàn Trung Quốc ra khỏi thị trường công nghệ thông tin của họ.

Trung Quốc đang hết sức quan tâm tới vụ bắt giữ, Văn phòng báo chí của Bộ Ngoại giao nước này cho biết.

“Chúng tôi đang yêu cầu quốc gia liên quan giải quyết vụ việc một cách công bằng dựa trên luật pháp và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của công dân”, văn phòng này nhấn mạnh.

Trong một diễn biến mới đây, Huawei cho biết họ đã chấm dứt hợp đồng với giám đốc kinh doanh bị Ba Lan bắt giữ với lý do làm tổn hại tới danh tiếng của công ty, đồng thời khẳng định người này không còn liên quan tới công ty.

Tuyên bố mới đây của Huawei rõ ràng là có cơ sở khi mà bản thân gã viễn thông khổng lồ của Trung Quốc đang đối mặt với hàng loạt các cáo buộc làm gián điệpcho chính phủ Trung Quốc.

Australia và New Zealand đã cấm Huawei tham gia triển khai mạng lưới 5G tại các nước này.

Đức cho biết họ đang xem xét hạn chế vai trò của Huawei trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông của đất nước trong tương lai.

Tổng thống Séc Milos Zeman hôm 11/1 nói Trung Quốc đang chuẩn bị có hành động trả đũa gây tổn hại về kinh tế đối với Praha sau khi chính quyền nước này đưa ra cảnh báo an ninh đối với Huawei.

Huawei cũng đang sa lầy trong vụ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Mỹ áp đặt lên Iran. Bà Mạnh hiện đã được tại ngoại và đang chờ tới phiên điều trần dẫn độ.

Bất chấp những rắc rối này, Huawei vẫn khẳng định họ không gây ra các mối đe dọa an ninh và chưa bao giờ được chính phủ Trung Quốc chỉ thị làm gián điệp hay làm gián đoạn bất cứ hệ thống mạng nào.

Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ không bao giờ dung thứ cho bất cứ hành vi nào có tính chất tương tự của các nhân viên công ty./.

Song Hy/VTC News
Theo Bloomberg

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *