(kontumtv.vn) – Những tuyên bố gần đây của Tổng thống Trump trong các vấn đề ngoại giao quan trọng cho thấy Mỹ đang chơi trò mạo hiểm một cách không cần thiết.

Toan tính ngắn hạn che mờ lợi ích chiến lược

Theo New York Times, quyết định rời Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv sang Jerusalem của Tổng thống Mỹ Donald Trump được đánh giá là mang tính lịch sử bất chấp sự phản đối của hầu hết các quốc gia trong khu vực.

my di tren day voi chinh sach ngoai giao mua truoc tra sau hinh 1
Ảnh minh họa: Reuters

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ vào vấn đề này, có thể nhận thấy rõ nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của ông Trump: Đưa ra những quyết sách dễ thu hút sự chú ý của công luận mà không quan tâm đến những hệ lụy lâu dài của những quyết sách này.

Chính sách “mua trước, trả sau” đó được Tổng thống Trump áp dụng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong trường hợp dời Đại sứ quán từ Tel Aviv về Jerusalem, ông Trump khẳng định, ông hoàn toàn đủ khả năng xây dựng một tòa Đại sứ mới với chi phí rất thấp nhờ sự nhạy bén về kinh doanh của mình.

Phát biểu trong một chiến dịch vận động tại Elkhart tuần trước, ông Trump đã nhắc lại cam kết giảm mạnh chi phí xây dựng tòa nhà này từ 1 tỷ USD xuống mức “không thể tin nổi” là 400.000USD.

Theo tờ Washington Post, con số này chỉ đúng trong ngắn hạn. Nói cách khác, 400.000USD chỉ là chi phí chuyển từ Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về tòa Lãnh sự quán hiện tại ở Jerusalem. Việc xây dựng một dinh thự lớn hơn làm tòa Đại sứ lâu dài sẽ phải tốn cả tỷ USD và kéo dài tới 10 năm- lúc đó ông Trump đã không còn tại vị nữa.

Có thể thấy, những tuyên bố chỉ nói lên “một phần sự thật của ông Trump”, phần nào cho thấy cách ông nhìn nhận về các chi phí thực tế trong các quyết định ngoại giao của mình. Theo đó, ông Trump dường như không mấy chú ý đến những thiệt hại lâu dài về chính trị xuất phát từ những quyết định nói trên.

Giống như các Tổng thống tiền nhiệm, ông Trump lên nắm quyền với cam kết sẽ tìm ra một cách tiếp cận mới đối với cuộc xung đột Israel-Palestine- “thỏa thuận khó khăn nhất” theo lời chính ông Trump. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thậm chí Chính phủ Mỹ còn chưa công bố được một kế hoạch cụ thể nào và Palestine cũng đã từ chối đối thoại với Mỹ sau khi ông Trump tuyên bố quyết định dời Đại sứ quán về Jerusalem.

Vấn đề này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi ngày mở cửa Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem lại trùng với ngày người Palestine tưởng nhớ Thảm họa Nakba- ngày đánh dấu thời điểm hàng trăm nghìn người Palestine đã phải rời đi khi nhà nước Israel ra đời năm 1948.

Trong vài tuần qua, các cuộc biểu tình bạo lực đã nổ ra tại dải Gaza và lực lượng an ninh Israel đã cảnh báo về khả năng biểu tình diễn ra rầm rộ hơn trong tuần này để phản đối việc Mỹ dời Đại sứ quán đến Jerusalem và ngày thành lập nhà nước Do Thái.

Điều này cho thấy Mỹ “ngày càng mất tín nhiệm” trong việc trở thành một “bên trung lập” thúc đẩy các thỏa thuận hòa bình ở Trung Đông. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, vấn đề Trung Đông khó có thể giải quyết được “một sớm một chiều”, trong khi đó, điều mà ông Trump nhận được ngay lúc này là “những tràng vỗ tay” từ cả Washington và Israel.

Không chỉ trong vấn đề Israel-Palestine, ông Trump còn thể hiện toan tính ngắn hạn của mình trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 với Iran mà không tìm cách thỏa thuận lại khiến giới quan sát cảm thấy ông dường như “không hề có phương án B” cho vấn đề này.

Thượng đỉnh Mỹ-Triều chỉ để “đánh bóng” tên tuổi ông Trump?

Ở chiều ngược lại, nỗ lực thúc đẩy đàm phán hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể vẫn dẫn tới kết cục tương tự như với vấn đề Israel và Iran.

Theo các chuyên gia, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra ngày 12/6 tại Singapore giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có thể giúp ông Trump “đánh bóng” tên tuổi của mình nhờ sự xuất hiện dày đặc và liên tục trên truyền thông thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, trên thực tế, việc thực thi thỏa thuận này là không hề dễ dàng. Điều này là bởi, thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên không chỉ liên quan đến việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà còn đến việc hỗ trợ kinh tế lâu dài cho Triều Tiên cũng như đảm bảo an ninh bền vững trong khu vực.

Các chuyên gia lo ngại, thỏa thuận Mỹ-Triều nếu có thể đạt được cũng sẽ thất bại như các thỏa thuận trước đó giữa 2 bên hoặc tệ hơn là giống với thỏa thuận hạt nhân Iran mà chính ông Trump đã mạnh tay “xé bỏ”.

Cần nhớ rằng, phải mất nhiều năm trời ròng rã cùng hàng chục các cuộc đàm phán, các bên liên quan mới có thể đạt được thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong khi đó, ông Trump dường như không “đủ kiên nhẫn” để theo đuổi những lợi ích lâu dài từ các nỗ lực ngoại giao. Việc Chính phủ Mỹ vội vã tìm cách đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên sẽ chỉ càng gây thêm nhiều rắc rối về sau.

Có thể nói, quá trình ra quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị tác động rất nhiều bởi chính kỳ vọng từ những người ủng hộ ông. Để thỏa mãn họ, ông Trump luôn muốn báo giới dành những “dòng tít có cánh” cho mình và tạo ra sự khác biệt càng nhiều các tốt so với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, ông Trump không phải là người duy nhất theo đuổi quan điểm này.

Một số học giả như Paul Musgrave và Dan Nexon nhận định, trong vài năm qua, chính giới Mỹ ngày càng trở nên phân cực hơn và rất khó để tạo được sự đồng thuận đối với bất kỳ thỏa thuận quốc tế nào. Điều này dẫn đến việc những quyết định quan trọng từ chính quyền tiền nhiệm có thể bị chính quyền đương nhiệm thay đổi bất kỳ lúc nào.

Tuy nhiên, cách tiếp cận vội vã và ngắn hạn như hiện nay của Chính phủ Mỹ sẽ đẩy chính sách ngoại giao của Mỹ vào tình trạng “ăn miếng, trả miếng” không dứt. Nếu như ông Trump vẫn tiếp tục thực thi cái gọi là “mua trước, trả sau”, cái giá phải trả cuối cùng sẽ “đắt đỏ” hơn rất nhiều./.

 

Trần Khánh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *