(kontumtv.vn) – Thương chiến Mỹ-Trung khiến cả hai đều đang chịu những tổn thất đáng kể và “cái giá” cho cuộc chiến này chắc chắn sẽ “không hề nhỏ”.

Mỹ và Trung Quốc đang “trả giá” vì thương chiến

Có một câu hỏi được đặt ra hiện nay trong thương chiến Mỹ – Trung: Ai sẽ là người muốn kết thúc cuộc chiến này trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình?

my va trung quoc se "tra gia dat" neu thuong chien tiep tuc leo thang hinh 1
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ảnh: Reuters

Trong khi kết quả vẫn chưa được xác định thì thực tế cho thấy rõ ràng cả hai bên đều đang chịu những tổn thất đáng kể và “cái giá” cho cuộc chiến này chắc chắn sẽ “không hề nhỏ”.

Nền kinh tế của cả 2 quốc gia và uy tín của hai nhà lãnh đạo đều bị ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung dù cuộc chiến này chưa tới cao trào.

Tháng trước, tại Mỹ, thị trường trái phiếu đã quay trở lại mức thấp nhất kể từ năm 2007, phát đi những lo ngại mới mặc dù Tổng thống Trump đã khẳng định trong thời gian dài rằng thị trường chứng khoán Mỹ là thành công lớn trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang giảm xuống còn 2%, thấp hơn mức 3% ổn định từ hồi đầu năm và chỉ bằng một nửa so với con số 4,2% mà Tổng thống Trump cố gắng duy trì năm ngoái.

Còn ở Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã xuống mức thấp nhất trong 11 năm qua và tăng trưởng kinh tế của nước này cũng ở mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.

Cho tới nay, thị trường lao động Mỹ vẫn duy trì ổn định với tỷ lệ thất nghiệp đạt 3,7%, mức thấp nhất trong 50 năm. Tuy nhiên, những xáo trộn đang bắt đầu xuất hiện, đặc biệt ở nhóm cử tri mà Tổng thống Trump từng dựa vào đó để giành chiến thắng năm 2016 và sẽ một lần nữa phụ thuộc vào sự ủng hộ ở nhóm này trong năm tới. Tính đến năm 2019, các công ty Mỹ thông báo sẽ giảm thêm 36% nhân công so với cùng kỳ năm ngoái. Và đây có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

Những nông dân Mỹ từng góp phần quyết định với chiến thắng của ông Trump năm 2016 hiện là đối tượng chịu ảnh hưởng rõ rệt nhất từ cuộc thương chiến Mỹ – Trung. Chỉ tính riêng nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc từ Mỹ đã giảm từ 25 triệu tấn vào tháng 10/2017 xuống còn 8,7 triệu tấn cùng kỳ năm sau. Theo Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia của Mỹ, việc vận chuyển nông sản Mỹ tới Trung Quốc cũng đã giảm 40% trong quý đầu năm 2019. Công ty nghiên cứu Trade Partnership Worldwide LLC đã tính toán rằng việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc và sự đáp trả của Bắc Kinh sẽ khiến Mỹ mất đi 2,2 triệu việc làm. Cũng trong thời gian này, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, ở mức độ rộng hơn, các biện pháp đáp trả thuế quan sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng cao và giảm 7,8 tỷ USD thu nhập mỗi năm.

Dĩ nhiên, các công ty Trung Quốc cũng đang gặp phải không ít các vấn đề. Thậm chí trước khi Tổng thống Trump yêu cầu các công ty Mỹ rút khỏi Trung Quốc và trước khi thuế quan tăng lên, đã có khoảng 50 công ty, trong đó bao gồm cả các nhà sản xuất nội địa của Trung Quốc rời khỏi nước này. Tất cả những điều trên có thể khiến thị trường việc làm và đầu ra của nền kinh tế Trung Quốc biến động.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục áp thuế lẫn nhau trong một loạt các biện pháp đáp trả dường như không có hồi kết. Nếu cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục leo thang thì không chỉ 2 nước này mà nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ trải qua một “cú đánh mạnh”.

Mức thuế quan 15% đối với 110 tỷ USD hàng hóa, bao gồm hàng điện tử và may mặc mà Mỹ áp lên Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực ngày 1/9, trong khi vòng áp thuế bổ sung với 300 tỷ USD hàng hóa sẽ có hiệu lực vào tháng 10 và tháng 12 trừ khi Trung Quốc đưa ra nhượng bộ trong đàm phán thương mại.

Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp thuế lên dầu thô, đậu nành và nhiều sản phẩm khác của Mỹ cùng ngày đồng thời đe dọa sẽ có thêm các biện pháp khác vào tháng 12. Theo đó, Bắc Kinh sẽ áp thuế bổ sung từ 5%-10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra từ tháng 7/2018 đã có tác động không hề nhỏ đến nền kinh tế của cả 2 nước. Mối lo ngại suy thoái kinh tế đã lan từ châu Âu sang châu Á, khiến an ninh và thị trường tài chính toàn cầu trở nên bấp bênh. Và chắc chắn những lo ngại sẽ không biến mất trừ khi nguyên nhân gốc rễ của nó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đi tới hồi kết.

Thương chiến Mỹ – Trung khi nào sẽ tới hồi kết?

Ngày 4/9, các quan chức Mỹ và Trung Quốc đều nhận định 2 nước có thể sẽ nối lại đàm phán thương mại vào tháng tới song các biện pháp đáp trả thuế quan mới đang khiến hai bên khó có thể đạt được một giải pháp nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc – người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc sẽ tới Washington vào đầu tháng 10. Cuộc trao đổi này sẽ là lần thứ 13 các nhà đàm phán thương mại Mỹ – Trung gặp nhau.

Tổng thống Trump và các cố vấn của ông đều thể hiện sự lạc quan trong tiến trình đàm phán những tuần gần đây, đồng thời trấn an những lo ngại về tình hình kinh tế hiện nay.

“Chúng ta đang làm rất tốt trong đàm phán với Trung Quốc”, Tổng thống Trump biết trên Twitter ngày 2/9, đồng thời cảnh báo Bắc Kinh rằng thỏa thuận sẽ trở nên “khó khăn hơn nhiều” sau cuộc bầu cử năm 2020.

Các chuyên gia thương mại ngày càng nghi ngại việc chính quyền Tổng thống Trump có thể thuyết phục Trung Quốc ký thỏa thuận trước năm 2020.

“Cách duy nhất có thể đạt được một thỏa thuận trong tình hình hiện nay là: Hoặc Trung Quốc chấp nhận nhượng bộ, điều mà rõ ràng sẽ không xảy ra bởi Bắc Kinh hiện đang chuẩn bị cho một cuộc chiến trường kỳ. Khả năng thứ 2 là Tổng thống Trump sẽ chấp nhận một thỏa thuận “cho có” với Trung Quốc – điều mà chắc chắn sẽ vấp phải chỉ trích từ đảng Dân chủ và có thể là cả đảng Cộng hòa nếu thành hiện thực”, Edward Alden – chuyên gia kinh tế và thương mại tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế nhận định.

Tuy nhiên, Walter Lohman – giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Á của Quỹ Di sản nhận định Mỹ và Trung Quốc sẽ đạt được một thỏa thuận vào cuối năm nay do những tổn thất mà cuộc chiến thương mại gây ra với cả 2 nền kinh tế. Dù vậy, chuyên gia này cũng cho biết triển vọng cho thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung ngày càng trở nên bất khả thi theo thời gian.

“Tôi nghĩ sẽ có một thỏa thuận vào cuối năm nay. Trump chắc chắn muốn trở thành một người làm nên thỏa thuận”, ông Lohman cho biết.

Những tuần sắp tới sẽ là thời điểm quan trọng cho chính quyền Tổng thống Trump bởi các quan chức Mỹ đang nỗ lực nối lại đàm phán với Trung Quốc để thúc đẩy quá trình đưa ra thỏa thuận. Một phát ngôn viên thuộc Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ nhận định với The Hill rằng “cả hai bên vẫn đang thảo luận ở các cấp độ khác nhau” song không đưa ra thêm bất kỳ chi tiết nào về tình trạng thỏa thuận hiện nay.

Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc song Tổng thống Trump vẫn bị chỉ trích khi dùng thuế quan như một “vũ khí” để đối phó với Bắc Kinh bởi điều này đang làm tổn hại đến người dân Mỹ và không được thực hiện một cách chiến lược.

Ông Lohman cho rằng: “Chiến lược này đang trừng phạt người dân Mỹ nhiều hơn là Trung Quốc. Nó đang làm tổn hại người tiêu dùng Mỹ, việc sản xuất của Mỹ và sự đáp trả đang gây tổn hại cho người nông dân Mỹ”.

Theo nhà phân tích David A. Andelman nhận định trên CNN, thương mại cũng giống như ngoại giao, không bao giờ nên diễn ra theo quy luật của trò chơi có tổng bằng 0. Tổng thống Trump – người luôn tự nhận mình là một “người làm nên thỏa thuận” nên biết rằng những thỏa thuận tốt nhất luôn là những thỏa thuận mà cả hai bên đều cảm thấy mình là người chiến thắng. Vấn đề ở đây không phải là Mỹ hay Trung Quốc sẽ là bên nhượng bộ trước mà là khi nào hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung để đưa ra những nhượng bộ hợp lý khiến đối phương chấp nhận. Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung sẽ khó có thể kết thúc trong một sớm một chiều nhưng rõ ràng kiềm chế leo thang căng thẳng vẫn là một giải pháp tạm thời hiệu quả đem lại lợi ích cho các bên, không chỉ riêng Mỹ hay Trung Quốc./.

Kiều Anh/VOV.VN (tổng hợp)

 Theo CNN, The Hill

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *