(kontumtv.vn) – Ngày 18/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ra lệnh xem xét lại chính sách của Mỹ về vấn đề người Mỹ bị bắt cóc ở nước ngoài.

Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh phiến quân IS vừa tiếp tục chặt đầu một con tin người Mỹ. Vụ hành hình mới nhất con tin người Mỹ được cho là chất xúc tác để Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến chống lại IS.

Theo Nhà Trắng, ông Obama đã yêu cầu xem xét lại các vấn đề gồm thu thập thông tin tình báo, kiểm tra cam kết của gia đình con tin và chính sách ngoại giao về con tin. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ngày càng nhiều người Mỹ bị bắt cóc ở nước ngoài và Mỹ nhận thấy rõ mối đe dọa mà các nhóm khủng bố đặt ra.

Sự tàn bạo của IS khiến Mỹ phải thay đổi chính sách của mình (Ảnh AP)

Từ trước đến nay, Mỹ luôn theo chính sách từ chối đàm phán hay trả tiền chuộc cho khủng bố để đổi lấy tính mạng con tin. Chính sách này trái ngược với quan điểm của một số nước châu Âu – những nước được cho là đã chi hàng triệu USD để chuộc con tin, trong đó có cả con tin do nhóm “Nhà nước Hồi giáo” bắt cóc.

Bố mẹ nhà báo James Foley bị nhóm IS chặt đầu từng không nghe theo lời khuyên của Chính phủ Mỹ vẫn gây quỹ để có đủ tiền chuộc con trai. Họ bị các quan chức Mỹ cảnh báo rằng luật pháp cấm họ trả tiền chuộc.

Trong khi đó, gia đình nhà báo Steven Sotloff – người cũng bị nhóm “Nhà nước Hồi giáo” hành quyết cho biết, một quan chức chống khủng bố của Nhà Trắng cảnh báo rằng họ có thể bị truy tố nếu trả tiền chuộc Sotloff.

Mỹ cho rằng, quan điểm phản đối trả tiền chuộc đã ngăn cản các nhóm khủng bố như al-Qaeda hay IS không bắt thêm nhiều con tin Mỹ. Nhà Trắng ngày 18/11 cho biết, mặc dù Tổng thống Mỹ Obama đã chỉ thị xem xét lại toàn diện chính sách của Mỹ về giải cứu con tin, nhưng nước này vẫn quyết tâm phản đối việc trả tiền chuộc.

Theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnets, Tổng thống Obama cho rằng, việc trả tiền chuộc có thể sẽ gây ra rắc rối về lâu dài.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo tổ chức IS rằng, Mỹ “không cảm thấy bị đe dọa” sau khi có thêm con tin người Mỹ Peter Kassig bị nhóm này hành quyết.

“Nhân viên cứu trợ và các nhà báo đã bị sát hại dã man. Nhóm “Nhà nước Hồi giáo” nghĩ rằng, thế giới không dám phản ứng với chúng bởi quá sợ hãi. Nhưng chúng tôi nói rõ rằng, chúng tôi không sợ bị đe dọa,bạn bè và các đối tác của Mỹ không sợ bị đe dọa. Nhóm IS đã rất sai lầm”.

Ông Kerry nhấn mạnh sự tàn bạo của nhóm IS và nguy cơ tổ chức này mở rộng hoạt động ra khắp thế giới là lý do chính trong nhiều lý do khiến Mỹ duy trì sự can dự sâu vào Trung Đông. Ông đồng thời khẳng định khu vực này liên quan trực tiếp đến lợi ích kinh tế và an ninh quốc gia của Mỹ.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, Mỹ đang xem xét đẩy nhanh cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria.

Theo các nhà phân tích, giọt nước đang làm tràn ly, vụ phiến quân IS chặt đầu nhân viên cứu trợ nhân đạo người Mỹ Kassig rất có thể sẽ dọn đường cho việc lực lượng bộ binh Mỹ trực tiếp tham chiến cùng quân đội Iraq.

Ông Stephen Miles, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông của Mỹ nói: “Những gì đang xảy ra đã khiến bùng nổ các cuộc tranh luận về việc liệu nước Mỹ có nên có những hành động dưới mặt đất đối với nhóm IS hay không. Hiện có nhiều lời kêu gọi điều động lực lượng tham gia chiến dịch bộ binh và nó cũng mở ra một thực tế rằng, cuộc chiến này đang leo thang và có thể chúng ta sẽ thấy lực lượng quân sự của Mỹ sẽ tham chiến ở Iraq”.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động từ năm 2011 đến nay đã  tiêu tốn nguồn ngân sách khổng lồ của nước Mỹ. Cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan nhiều năm qua đã để một vết thương lớn trong không ít gia đình Mỹ.

Chính vì vậy, trong cuộc chiến mới với nhóm IS, Chính phủ của Tổng thống Obama có thể sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn giữa việc lấy lòng của cử tri khi cuộc bầu cử Tổng thống chỉ còn 2 năm nữa là diễn ra, hoặc là tiếp tục dấn sâu hơn vào các cuộc chiến tranh gây không ít hận thù./.

Vũ Anh Tuấn/VOV- Trung tâm TinTổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *