(kontumtv.vn) – Chiến tranh và sự cạnh tranh của các nước tham chiến ở Syria đã và đang khiến cuộc sống của người dân nước này gặp muôn vàn khó khăn.

Năm mới đã không mang lại sự giải thoát cho Syria – quốc gia vốn đã chìm trong chiến tranh kể từ năm 2011. Syria cũng đang phải trải qua một cuộc khủng hoảng nhiên liệu, suy giảm kinh tế ngày càng trầm trọng. Tình hình cũng ko cho thấy bất kỳ tín hiệu lạc quan nào khi EU ngày 17/5/2019 đã quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào chế độ của Tổng thống Assad và các đồng minh cho đến ngày 1/6/2020.

nam moi, nguoi dan syria doi mat voi kho khan cu them chong chat hinh 1
Chiến tranh và sự cạnh tranh của các nước tham chiến ở Syria đã và đang khiến cuộc sống của người dân nước này gặp muôn vàn khó khăn. Ảnh: AFP.

Lệnh trừng phạt được mô tả là nhằm vào chính quyền Assad, bảo vệ dân thường nhưng trên thực tế cũng gây không ít đau khổ cho người dân Syria khi đẩy họ vào tình trạng đói nghèo, cản trở viện trợ nhân đạo, khiến việc mua sắm vật tư y tế trở thành điều gần như không thể và dập tắt mọi hy vọng rằng người Syria có thể nhanh chóng cải thiện cuộc sống của họ khi chiến sự tạm lắng.

Basimah, một lập trình viên làm việc tại Damascus nói: EU và Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt được thiết kế để bảo vệ dân thường nhưng những gì chúng ta nhìn thấy trong thực tế thì chỉ có người dân bị ảnh hưởng xấu bởi những biện pháp này. Chỉ có người dân bị lạnh cóng trong mùa đông do thiếu nhiên liệu, Chính phủ thì không”.

Trong khi đó, Ghalia M. Turki – một doanh nhân trẻ thì than phiền rằng gần như không thể tiến hành các hoạt động kinh doanh trực tuyến vì lệnh trừng phạt ngăn người dân Syria ở trong nước thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến.

Ngoài ra, nhiều trang web cung cấp các khóa học và đào tạo trực tuyến cũng bị cấm khiến việc truy cập các tài nguyên giáo dục trở nên rất khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh cơ sở hạ tầng internet của Syria vẫn còn rất yếu kém.

Syria cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy giảm giá trị tiền tệ. Giá trị đồng tiền của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục vào đầu tháng 12/2019. Trước khi cuộc nội chiến ở Syria nổ ra (3/2011), 47 Bảng Syria đổi được 1 USD. Nhưng đến ngày 2/12/2019, tỷ giá được Ngân hàng Trung ương Syria công bố cho thấy, 950 Bảng Syria đổi được 1 USD. Trên thị trường chợ đen, 1.000 Bảng Syria mới đổi được 1 USD.

“Giá cả tăng mạnh và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong khi mức lương của chúng tôi không thay đổi. Giá thuốc nhập khẩu thì đặc biệt đắt đỏ”, Nadia K., 29 tuổi, một Giám đốc tiếp thị ở Damascus nói.

Ali M., 27 tuổi, một kế toán ở thủ đô Damascus than thở: “Gia đình tôi có 6 người thì 4 người tham gia lao động kiếm tiền nhưng chúng tôi vẫn không thể chống đỡ với tốc độ tăng giá cả sinh hoạt. Giờ đây chúng tôi bắt đầu phải tìm kiếm việc làm thêm để có thức ăn hàng ngày”.

Đất nước giàu dầu mỏ, người dân Syria thiếu khí đốt

Theo số liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố, sản xuất dầu của Syria đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào năm 2011. Năm 2010, Syria sản xuất được gần 400.000 thùng dầu thô/ngày. Ở thời điểm ngày 1/1/2011, Syria có khoảng 2,5 tỷ thùng dầu dự trữ, phần lớn tập trung ở khu vực phía Đông, gần biên giới với Iraq và dọc theo sông Euphrates.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Sputnik hồi tháng 10/2019, Giám đốc kế hoạch và hợp tác quốc tế tại Bộ Dầu khí và Khoáng sản Syria Mohammad Jeroudi cho biết, hiện sản lượng khai thác dầu thô của Syria đã giảm xuống còn 24.000 thùng/ngày.

Dù ngành khai thác dầu mỏ của Syria đứng trước một tương lai vô cùng bấp bênh nhưng nó vẫn đang thu hút những ánh mắt thèm muốn của nhiều thế lực. Ngày 23/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Chúng tôi bảo vệ mỏ dầu ở Syria, vì thế nên một số lượng nhỏ lính Mỹ sẽ được duy trì trong khu vực có dầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ dầu mỏ và sẽ quyết định những gì chúng tôi sẽ làm với nó trong tương lai”.

Vài ngày sau đó, ông Trump lại nhắc lại quyết tâm của mình: “Chúng tôi sẽ giữ dầu mỏ – Hãy nhớ điều đó”.

“Chúng tôi muốn đưa binh sĩ về nhà, song vẫn để họ lại vì chúng tôi muốn canh giữ dầu mỏ. Tôi thích dầu mỏ. Chúng tôi đang canh giữ dầu mỏ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng ngày 1/11 trước khi lên đường tới thành phố Tupelo, bang Mississippi để dự cuộc tuần hành “Giữ cho nước Mỹ vĩ đại”.

Phó giáo sư Michal Strahilevitz tại trường ĐH Saint Mary ở California, một chuyên gia kinh tế hàng đầu nhận định, không có gì đáng ngạc nhiên về sự thay đổi mối quan tâm của Trump đối với Syria, từ chống khủng bố sang giữ dầu mỏ.

Theo ông Strahilevitz, khi nước Mỹ bước vào năm bầu cử, ông Trump đương nhiên muốn nêu bật vị thế đang có của mình như một Tổng thống thành công trong việc phát triển kinh tế. Những động thái có vẻ giúp ích cho nền kinh tế của đất nước hoàn toàn phù hợp với những nỗ lực của Trump trong việc xây dựng một hình ảnh nước Mỹ thịnh vượng hơn dưới thời ông.

Chính phủ Syria dường như không đặt hoàn toàn niềm tin vào dầu mỏ khi công bố khoản ngân sách năm 2020 gồm 4.000 tỷ Bảng Syria (khoảng 9 tỷ USD) với kỳ vọng tạo ra hơn 83.000 việc làm. Khoản ngân sách này được phân bổ đều cho các lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp, tái thiết đất nước, bảo hiểm xã hội, chi trả nợ công…

Tuy vậy, sự lạc quan của các quan chức Syria có vẻ như có rất ít mối liên hệ với cuộc sống hàng ngày của người dân nước này khi họ vẫn đang phải đối mặt với thêm một mùa đông vô cùng khắc nghiệt khác.

Asma, 32 tuổi, một bà mẹ hai con sống ở Damascus, làm việc trong ngành quảng cáo nói: “Tôi thậm chí không muốn nghĩ về tương lai của gia đình tôi ở đây. Nó làm tôi cảm thấy sợ. Tôi tin rằng tình hình kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi”.

“Mùa đông đã bắt đầu cùng với thời gian mất điện kéo dài. Không có nhiên liệu sưởi ấm, không có gas và không có điện. Cầu Chúa giúp chúng tôi sống sót qua một mùa đông lạnh giá nữa khi không có gì để giữ ấm ngoài những bộ quần áo và tấm chăn cũ kỹ”, Asma nói thêm./.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch)

 Nguồn: Arab News

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *