(kontumtv.vn) – “Triều Tiên giờ đây có một sức mạnh kinh tế nội tại để chống lại các trừng phạt. Họ đã quyết định đẩy mạnh phát triển trong khi giải quyết một số vấn đề kinh tế mà các trừng phạt đặt ra thông qua đàm phán trực tiếp với Mỹ”.

Tự tin vào sức mạnh hạt nhân 

Trọng tâm đặt vào kinh tế trước tiên của Triều Tiên đã hé lộ từ tháng 4 vừa qua, khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói rằng ông sẽ bắt đầu chuyển đổi từ chính sách “byungjin” (tức là phát triển vũ khí hạt nhân và kinh tế song song) sang một chiến lược mới nhằm cải thiện nền kinh tế.

Thông điệp này đã được củng cố – một cách gián tiếp – khi ông Kim gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thành phố cảng Đại Liên (Đông Bắc Trung Quốc) hồi tháng 5. Trong cuộc gặp này, ông Kim cho biết ông muốn áp dụng “các biện pháp từng bước và có hệ thống” nhằm “đạt phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên”. Tiến trình này sẽ bao gồm từng bước dỡ bỏ vũ khí hạt nhân đổi lại từng bước dỡ bỏ trừng phạt và phát triển kinh tế.

Nhiều chuyên gia cho biết ông Kim đơn giản sử dụng vũ khí như một vật mặc cả để đổi lấy các viện trợ nhằm bù lại các tác động của trừng phạt, qua đó thực hiện các mục tiêu kinh tế mà ông rất cần đạt được. Nhưng Chung Jae-heung, một chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu Sejong ở Seoul, cho biết Triều Tiên chủ động bởi sức mạnh hạt nhân của mình, hơn là cúi mình vì một nền kinh tế bị trừng phạt.

Ông Chung khẳng định: “Chính sự tự tin rằng Triều Tiên là một nhà nước hạt nhân đã đưa ông Kim đến bàn đàm phán, chứ không chỉ là vì các trừng phạt của LHQ, bởi nền kinh tế nước này không tệ như nhiều người nghĩ”. Ông cũng nói thêm rằng: “Chính quyền Triều Tiên sẽ không sụp đổ vì các trừng phạt của LHQ, bởi Bắc Kinh sẽ không cắt nguồn cung dầu mỏ của mình đến mức có thể đe dọa sự sống còn của nhà Kim”.

Về phần mình, Đại sứ Park cũng cho rằng với việc sở hữu công nghệ hạt nhân, ông Kim có thể chuyển trọng tâm của mình vào phát triển kinh tế. Bà nói: “Khó mà đánh giá các tác động của trừng phạt đối với Triều Tiên. Nhưng rõ ràng là bất chấp các trừng phạt, họ vẫn có thể đạt sự phát triển kinh tế đáng kể khi không có đầu tư từ bên ngoài”.

Lim Eul-chul, một chuyên gia về Triều Tiên của Viện nghiên cứu viễn Đông tại Seoul, cho biết dù các trừng phạt của LHQ gần đây khiến nền kinh tế Triều Tiên bị ảnh hưởng, nhưng tác động của nó vẫn hạn chế, và càng giảm bớt trong bối cảnh lịch sử gần đây. Ông nói: “Các biện pháp của LHQ sẽ không bao giờ tệ bằng nạn đói ở Triều Tiên trong những năm 1990”.

Chuyên gia Lim lập luận: “Triều Tiên giờ đây có một sức mạnh kinh tế nội tại để chống lại các trừng phạt. Họ đã quyết định đẩy mạnh phát triển trong khi giải quyết một số vấn đề kinh tế mà các trừng phạt đặt ra thông qua đàm phán trực tiếp với Mỹ”.

ong-lon-nao-se-duoc-vao-nhu-ng-ba-i-bie-n-xinh-de-p-cua-trieu-tien-3
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp lịch sử vừa qua. Ảnh: Reuters

Nhân tố quyết định

Dù Mỹ vẽ ra viễn cảnh Triều Tiên sẽ trở nên rất giàu có nhờ sự đầu tư của Mỹ nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân, song giới học giả và chuyên gia kinh tế lại cho rằng chính Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là động cơ cho bất cứ sự biến đổi nào của Triều Tiên.

Jeon Kyong-man, một nhà kinh tế học tại Viện Hội nhập Xã hội Triều Tiên, nhận định: “Ông Kim đàm phán với ông Trump vì ông ấy cần Mỹ rút lại các trừng phạt. Tuy nhiên sau đó, tất cả các vấn đề nóng sẽ đều tập trung vào ông Kim và ông Tập Cận Bình”.

Thực vậy, vài tuần sau khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố chấm dứt các vụ thử tên lửa và hạt nhân và cam kết dốc hết sức để xây dựng một “nền kinh tế xã hội chủ nghĩa”, một phái đoàn cấp cao trong Đảng Lao động Triều Tiên đã có chuyến thăm kéo dài 11 ngày hồi tháng 5, đến các trung tâm công nghiệp của Trung Quốc, với trọng tâm chuyến thăm là hệ thống vận tải đô thị công nghệ cao và các đột phá mới nhất về khoa học của Trung Quốc. Và trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, ông Kim đã hai lần tới Trung Quốc để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc vốn là đồng minh quan trọng nhất và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên. Kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, mối quan hệ thương mại này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trung Quốc hiện chiếm hơn 90% thương mại của Bình Nhưỡng, vì vậy chính là đường sinh mệnh kinh tế duy nhất của Triều Tiên.

Truyền thông Trung Quốc đã gọi tuyên bố trên của ông Kim là “sự mở cửa và cải cách” của Triều Tiên, viết tắt theo các chính sách của Đặng Tiểu Bình, vốn kéo theo sự bùng nổ đầu tư vào nhà đất tại Đan Đông – một thị trấn biên giới Trung Quốc.

Các chuyên gia cho rằng hình mẫu gần nhất không phải dựa trên chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ mà là nền kinh tế thị trường do nhà nước quản lý của Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đề xướng năm 1978. Ông Đặng đã đưa ra những cải cách mạnh mẽ được dư luận đánh giá là đặt nền móng cho phép màu kinh tế Trung Quốc trong 40 năm qua. Những thay đổi này rất sâu rộng và phát triển một cách ngoạn mục, nhưng quan trọng hơn cả là Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đạt được tất cả những điều đó trong khi không những duy trì được quyền lực mà còn tăng cường sự kiểm soát với đất nước.

Chuyên gia Zhang Anyuna, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tại ngân hàng đầu tư Dongxing Securities của Trung Quốc, nhận định đối với Triều Tiên, tấm gương của Trung Quốc thay đổi từ một nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường rất lôi cuốn bởi nó được tích lũy cùng với sự ổn định chính trị, kinh tế và xã hội. Chuyên gia nhấn mạnh: “Xét về vị trí địa lý, hệ thống kinh tế, quy mô thị trường, giai đoạn phát triển kinh tế, hợp tác kinh tế Trung – Triều có những thuận lợi không thể thay thế”.

Theo hãng nghiên cứu BMI, một đơn vị thuộc Nhóm Fitch, bất cứ sự mở cửa nào ban đầu cũng sẽ bị hạn chế trong “các vùng kinh tế đặc biệt”, nơi Bình Nhưỡng tìm cách kết hợp nguồn lao động giá rẻ với sức mạnh tài chính và bí quyết công nghệ của Trung Quốc. Theo giới chuyên gia, khu Du lịch Đặc biệt Wonsan tại bờ biển phía Đông, hay khu đất nhà máy liên Triều bị đình chỉ hoạt động tại tỉnh biên giới Kaesong, là một vài trong số các ví dụ mà Kim có thể áp dụng việc duy trì kiểm soát kinh tế chặt chẽ của nhà nước.

Đây là sự cải cách theo hình mẫu của Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng đã tạo ra một loạt vùng kinh tế đặc biệt dọc bờ biển phía Đông Trung Quốc, nơi luật pháp địa phương khuyến khích đầu tư nước ngoài vào sản xuất liên doanh rồi bán ra các thị trường xuất khẩu, đồng thời vẫn bảo vệ các ngành công nghiệp Trung Quốc khỏi rơi vào cạnh tranh đa quốc gia. Ông Kim sẽ rất háo hức với các hình mẫu này, bởi ông muốn tối thiểu hóa những thay đổi với các khu vực khác của nền kinh tế.

Tuy nhiên, sự tiến triển trong tự do hóa kinh tế của Triều Tiên có khả năng sẽ chậm hơn bởi nước này muốn cẩn trọng với những rủi ro chính trị có thể xảy đến từ việc nới lỏng những hạn chế về tiền tệ và di cư. Vì vậy, ngoài Trung Quốc, Triều Tiên cũng có thể nhìn vào các nền kinh tế khác, như Việt Nam, hay các hình thái kinh doanh liên kết của Hàn Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc đã sẵn sàng để tận dụng lợi thế từ bất kỳ sự mở cửa nào của Triều Tiên và rõ ràng nước này ở vị trí rất tốt để làm việc đó. Trung Quốc đã lập 3 khu vực thương mại lớn trên biên giới giáp Triều Tiên và những dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn như cầu, đường sá đã được tiến hành. Bắc Kinh muốn tận dụng nguồn lao động Triều Tiên, một trong những nơi rẻ nhất thế giới. Trung Quốc cũng muốn tận dụng mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Triều Tiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở các tỉnh Đông Bắc của họ. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi nới lỏng các biện pháp trừng phạt ngay sau khi tuyên bố chung được ký ở Singapore.

Triều Tiên muốn phát triển nền kinh tế thì cần phải đẩy mạnh cải cách kinh tế. Sau khi xóa bỏ sự thù địch đối với Triều Tiên, Mỹ sẽ giúp nước này thúc đẩy phát triển kinh tế, đây chính là sự lựa chọn thực tế để khuyến khích Triều Tiên không quay trở lại con đường cũ. Mỹ-Triều muốn “thiết lập quan hệ kiểu mới” thì cần phải củng cố nền tảng về sự tin tưởng lẫn nhau. Ấn tượng xấu về sự lật lọng của các nhà lãnh đạo Triều Tiên trong quá khứ là điều ông Kim Jong-un phải cố gắng loại bỏ để đạt các mục tiêu kinh tế về lâu dài./.

Diệu An/Vietnamnet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *