(kontumtv.vn) – Việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga đã làm gia tăng sức ép với Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Bộ Tư pháp Mỹ ngày 13/4 đã ra thông báo truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga với cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Diễn biến mới này đã làm gia tăng sức ép đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ dự kiến diễn ra vào ngày 16/7 tới tại thủ đô Helsinki của Phần Lan.

song gio lai bua vay tong thong trump truoc them thuong dinh nga my hinh 1
Tổng thống Donald Trump. 

Hãng tin CNN cho biết, 12 nhân vật bị truy tố là thành viên của GRU, một cơ quan tình báo liên bang Nga thuộc hệ thống tình báo quân sự. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, những người này bị cáo buộc tấn công vào chiến dịch vận động tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton, Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ và Ủy ban Tranh cử Quốc hội đảng Dân chủ với mục đích “phát tán thông tin trên mạng Internet”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein nhấn mạnh, bản cáo trạng không nêu tên bất cứ công dân Mỹ nào, song cho biết, những đối tượng nằm trong danh sách bị truy tố đã liên hệ với một vài người Mỹ trong quá trình thực hiện âm mưu của mình. Quyết định truy tố nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra do Công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu nhằm làm rõ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Song song với cuộc điều tra này, ông Mueller cũng đang tìm hiểu liệu đội ngũ tranh cử của Tổng thống Donald Trump có bất kỳ mối liên hệ nào với các quan chức Nga hay không?

Mục đích thực sự của Robert Mueller?

Việc công bố bản cáo trạng diễn ra chỉ 3 ngày trước cuộc gặp Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi, mục đích thực sự của ông Robert Mueller là gì?

Một số ý kiến cho rằng, đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên và bản cáo trạng được công bố ngay khi mọi việc đã hoàn tất. Theo ông Rosenstein, cáo trạng được ban hành sau khi các nhân viên “thu thập đầy đủ dữ liệu, bằng chứng và quyết tâm phơi bày sự việc ra trước ánh sáng”. Điều này phản ánh tiến độ làm việc của Cố vấn Mueller cùng các nhân viên dưới quyền ông.

Tuy nhiên cũng có ý kiến khác nhận định, ông Muller đang cố tình “chơi khó”, buộc Tổng thống Donald Trump phải cứng rắn hơn với Nga trong cuộc đàm phán. Hiện nay, mọi con mắt đang đổ dồn về Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ mà ông Trump cho là “nhiệm vụ dễ dàng nhất” trong chuyến công du nước ngoài của ông, bắt đầu từ ngày 11/7 – thời điểm diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Tổng thống Trump cho biết, ông có kế hoạch nêu vấn đề can thiệp bầu cử trong cuộc gặp Tổng thống Putin.

Việc công bố bản cáo trạng đã khiến một số quan chức cấp cao trong Thượng viện Mỹ “ngỡ ngàng” vì họ cho rằng Bộ Tư pháp sẽ không công bố tin tức về cuộc điều tra Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ quá sát thời gian diễn ra cuộc gặp của Tổng thống Trump với Tổng thống Putin. Trong các bản cáo trạng trước đây của ông Muller, thông tin về đối tượng bị buộc tội và thời điểm buộc tội luôn được giữ kín.

CNBC dẫn phân tích của các cây bút Tucker Higgins và Kevin Breuninger cho biết, động thái của Bộ Tư pháp đã khiến chính quyền Tổng thống Donald Trump rơi vào thế khó xử và không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận “sự đã rồi”. Thêm vào đó, Bộ Tư pháp cũng muốn bác bỏ quan điểm của Tổng thống Trump vì chỉ vài giờ trước khi cáo trạng được bạn hành, Tổng thống Trump đã hạ thấp khả năng Nga can thiệp bầu cử Mỹ, nhấn mạnh cuộc điều tra của cố vấn Muller là “cuộc săn phù hủy”, cho rằng điều này làm tổn hại các nỗ lực của ông để kéo hai quốc gia lại gần nhau.

Phản ứng gay gắt trong nội bộ nước Mỹ

Bản cáo trạng đã làm dấy lên phản ứng gay gắt ngay trong nội bộ nước Mỹ. Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain khẳng định: “Tổng thống Donald Trump phải sẵn sàng đối đầu với ông Putin với thái độ và quan điểm cứng rắn hơn, để chứng minh rằng Nga sẽ phải trả một giá đắt nếu can thiệp vào công việc nội bộ của Mỹ hay bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Nếu ông Trump không thể khiến ông Putin phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình, Hội nghị Thượng đỉnh ở Helsinki là không cần thiết”.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Ben Sasse của bang Nebraska hôm 13/7 cho rằng: “Tổng thống Putin không phải là người bạn của nước Mỹ. Cộng đồng tình báo Mỹ đều biết rõ, chính phủ Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ. Đây không phải là quan điểm của Đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa mà là thực tế”.

Sau khi thông tin truy tố được công bố, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã kêu gọi ông chủ Nhà Trắng hủy Hội nghị Thượng đỉnh này. Ông Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ ở Thượng viện cho biết: “Tổng thống Donald Trump nên hủy cuộc gặp với Tổng thống Putin cho đến khi Nga có những bước đi rõ ràng và minh bạch nhằm chứng minh họ sẽ không can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ trong tương lai. Việc bắt tay với ông Putin trong bối cảnh cáo trạng được công bố như thế này sẽ là một sự xúc phạm nền dân chủ của chúng ta”.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, một quan chức thuộc Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ nêu rõ, nếu Tổng thống không coi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử là vấn đề ưu tiên số 1 tại Thượng đỉnh, thì tốt nhất nên hủy cuộc họp này.

Nga lên tiếng

Bộ Ngoại giao Nga ngày 13/7 thông báo, bản cáo trạng đối với 12 người Nga bị cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 nhiều khả năng xuất phát từ mục đích chính trị, nhằm phá hỏng Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki. Hãng tin RT dẫn thông báo của bộ này khẳng định: “Thật đáng tiếc là việc truyền bá thông tin sai lệnh đã trở thành thông lệ ở Washington và các cáo trạng đều dựa trên những động cơ chính trị công khai. Câu hỏi đặt ra là họ sẽ tiếp tục thổi phồng màn kịch vốn làm xấu bộ mặt nước Mỹ trong bao lâu”.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết thêm, lời cáo buộc cho rằng các nhân viên tình báo của Nga thâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống máy tính của Đảng Dân chủ là vô lý và không dựa trên bất cứ bằng chứng nào. “Mục tiêu của cuộc tấn công thông tin này rõ ràng là muốn làm hỏng bầu không khí tích cực trước thềm hội nghị. Các lực lượng chính trị có ảnh hưởng ở Mỹ, vốn phản đối việc bình thường hóa quan hệ Nga-Mỹ, đã lan truyền những phát ngôn “vu khống” Nga suốt 2 năm qua và giờ đây đang cố gắng truyền bá một thông tin sai lệch khác”.

Bộ này cũng nhấn mạnh: “Dù sớm hay muộn, những người khởi xướng các thông tin dối trá sẽ phải trả lời cho những thiệt hại mà họ gây ra với nước Mỹ cũng như tự làm suy yếu uy tín của bản thân”.

Giải pháp nào cho ông Trump?

Trong suốt chiến dịch tranh cử, Tổng thống Trump từng cam kết sẽ cải thiện mối quan hệ với Nga. Đến khi lên nắm quyền, ông nhiều lần kêu gọi cần phải làm ấm quan hệ Nga-Mỹ bất chấp việc nhiều đồng minh của Mỹ lên án việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014, các hành động quân sự của Nga tại Biển Đen, Biển Baltic, thậm chí cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên ở Anh hồi tháng 3 vừa qua.

Ngày 13/7 vừa qua, hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Putin không xem ông Trump là một “kẻ thù” mà là một “đối tác đàm phán”. Bản thân ông Trump cũng bày tỏ hy vọng trở thành một người bạn của Tổng thống Putin trong cuộc họp báo tại Brussels, Bỉ hồi đầu tuần này.

Giới quan sát cho rằng, việc Bộ Tư pháp Mỹ công bố quyết định truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga lúc này sẽ khiến ông Trump rơi vào tình thế khó. Bởi nếu tỏ thái độ thân thiện với Nga, ông Trump chắc chắn sẽ vấp phải “búa rìu dư luận” trong nước, còn nếu quá cứng rắn và buộc Nga phải chịu trách nhiệm cho những cáo buộc nêu trên thì quan hệ Nga-Mỹ sẽ đứng trên bờ vực thẳm và như thế, mục tiêu của ông Trump nhằm hàn gắn quan hệ với Nga sẽ khó thực hiện được.

Theo một số nhà phân tích, trong cuộc đàm phán sắp tới, thay vì buộc tội Nga, Tổng thống Donald Trump nên tìm kiếm một cam kết từ Tổng thống Putin rằng Nga sẽ không bao giờ can thiệp vào bất cứ cuộc bầu cử nào của Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump sẽ phải rất khéo léo để tránh một kết quả có thể làm hài lòng Điện Kremlin trong khi không thuyết phục được các nghị sỹ có quan điểm cứng rắn của Mỹ.

Về phía Nga, Tổng thống Putin có lẽ sẽ thấy không khó khăn gì khi đưa ra một cam kết mang tính chung chung như vậy. Tờ Kommersant dẫn lời ông Dmitri Trenin thuộc Trung tâm Carnegie ở Moscow cho biết, ông Putin sẽ chẳng mất gì khi đưa ra một cam kết chung chung, vốn không ảnh hưởng đến lợi ích của Nga mà lại chứng minh được rằng Nga vô tội: “Tại cuộc gặp, Tổng thống Putin có thể nói rằng Nga chưa bao giờ có ý định can thiệp bầu cử Mỹ và không có ý định làm như vậy trong tương lai. Thế là đủ cho ông Trump”./.

Hồng Anh/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *