(kontumtv.vn) – Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình xóa sổ đói nghèo vào năm 2020.

Tại ngôi làng nhỏ Gaibao thuộc tỉnh Quý Châu ở Trung Quốc, người dân địa phương đang quay những đoạn video ngắn về vùng nông thôn yên bình của họ bằng ứng dụng phát video trực tuyến. Một đoạn video cho thấy có 4 phụ nữ trẻ đang tươi cười bắt cá bằng tay trên cánh đồng lúa. Trong một video khác, họ mặc trang phục truyền thống đi cày ruộng, trên dòng chú thích viết “Bạn có một trang trại như thế này không?”.

tham vong xoa doi ngheo cua trung quoc nam 2020: ao tuong hay thuc te? hinh 1
Chủ tịch Tập Cận Bình thăm một ngôi làng tại Trung Quốc đề tìm hiểu tiến trình xóa đói giảm nghèo ngày 15/4. Ảnh: CNN.

Đây chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực to lớn nhằm đưa toàn dân của đất nước Trung Quốc 1,4 tỷ dân thoát khỏi đói nghèo vào năm 2020 – mục tiêu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đặt ra trong báo cáo phát biểu năm 2015. Theo chính phủ Trung Quốc, những người thuộc diện đói nghèo là người có thu nhập chưa đến 2.800 nhân dân tệ (tương đương 416 USD)/1 năm hoặc 1,1 USD/ ngày, thấp hơn ngưỡng của Ngân hàng thế giới là 1,9 USD/ngày.

Chính phủ Trung Quốc đã huy động khoảng 775.000 công nhân viên chức thúc đẩy chiến dịch chống đói nghèo. Nhiều người đã đi đến từng hộ gia đình để tìm hiểu về những khó khăn mà người dân đang gặp phải và đưa ra các phương án trợ giúp từ chính phủ. Theo truyền thông Trung Quốc, những cán bộ thất bại trong việc xóa đói giảm nghèo có thể đối mặt với nguy cơ bị cách chức.

Việc đăng tải video về các hoạt động sản xuất nông nghiệp là ý tưởng của Wu Yusheng, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo tại làng Gaibao. Hoạt động này đã giúp người dân trong làng bán các sản phẩm hữu cơ qua mạng. Bên cạnh đó họ còn nhận được những món quà tặng ảo từ người hâm mộ qua một ứng dụng, mà từ đó có thể chuyển đổi thành tiền mặt. Wu Yusheng, làm việc tại Gaibao từ năm 2018, cho biết ông đã đạt được mục tiêu của mình. Câu hỏi đặt ra là liệu Chủ tịch Tập Cận Bình có đạt được mục tiêu tương tự, là xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc hay không?

CNN dẫn lời John Donaldson, chuyên gia về xóa đói giảm nghèo tại Đại học Quản lý Singapore cho biết: “Các quan chức địa phương đang thực hiện mục tiêu một cách đầy lo lắng. Một phần là do họ không thực sự biết phải bắt đầu từ đâu, vì vậy, họ áp dụng nhiều giải pháp khác nhau. Họ đang nỗ lực hết sức có thể”.

Chiến dịch chống đói nghèo

Giấc mơ xóa đói giảm nghèo tại Trung Quốc thực ra không bắt đầu từ thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mà khởi nguồn vào năm 1949. Giai đoạn đó, Trung Quốc đã có nhiều thử nghiệm về kinh tế nhưng không thành công. Mọi thứ chỉ khởi sắc vào năm 1978, khi Trung Quốc tiến hành tự do hóa nền kinh tế và cho phép người nông dân bán sản phẩm dư thừa ra thị trường để kiếm lợi nhuận. Kể từ đó các nỗ lực chống đói nghèo của nước này đã có những bước nhảy vọt đáng kinh ngạc. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, vào năm 1990, có hơn 750 triệu người Trung Quốc sống trong đói nghèo, chiếm hơn 60% dân số. Khoảng 30 năm sau đó, vào năm 2019, Bắc Kinh cho biết con số này đã giảm xuống còn 16,6 triệu người.

Mặc dù hàng trăm triệu người đã thoát khỏi đói nghèo thành công nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được. Bởi trên thực tế, có sự chênh lệnh khá lớn giữa thành thị và nông thôn. Trong khi các thành phố lớn của Trung Quốc như Thượng Hải và Bắc Kinh ngày càng phát triển và giàu có, thì tại nhiều khu vực nông thôn, người dân vẫn phải sống trong cảnh thiếu điện, thiếu nước sạch và lương thực.

Trong bài phát biểu năm 2015, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng ông được truyền cảm hứng để ưu tiên chiến dịch xoá nghèo đói bởi ông đã có kinh nghiệm làm việc tại nông thôn vào những năm 1960 thời Cách mạng Văn hóa. “Tôi đã làm việc cùng với người dân làng vào thời điểm đó, với mục đích làm cho cuộc sống tốt hơn, nhưng việc này còn khó hơn là lên trời”, nhà lãnh đạo Trung Quốc nói.

Đề xuất nhiều giải pháp

Kế hoạch của chính phủ Trung Quốc được chia thành hai chiến lược: chính sách quốc gia tầm vĩ mô và chính sách can thiệp tại địa phương tầm vi mô.

Ở cấp độ quốc gia, các chính sách xoay quanh việc chi tiêu cho xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính phủ Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD cho vấn đề này, trong đó riêng năm 2019 đã dự chi 19 tỷ USD cho nhiều dự án và sáng kiến trên toàn quốc. Theo số liệu của chính phủ, hơn 200.000 km đường bộ đã được xây mới hoặc cải tạo trong năm 2018 và 94% những cộng đồng nghèo được tiếp cận với internet.

tham vong xoa doi ngheo cua trung quoc nam 2020: ao tuong hay thuc te? hinh 2
Người nông dân Trung Quốc tăng gia sản xuất. Ảnh: CNN.

Truyền thông Trung Quốc cho biết, hàng chục doanh nghiệp nhà nước đã tham gia vào chiến dịch và rót hơn 4 tỷ USD (30 tỷ nhân dân tệ) cho các chương trình xóa đói giảm nghèo đầu năm 2019. Tuy nhiên, một số dự án lớn đã gây ra tranh cãi, chẳng hạn như đề xuất di chuyển hàng triệu người dân tới những khu định cư mới để đưa họ thoát khỏi đói nghèo. Maggie Lau, chuyên gia tại Đại học Lingnan của Hong Kong cho biết đề xuất này là không khả thi. “Nếu họ phải chuyển đến khu vực có chi phí sinh hoạt cao hơn, làm sao họ có đủ khả năng chi trả mức phí như vậy?”.

Ở cấp độ thứ hai, chiến dịch chống đói nghèo được giao cho các quan chức địa phương. “Mỗi cán bộ địa phương phải đi thăm từng hộ nghèo, cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của họ, và tìm cách hỗ trợ bằng những nguồn lực sẵn có”, ông Donaldson cho biết.

Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, hầu hết đều tập trung vào việc khuyến khích người dân phát triển các ngành công nghiệp địa phương, tham gia thương mại điện tử và đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn để thoát đói nghèo. Ông Donaldson cho biết, dù các nỗ lực bỏ ra rất “đáng kinh ngạc”, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề nảy sinh, chẳng hạn như việc giới chức địa phương dù mất nhiều thời gian, công sức nhưng lại không thu được kết quả, hay sự thiếu kiên nhẫn với những người dân nghèo không tham gia chương trình.

Mặt trái của chiến dịch xóa đói giảm nghèo

Hiện chính phủ Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ cách thức sử dụng nguồn ngân sách dành cho chương trình xóa đói giảm nghèo. Vào tháng 3/2019, một chủ tịch tỉnh đã bị khai trừ khỏi Đảng, một phần do không giải quyết được vấn đề nghèo đói tại khu vực do ông quản lý. Đến tháng 10/2018, một loạt cuộc kiểm tra đã được tiến hành tại các tỉnh thành ở khu vực miền trung và miền tây Trung Quốc để xem xét liệu các quan chức có thực hiện đúng yêu cầu về xóa đói giảm nghèo hay không.

Theo Ủy ban kiểm tra và kỷ luật trung ương Trung Quốc, riêng trong năm 2018 đã có hơn 1.700 cá nhân đã bị kỷ luật vì chiếm dụng quỹ xóa đói giảm nghèo.

Ngoài ra, cũng có dấu hiệu cho thấy các nỗ lực tập trung xóa đói giảm nghèo của chính phủ đang gây ảnh hưởng đến một mục tiêu lớn khác đó là bảo vệ môi trường. Một nghiên cứu tiến hành năm 2015 chỉ ra rằng, các hoạt động thúc đẩy nền kinh tế để xóa đói giảm nghèo đang làm giảm chất lượng không khí và chất lượng nước sinh hoạt tại nhiều khu vực. Nhiều ngành công nghiệp được khuyến khích phát triển để tạo thu nhập và công ăn việc làm cho người dân nhưng đổi lại là môi trường sống bị ảnh hưởng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức. “Tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và sự suy thoái về sinh thái dễ làm nảy sinh những vấn đề liên quan đến an ninh lương thực và tiếp cận với nguồn nước sạch”, báo cáo cho biết.

Một số nhà phê bình cũng lưu ý rằng chính phủ đã quá tập trung đến vấn đề xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn mà bỏ qua những vấn đề ít nghiêm trọng nhưng vẫn cấp bách tại các khu đô thị.

Liệu có đạt được mục tiêu?

Ông Wu Yusheng, cán bộ phụ trách xóa đói giảm nghèo ở làng Gaibao, Quý Châu, cho biết, ông “hoàn toàn tin tưởng rằng mục tiêu xóa đói giảm nghèo vào năm 2020 có thể thực hiện được. “Chính phủ đang làm mọi thứ để đạt được mục tiêu đề ra. Ở cấp độ vi mô, việc hướng đến người nghèo là điều hoàn toàn đúng đắn. Công cuộc xóa đói giảm nghèo sẽ không phải là vấn đề lớn nếu toàn xã hội cùng cố gắng, nỗ lực”.

Tuy nhiên, các chuyên gia và các nhà quan sát quốc tế nhận định, Trung Quốc sẽ chỉ đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo ở mức tối thiểu bởi có nhiều công việc cần được thực hiện hơn ở các thành phố và ở các vùng nông thôn nhằm đảm bảo nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ông Qin Gao, giám đốc Trung tâm chính sách xã hội Trung Quốc của Đại học Columbia, cho biết trong một báo cáo năm 2018 rằng, việc chính phủ tăng cường hỗ trợ đối với lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và việc làm sẽ hữu ích hơn những sáng kiến dựa trên cơ sở cá nhân hoặc các biện pháp thương mại hiệu quả.

“Chỉ bằng cách kết hợp chính sách xã hội, biện pháp phát triển và dịch vụ một cách hữu hiệu, Trung Quốc mới có thể xóa đói giảm nghèo tại khu vực nông thôn về lâu về dài”. Trong khi đó ông Donaldson cho rằng ngay cả khi Trung Quốc đáp ứng được mục tiêu đề ra vào năm 2020 thì chính phủ sẽ không dễ dàng từ bỏ chiến dịch xóa đói giảm nghèo. “Bất kỳ chính phủ có trách nhiệm nào cũng sẽ tập trung vào cách thức giúp cải thiện mức sống của người dân – những người dù không còn là hộ nghèo nhưng vẫn thuộc diện khó khăn. Tôi cho rằng điều đó sẽ mãi mãi nằm trong chương trình nghị sự”./.

 

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch)

 Theo CNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *